MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày 12/6, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân lao động về tiền lương, việc làm

Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp gỡ, đối thoại với khoảng 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính là tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu khác trên cả nước.

Chiều 9/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố vào sáng ngày 12/6 tại Bắc Giang với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước".

Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cùng tham dự chương trình sẽ có Trưởng Ban Dân vận trung ương Bùi Thị Minh Hoài, đại diện lãnh đạo một số ban xây dựng Đảng trung ương, một số ủy ban của Quốc hội, một số bộ, ngành, Văn phòng chính phủ và đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo một số tỉnh, thành…

Ban tổ chức cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ đi thăm, động viên, tặng quà công nhân tại khu nhà trọ và nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Chương trình đối thoại là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Ngày 12/6, Thủ tướng sẽ đối thoại với công nhân lao động về tiền lương, việc làm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu thông tin về Chương trình đối thoại - Ảnh: VGP


Tại buổi họp báo, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết để chuẩn bị cho chương trình, ngày 16/5, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, các cơ quan báo chí công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay, cơ quan chức năng đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề.

Cụ thể là đề nghị tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần.

Nhóm vấn đề thứ ba là chỉ đạo đôn đốc giải quyết các chính sách, trong đó có 3 nội dung chính là người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do COVID-19; hỗ trợ các em học sinh mầm non là con công nhân lao động ở các khu công nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà...

Nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu bức thiết về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân.

Bên cạnh đó, người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng vay "tín dụng đen"; vấn đề học nghề, đào tạo nghề và mong muốn được học nghề rất lớn trong công nhân lao động; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH.

Công nhân cũng kiến nghị những vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh. Thực tế, có rất ít bệnh viện ở gần khu nhà trọ, do thời gian eo hẹp nên cuối tuần công nhân mới đi khám bệnh được nhưng vào ngày nghỉ không được hưởng BHXH nên họ gặp khó khăn.

Ngoài ra, công nhân cũng mong muốn được bảo đảm về an toàn thực phẩm, nhất là bếp ăn và các điểm chợ quanh khu công nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi ở, nơi làm việc.

Theo Nguyễn Nga

BizLive

Trở lên trên