Nghề đặc biệt thường “sống về đêm”: Phải có một cái đầu lạnh và đủ “quái” để sống sót trong bóng tối đầy cám dỗ
“Mỗi người đều chọn một nghề riêng, thế nhưng làm sao để sống đúng với đam mê và được xã hội công nhận là điều không phải ai cũng thành công”, chia sẻ của Nhuận Đinh – chàng trai sinh năm 1982 thường được nhiều người nhắc tới với cái tên Mr. Chua, hay một nhà sản xuất cho ngành nightlife.
Nhuận Đinh (1982) thường được nhiều người nhắc tới với cái tên Mr. Chua, hay một nhà sản xuất cho ngành nightlife (bên trái bức ảnh).
Với những người trong nghề, Nhuận Đinh còn là một trong những người tiên phong đưa không ít cái tên nổi tiếng như các DJ nước ngoài về Việt Nam biểu diễn. Bộc bạch trong buổi tâm sự cùng những bạn trẻ đang muốn tìm hiểu về nightlife cũng như muốn phát triển hơn theo hướng NSX, owner… của ngành này, Nhuận Đinh đã có những tâm sự rất đời.
"Tôi vẫn thường nghĩ, khi số đông thường có định kiến với nghề, có một góc nhìn chưa bao quát, chính những người làm trong nghề đó phải tìm cách chứng minh được cho mọi người không chỉ về sự cố gắng, mà còn về những thành công đạt được", Nhuận Đinh thẳng thắn.
Thực tế, cuộc sống của ngành nghề giải trí về đêm nói riêng và kinh tế đêm nói chung sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể gượng dậy trở về được thời điểm trước. Thế nhưng đối với những người có thâm niên trong nghề và vẫn đam mê, sống và cháy với nghề, không phải ai cũng "có gan" để có thể tiếp tục làm nghề sau nhiều khó khăn.
"Nhiều năm trở lại đây, thực tế ngành nightlife đã vượt qua không ít định kiến và có những bước chuyển mình. Nhiều người sẽ không nói về câu chuyện ‘nghề trong bóng tối’, hay ‘nghề không lành mạnh’ nữa mà có cái nhìn thoáng hơn. Dần dần, những người hoạt động trong ngành này cũng được có những sự tôn trọng nhất định. Nhiều tên tuổi trở nên nổi bật, được biết đến đông đảo hơn như DJ Mie, DJ Wukong… Điều này chứng tỏ họ đã cống hiến, đã từng bước khẳng định tên tuổi hết mình như thế nào.
Thế nhưng bản thân tôi hay những người làm cùng nhau trong nghề ‘sản xuất âm nhạc về đêm’ đều tự nhắc nhở rằng, công việc nào rồi sẽ có những mặt tốt, mặt xấu. Và những người ‘cống hiến cho âm nhac, cho nightlife’ đang chứng tỏ với xã hội rằng: Những điều họ làm chắc chắn sẽ đem tới những thành quả đáng được ghi nhận", nhà sản xuất trong ngành nightlife chia sẻ.
Rõ ràng, mỗi người bắt đầu một ngành nghề đều phải hiểu cuộc chơi thì mới có thể tạo ra được cuộc chơi. Giữa thị trường kinh tế đầy những khó khăn, bất cứ ai trong chúng ta cũng phải luôn quan niệm rằng: Bắt đầu làm việc bằng tất cả sự cố gắng thì mới có thể làm nên thành công.
Chặng đường gần 10 năm tham gia vào ngành kinh tế đêm này, từ một người chuyên đi thiết kế, setup cho các địa điểm nightlife, cho tới việc đầu tư nhiều địa điểm giải trí khác nhau cùng với bạn bè, đã đem tới cho Nhuận Đinh những góc nhìn khá khác so với người ngoài.
"Góc khuất về gia đình, định kiến xã hội luôn là điểm yếu của những người làm ngành này. Hồi đầu mới bước chân vào nghề, tôi vẫn thường hỏi rằng làm sao để được gia đình, bố mẹ có góc nhìn khác về nghề của mình. Nhưng trải qua một quãng thời gian dài, tôi dần nhận ra để được mọi người công nhận không phải chỉ cần nói. Cũng có lần tôi suy nghĩ tới việc từ bỏ để mọi người bớt định kiến về mình".
Không thể phủ nhận, những người có góc nhìn văn minh, thoáng hơn đối với nghề nghiệp thì sẽ dễ dàng chấp nhận. Thế nhưng làm sao để có thể chứng minh được bản thân và nói rõ ràng để những người xung quanh hiểu thì không phải là ai cũng có những cách giống nhau.
"Ba tôi đã có lần hỏi rằng, liệu con có đang sống đúng với đam mê và thực sự chứng tỏ được bản thân hay không. Tôi không trả lời và cho tới tận bây giờ vẫn chưa trả lời câu hỏi này của ba. Bởi lẽ, những người thế hệ trước như ba tôi luôn nhìn những con người sống trong bóng tối, làm những công việc về đêm với ít nhiều định kiến. Những quãng đường gần 10 năm cống hiến với nghề, phát triển cũng như có một chút thành quả như hiện tại có lẽ đã là câu trả lời tốt nhất.
Đôi khi, tôi cũng dành thời gian tâm sự với ba, nói về nghề, về định hướng tương lai xa hơn như việc phát triển gắn với du lịch, hay những kế hoạch mời những người nổi tiếng, DJ nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn. Dần dần, chúng tôi có nhiều chuyện để nói với nhau. Tôi nghĩ rằng không có ngành nghề nào xấu hết. Chỉ là cách chúng ta thể hiện ra và được công nhận như thế nào thôi", anh chia sẻ.
Thế nhưng, khi bắt đầu cuộc chơi, đừng để cám dỗ vây quanh. Nhuận Đinh tự nhận, bản thân không phải là người thích "được – mất". Thay vào đó, bản thân anh hiểu, để có thể "sống sót", phải luôn có một cái đầu lạnh và đủ "quái".
"Tôi thích đứng xem mọi người vận hành, hoạt động như thế nào. Bởi lẽ, nhìn mọi sự ‘đã rồi’, tôi có thể tự ngẫm lại những gì mình đã làm được. Sở thích của tôi là đưa mình vào suy nghĩ của những người khách, chứ không phải đặt tư duy của một người làm chủ, người vận hành để nhìn. Chỉ khi nhìn thấy rõ sự phát triển, cũng như cách mọi người đón nhận khác nhau ở từng nơi khác nhau, tôi mới có thể vạch ra con đường tương lai một cách rõ ràng, giúp mọi người hiểu hơn về vai trò của ngành nghề này trong phát triển du lịch cũng như kinh tế đêm".
Nhuận Đinh khẳng định, "góc khuất" không phải lúc nào cũng là những điều xấu xa hay không lành mạnh. Bởi lẽ giữa rất nhiều người làm nghề, những người làm việc chân chính, cống hiến, có mục tiêu và biết vươn lên khỏi mọi cám dỗ, từ trong con người họ đều có câu chuyện đáng được trân trọng. "Ai cũng có câu chuyện riêng. Chỉ là trong mỗi câu chuyện đó, ai là nhân vật phản diện mà thôi", anh nhận định.
Ảnh: NVCC