Nghề dọn dẹp cao cấp mang lại thu nhập "khủng"
Sức mua của giới trẻ đã sinh ra sự trỗi dậy của nghề thẩm định và sắp xếp nơi trưng bày hàng hiệu.
- 16-01-2023Dương Cẩm Lynh sau ồn ào bị đòi nợ: Không còn dám mặc quần áo đẹp, bán hết đồ hiệu
- 12-01-2023Nghề “phù phiếm” nhưng có thể kiếm cả triệu/ngày: Hộ tống khách shopping, đến tận nhà sắp xếp tủ quần áo và những lần sốc vì khách quá giàu
- 11-01-2023Thức thời mùa Tết: Nghề sửa quần áo, giày dép kín lịch cuối năm vì các đơn hàng khủng, kiếm gần chục triệu một ngày
Không gì có thể ngăn cản giới nhà giàu Trung Quốc lấp đầy nhiều thứ xa xỉ hơn vào tủ quần áo của họ.
Người dân Trung Quốc "mua, mua, mua" không chỉ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu mà còn ươm mầm cho các ngành và nghề mới - các nhà tổ chức giao dịch hàng hiệu secondhand.
Theo báo cáo dữ liệu năm 2020 của PLUM, nền tảng giao dịch đồ hiệu secondhand lớn nhất ở Trung Quốc, hơn 70% người tiêu dùng trên nền tảng này là "những người sinh sau 1990 và 2000".
Phố mua sắm sầm uất Tam Lý Đồn, Bắc Kinh, nơi hội tụ của các thương hiệu cao cấp quốc tế
Khi tủ quần áo của giới nhà giàu "tràn trề" đồ hiệu, các nghề nghiệp mới cũng xuất hiện. Sức mua của giới trẻ đã sinh ra sự trỗi dậy của nghề thẩm định và sắp xếp nơi trưng bày hàng hiệu của giới nhà giàu.
Các khóa đào tạo của Trung tâm dịch vụ sắp xếp nhà cửa Liucundao (Lưu Tồn Đạo) có hơn 6.000 học viên tham gia, phí đăng ký khóa học 9 ngày lên tới 28.800 NDT (hơn 100 triệu đồng). Nội dung giảng dạy bao gồm sắp xếp vật dụng, quy hoạch và cải tạo không gian, kỹ năng đàm phán và giao dịch, nhận biết về thương hiệu sang trọng, kỹ năng thể hiện thẩm mỹ, vận hành studio...
Phí đào tạo đắt đỏ không đảm bảo học viên đều có thể “thu hồi vốn”, nhưng ngày càng có nhiều người chọn đến với niềm tin rằng sự giàu có đang vẫy gọi.
Phí đăng ký cho một khóa học 9 ngày tại Liucundao cao tới 28.800 NDT
Một món đồ xa xỉ, sau khi được “dát vàng” ở phương Tây, lọt vào tủ quần áo của người Trung Quốc, rất có thể vài tháng sau sẽ được đẩy lên sàn buôn bán đồ cũ, vào tủ quần áo của người mua tiếp theo, được lưu trữ, trưng bày và sử dụng. Một chu kỳ như vậy diễn ra, chính là thể hiện bản sắc và bước nhảy vọt về đẳng cấp.
Nghề sắp xếp tủ quần áo cho giới nhà giàu
Liucundao là trung tâm cung cấp dịch vụ sắp xếp dọn dẹp sớm nhất ở Trung Quốc. Trước năm 2015, khách hàng chính của họ là nhóm người dùng cao cấp như người nổi tiếng, giám đốc doanh nghiệp và nhân vật chính trị từ khắp nơi trên thế giới. Việc lưu trữ và phân loại đã được người dân Trung Quốc chú ý. Nhưng phí dịch vụ cao khiến đây không phải sự lựa chọn của hộ gia đình bình thường.
Tiêu chuẩn tính phí của dịch vụ dọn dẹp cao cấp này là 990 NDT (gần 3,5 triệu đồng) trên một mét, nghĩa là chỉ lấy khoảng cách theo chiều ngang của tủ quần áo. Không tính số lượng nhân viên hay số giờ làm việc, khách hàng không trả tiền cho quy trình dọn dẹp và sắp xếp mà chỉ trả tiền tính theo thành quả nhận được.
Một phòng quần áo sau khi được nhân viên của Liucundao sắp xếp ngăn nắp
Khác với dịch vụ dọn phòng truyền thống chủ yếu dọn dẹp thay cho người khác, nhân viên sắp xếp này phải phân loại các vật dụng của gia đình, phân tích bố cục không gian trong nhà, sau đó tiến hành chuyển đổi cách bài trí để nâng cao hiệu quả sinh hoạt của các thành viên trong cuộc sống hàng ngày.
Nhân viên đeo găng tay, trải tấm vải chuyên dụng, lấy túi xách từ trong tủ ra và phân loại theo nhãn hiệu, màu sắc, kiểu dáng và trường hợp sử dụng. Ngay cả những thương hiệu bình thường không có logo cũng được phân loại chính xác. Theo số lượng và chiều cao của túi, họ sẽ quy hoạch lại không gian tủ quần áo, chẳng hạn như đóng đinh thêm vách ngăn, sau đó tiến hành "trưng bày thẩm mỹ".
Nhân viên sắp xếp lại không gian tủ quần áo theo số lượng và chiều cao của túi
Vải Cashmere và len được để riêng, hàng trăm bộ váy được treo theo màu sắc và mùa. Thấy những kiểu dáng gần giống nhau chiếm diện tích lớn trong nhà, riêng áo trễ vai đã có hơn chục chiếc, mua xong đem cất ở nhiều nơi khác nhau, khách hàng luôn cho rằng mình “lúc nào cũng thiếu đồ mặc” nên quyết định kiềm chế “ham muốn” tiêu dùng của mình.
Sự sắp xếp khéo léo không chỉ tăng 60-70% không gian lưu trữ mà còn khiến ngôi nhà trở nên gọn gàng, sạch sẽ hơn rất nhiều. Đồng thời, khách hàng cũng có thêm cơ hội để xem xét lại quan điểm tiêu dùng của mình.
Theo lời của Biện Lịch Thuần, người sáng lập Liucundao:
“Khi nhân viên sắp xếp một cách trực quan sức chứa tối đa của mỗi ngôi nhà, mọi người sẽ thoát khỏi tình trạng hỗn loạn, biết rõ vật nào thường được sử dụng và đâu là ranh giới mong muốn mua sắm của họ, đồng thời đưa ra quyết định bỏ đi hay giữ lại, vì có mua thêm thì nhà cũng không chứa nổi”.
Khách hàng đầu tiên của Biện Lịch Thuần được tính phí 100.000 NDT (gần 350 triệu đồng) để thiết kế một phòng chứa đồ rộng 300 mét vuông. Cô cũng từng chứng kiến một "tín đồ mua sắm", trong nhà có hơn 3.000 đôi giày hiệu, mỗi đôi có giá 4.000-5.000 NDT, nhưng nhiều đôi còn chưa từng được sử dụng.
Biện Lịch Thuần, người sáng lập Liucundao
Hóa thân thành người sử dụng hàng hiệu để làm việc cho giới nhà giàu
Sức mạnh chi tiêu của những người giàu mới nổi chắc chắn khiến bạn kinh ngạc. Điều thú vị rằng mặc dù hàng hiệu luôn được đề cao là sản xuất hạn chế và có giá cao mà người bình thường không thể tiếp cận, nhưng họ không tiếc công sức để bán chúng đi.
Lâm Lâm, sinh năm 1985, lần đầu tiên tiếp xúc với hàng hiệu vào năm 2015. Người sếp cũ đã tặng cô một chiếc túi CELINE, giá khoảng 18.000 NDT (gần 63 triệu đồng).
Lâm Lâm (phải), một người làm nghề sắp xếp tủ quần áo trưng bày đồ hiệu cho giới nhà giàu, đồng thời cô cũng bán đồ hiệu secondhand
Lâm Lâm sử dụng chiếc túi này để tạo ra một vẻ ngoài đáng tin cậy và đàng hoàng. Sau khi bước vào ngành dọn dẹp và sắp xếp tủ quần áo, cô luôn cầm túi hiệu trên tay để tiếp cận khách hàng.
Biện Lịch Thuần cũng nhắc nhở các học viên có thể mang túi vải thông thường đến nhà khách hàng, nhưng không được mang túi giả hoặc “túi cao cấp rẻ tiền”. Khách hàng sẽ nghĩ bạn là người chỉ hám hư vinh viển vông.
Như đã nói trong cuốn sách “Thương hiệu nổi tiếng là trên hết”, thương hiệu nổi tiếng cấu thành một hệ thống nhận diện hoàn chỉnh, con người thể hiện sức mạnh kinh tế của mình thông qua trang phục trên người, xác định lại bản sắc và tầng lớp xã hội.
Khi Lâm Lâm bước vào cửa và đặt một chiếc túi xách sang trọng trên bệ tủ, khách hàng nói "Bạn cũng dùng chiếc này?", khoảng cách giữa khách hàng và nhân viên có thể được rút ngắn và họ "sẽ cảm thấy bạn hoàn toàn xứng tầm với họ", những lần giao dịch tiếp theo sẽ suôn sẻ hơn.
Lâm Lâm vẫn nhớ cô đã làm việc từ 7 giờ sáng đến 2-3 giờ sáng hôm sau trong hơn 20 ngày liên tục. Cô đã tự hỏi: "Làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, tại sao tôi không thể mua những thứ mình thích?". Ngay lập tức bỏ ra 8.000-9.000 NDT (hơn 28-31 triệu đồng), Lâm Lâm tức tốc đến cửa hàng mua ngay chiếc túi LV mới tinh sành điệu.
Năm 2016, Lâm Lâm gia nhập ngành dọn dẹp với tư cách là một thực tập sinh, thu nhập của cô bị giảm 1/3, chỉ còn 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng). Để duy trì mức sống như xưa, Lâm Lâm đã kinh doanh hàng hiệu secondhand. Cho đến nay, cô đã bán được 48 món đồ trên nền tảng buôn bán đồ hiệu secondhand và 98 chiếc váy Michael Kors mới mặc một lần. Một chiếc túi xa xỉ đã qua sử dụng nhìn chung sẽ giảm đi 40% giá trị ban đầu.
Khi bắt taxi sau khi tan sở và đi ngang qua trung tâm thương mại, Lâm Lâm đã quan sát tấm biển quảng cáo khổng lồ từ xa và tự hỏi liệu những khách hàng cao cấp đó đã mua sản phẩm mới chưa? Lâm Lâm thỉnh thoảng bước cửa hàng vào để xem, rồi chuyển sang trang web buôn bán đồ hiệu secondhand.
Từ người không am hiểu về đồ hiệu, Lâm Lâm đã thành công biến mình trở thành một phần trong giới thượng lưu. Không phải giàu có hơn, cũng không sở hữu gia tài bạc tỷ, nhưng cô là "bí quyết" làm đẹp tủ quần áo trưng bày đồ hiệu của giới nhà giàu, và là một người kinh doanh khá thành công trong giao dịch mua bán đồ hiệu secondhand.
Phụ nữ Việt Nam