Nghề giao dịch viên và tâm sự của những nàng dâu trăm họ
Thời thơ ấu, ai cũng mang trong mình một giấc mơ sau này sẽ làm bác sỹ, kỹ sư, cảnh sát... Với tôi, đó là giấc mơ của mẹ, vì mẹ thấy các cô làm trong ngân hàng rất chuyên nghiệp, ai cũng xinh đẹp và sang trọng. Cả đời mẹ vất vả chân lấm tay bùn nên mẹ thích con gái làm ngân hàng, mẹ mong cho con một tương lai an nhàn và vui sướng.
- 12-08-2017Nghề ngân hàng: Đã chọn thì đừng hối tiếc, đã đi phải đến cuối con đường
- 11-08-2017Cắt giảm nhân sự ngân hàng: Góc nhìn người trong cuộc
- 10-08-2017Nghề xử lý nợ - Những chiến binh thầm lặng
LTS: Ban tổ chức xin giới thiệu bài dự thi của bạn Hoàng Thị Hoàn đang công tác tại Ngân hàng ACB với câu chuyện truyền cảm hứng từ Nghề giao dịch viên trong cuộc thi viết "Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" do CafeF phối hợp Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức.
------------------------
Thời thơ ấu, ai cũng mang trong mình một giấc mơ sau này sẽ làm bác sỹ, kỹ sư, cảnh sát hoặc là siêu nhân chẳng hạn. Với tôi, đó là giấc mơ của mẹ, vì mẹ thấy các cô làm trong ngân hàng rất chuyên nghiệp, ai cũng xinh đẹp và sang trọng. Cả đời mẹ vất vả chân lấm tay bùn nên mẹ thích con gái làm ngân hàng, mẹ mong cho con một tương lai an nhàn và vui sướng.
Mang theo ước mơ của mẹ, tôi bắt đầu làm giao dịch viên ở một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam. Từ đó, tôi bắt đầu thấu hiểu những vất vả, những nhọc nhằn đằng sau tấm màn sân khấu mà người đời vẫn ngưỡng mộ.
Là người làm dâu trăm họ - hàng ngày tiếp xúc với cả hơn trăm khách hàng đủ mọi trình độ, ngành nghề và cá tính khác nhau, vậy nên một nụ cười niềm nở chào đón là cần thiết ngay cả khi cõi lòng có tan nát.
Là người tiếp xúc trực tiếp với tiền nên chữ cẩn thận vẫn đặt lên hàng đầu. Tôi nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ cầm cục tiền to tướng bỏ vào máy đếm mà tay vẫn còn run, lỡ mà không phát hiện ra tờ tiền giả lẫn trong đó thì tháng đó tiền lương giảm đi một chút, lỡ mà có sai một con số thôi cũng sẽ gây ra nhiều phiền phức.
Làm dâu nên có khi gặp “mẹ chồng” khó tính vẫn kiên nhẫn giải thích, tận tình tư vấn và sẵn sàng là nơi trút bầu tâm sự cho các mẹ, lỡ mẹ không vui mà nặng lời cũng chỉ biết ấm ức chạy vào toilet khóc rồi lại lau sạch nước mắt để trở ra tinh tươm như cũ.
Làm dâu mà…
Ấy vậy mà nghề làm dâu cũng vui lắm chứ, chỉ cần thấy nụ cười hài lòng của khách hàng khi về là bao mệt mỏi chạy biến đi đâu mất.
Là có ngày gặp bác khách hàng luống tuổi mặt đầy bối rối khi được yêu cầu ký tên, nguệch ngoạc mãi mới viết được tên mình rồi bẽn lẽn đưa ra, cô con dâu nghe tim mình nhói lên.
Là có hôm cô bán hàng lam lũ đếm từng đồng tiền ướp nhẹp còn dính đầy vẩy cá gởi về quê nuôi đứa con nhỏ, thấy lòng mình nghẹn nghẹn.
Là có ngày mưa bỗng nhiên nghe mùi thức ăn thơm lừng, nhìn bác khách hàng nào cũng nhác thấy bóng hình mẹ quê.
Là những ngày trời đẹp khách hàng ở đâu xếp kín trước mặt, chưa kịp phát hoảng đã thấy giám đốc bước vào thu giúp tiền, nhân viên tư vấn ở đâu chạy tới phân luồng và hướng dẫn khách viết chứng từ, anh bảo vệ chẳng biết làm gì ngoài phô tô giúp các em tờ giấy, còn khách hàng thì vẫn kiên nhẫn đợi chờ.
Làm dâu mà…
Tôi từng nghe người ta nói làm ngân hàng là “ngồi mát ăn bát vàng”, đợi gặp được “đại gia” thì thành “chuột sa chĩnh gạo” tha hồ sung sướng. Mỗi Tết về quê hàng xóm lại hỏi “năm nay được thưởng trăm triệu không con”? Báo chí cũng hàng ngày đưa tin các vụ sai phạm, các cú trượt chân sa ngã, suy thoái đạo đức từ nhân viên tới lãnh đạo cấp cao. Với tôi, đằng sau những gam màu xám và ngay cả những vầng hào quang rực rỡ đó là một màu trắng thuần khiết của những trái tim yêu nghề và yêu người. Tôi cũng từng nghe đâu đó rằng màu trắng thật ra là tổng hợp của nhiều màu. Cũng như trái tim của những giao dịch viên chân chính, dù bao vất vả nhọc nhằn thì cũng chắt chiu lọc ra những nụ cười rạng rỡ nhất dâng lên đời mỗi sáng mai mở quầy.
Với tôi, giao dịch viên là công việc đầu tiên ở ngân hàng, cũng là bước đi cần thiết trong con đường sự nghiệp của mình. Nơi đây, tôi học những bài học đầu tiên về cách một ngân hàng hoạt động, rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giải quyết vấn đề và cả cách sắp xếp công việc để đảm bảo mọi thứ trôi chảy và tốc độ nhanh nhất cho các Thượng đế. Nơi đây, tôi cảm nhận được sự sẻ chia của đồng nghiệp, sự ấm áp của tình người và nơi đây tôi học cách làm việc một cách bình tâm và yêu thương nhất.
Vậy nên, các bạn trẻ của tôi ơi, dù người ta có nói gì đi nữa, có làm gì đi nữa thì cũng hãy vững tâm giữ cho mình một trái tim nóng và một cái đầu tỉnh táo để đi trọn con đường trên đôi chân của mình.
Bởi vì: Mình là con dâu mà…
Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.
Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn. Các bài dự thi được lựa chọn đăng tải sẽ được nhận nhuận bút cùng với cơ hội đoạt giải thưởng lên đến 30 triệu đồng trong gói giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.
Trí Thức Trẻ
- Trao giải cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang
- Thông báo Giải thưởng cuộc thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- 20 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc Thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- Từ hình ảnh ngày hội từ thiện, tôi quyết tâm theo đuổi nghề ngân hàng và vinh quang đã đến sau những nỗ lực không ngừng nghỉ
- Sinh viên “khởi nghiệp” ngân hàng