Nghề nghiệp 'nhạy cảm' bị cấm tham gia tour du lịch ở một tỉnh của Trung Quốc
Theo trang tin Sixth Tone, do bị chỉ trích vì các chiêu trò gây áp lực mạnh khiến du khách mua hàng, các công ty du lịch ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang cấm các nhà báo tham gia các tour du lịch của họ để ngăn chặn việc đưa tin tiêu cực.
- 23-07-2023Nhiều bạn trẻ không mua nhà, mua xe mà chỉ đi du lịch
- 21-07-2023Cập nhật mới nhất giá vé các điểm du lịch ở Quảng Bình
- 20-07-2023Một số lưu ý về sức khỏe khi du lịch thế giới giữa ngày hè nắng nóng
Nổi tiếng với văn hóa đặc sắc và phong cảnh đa dạng, Vân Nam cũng nổi tiếng với các tour du lịch giá rẻ, nơi du khách phải chịu áp lực rất lớn để mua đồ lưu niệm tại các cửa hàng địa phương. Sau phản ứng dữ dội của công chúng, các công ty du lịch đang áp đặt các hạn chế đối với du khách là nhà báo để giảm thiểu nguy cơ phơi bày các hoạt động kinh doanh đáng ngờ của họ.
Trong vai một du khách tiềm năng, phóng viên Sixth Tone phát hiện ra rằng, một số công ty du lịch ở Vân Nam có những hạn chế như vậy đối với các nhà báo.
“Thành thật mà nói, chúng tôi sợ phải phục vụ các nhà báo. Chúng tôi sợ bị vạch trần nếu không phục vụ tốt du khách trong chuyến đi”, một đại lý của Trung tâm Lữ hành Quốc tế Trung Quốc (CITA) ở thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam nói với phóng viên Sixth Tone.
Đại lý này cho biết, rất có thể các nhà báo sẽ tìm thấy những điều không tốt để đưa tin về tour du lịch, đặc biệt là trong mùa hè bận rộn. Một người quản lý dịch vụ khách hàng của CITA cũng nói với trang tin địa phương Shangyou News rằng, họ cũng cấm luật sư và các đối tượng có “nghề nghiệp nhạy cảm” khác tham gia các tour du lịch của họ.
Tuy nhiên, hôm 19/7, trong một video trên nền tảng video ngắn Douyin (Tiktok phiên bản Trung Quốc), CITA đã công khai phủ nhận việc từ chối cung cấp dịch vụ cho các nhà báo và luật sư.
Theo trang tin Sixth Tone, hầu hết các công ty du lịch ở Trung Quốc đều cung cấp các tour du lịch giá rẻ bao gồm một số địa điểm tham quan bắt buộc là các cửa hàng địa phương; từ đó, họ có thể kiếm được hoa hồng từ bất kỳ hoạt động mua sắm nào của du khách được thực hiện tại đó.
Một tour du lịch trọn gói kéo dài 6 ngày tới Vân Nam của CITA bao gồm các địa điểm tham quan bắt buộc như: cửa hàng vàng bạc và một trung tâm phân phối bán tảo spirulina làm thuốc... có giá 1.380 nhân dân tệ/người (4,5 triệu VNĐ); trong khi tour du lịch tương tự mà không ghé thăm các cửa hàng này có giá 2.160 CNY/người (7,1 triệu VNĐ).
Đại lý của CITA tại Côn Minh khuyến nghị các nhà báo chọn lịch trình đắt tiền hơn hoặc tự đi du lịch. Một đơn vị khác, Công ty Dịch vụ Du lịch Côn Minh Comfort, cũng nói với phóng viên Sixth Tone rằng, các nhà báo nên đi du lịch tự túc.
Theo trang tin Sixth Tone, khi du lịch tại Trung Quốc tăng trưởng trở lại sau nhiều năm hạn chế do đại dịch COVID-19, các video được chia sẻ trên mạng xã hội nước này trong những tuần gần đây cho thấy, các hướng dẫn viên du lịch tại Vân Nam đã lăng mạ những khách hàng từ chối mua hàng hoặc ngồi lại trên xe thay vì vào tham quan các cửa hàng.
Theo đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, một công ty du lịch tại Vân Nam vào năm 2017 đã liệt kê các quy định cấm luật sư, nhà báo và những người làm việc trong ngành du lịch tham gia các tour du lịch của họ.
Sau khi nền tảng du lịch trực tuyến Ctrip trấn áp những hành vi như vậy, hiện tại không có công ty du lịch nào mà phóng viên Sixth Tone liên hệ có những hạn chế rõ ràng dựa theo nghề nghiệp được liệt kê trên trang của họ.
Zhang Weiping - luật sư tại Công ty luật Pingwei Quảng Đông - nói với phóng viên Shangyou News rằng, Luật du lịch và Luật bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng Trung Quốc không cho phép phân biệt đối xử đối với người tiêu dùng dựa theo nghề nghiệp.
Một quan chức của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam nói với phóng viên Sixth Tone rằng, họ đang điều tra vụ việc.
Phụ nữ số