MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề nhồi hành khách lên tàu điện ngầm ở Nhật: Những cánh tay giúp bạn "bon chen" với đời

18-04-2022 - 21:48 PM | Tài chính quốc tế

Nghề nhồi hành khách lên tàu điện ngầm ở Nhật: Những cánh tay giúp bạn "bon chen" với đời

Tàu điện ngầm vào giờ cao điểm ở Nhật Bản luôn đông đến nghẹt thở. Khi những chuyến tàu tưởng chừng như không còn đủ chỗ cho thêm bất cứ người nào nữa, các oshiya ở nhà ga sẽ giúp những hành khách vẫn muốn lên tàu có thể “điền vào chỗ trống”.

Ở Nhật Bản vào những giờ cao điểm, những người phục vụ nhà ga được gọi là "người đẩy khách" hoặc "oshiya" làm những công việc kỳ lạ nhất trên thế giới. Họ sẽ đẩy số lượng lớn những hành khách không muốn bị muộn làm có thể lách vừa người và lên được những chuyến tàu mà họ mong muốn.

Đẩy, kéo tùy lúc

Hãy nhìn vào ga Shinjuku để hình dung. Ga Shinjuku nằm ở Shinjuku và Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản. Với trung bình mỗi ngày có khoảng 3,6 triệu người sử dụng nhà ga, Shinjuku đã trở thành một trong những nhà ga bận rộn và đông đúc hành khách nhất trên thế giới. Số lượng này thậm chí sẽ còn tăng lên vào các ngày lễ khi các hoạt động giải trí và mua sắm thu hút thêm đông đảo những người đến từ các vùng ngoại ô và cả nước.

Shinjuku gồm 5 nhà ga. Mỗi ngày trong tuần có 1.595 chuyến tàu của tuyến đường sắt quốc gia đi qua.

Shinjuku sử dụng 80 người đẩy khách hàng ngày, 20 trong số đó là sinh viên đại học. Trên sổ đăng ký chính thức, họ được gọi là "rasshu awa kyaku atsukai yoin," hoặc "nhân viên phục vụ khách hàng giờ cao điểm".

Nghề nhồi hành khách lên tàu điện ngầm ở Nhật: Những cánh tay giúp bạn bon chen với đời - Ảnh 1.

Số lượng người đi tàu quá đông là nguyên nhân ra đời một công việc độc đáo

Việc phân luồng giao thông trật tự đến kinh ngạc. Đội người đẩy khách - bao gồm nhân viên nhà ga và sinh viên đại học được thuê đặc biệt - sẽ sử dụng trọng lượng cơ thể của mình để "nhồi nhét" hành khách vào những toa tàu đông đúc.

Tuy nhiên, khi chuyến tàu đã trở nên quá chật chội và không còn sức chứa nữa, những ‘người đẩy’ sẽ chuyển sang chế độ ‘người kéo’ và giữ lại những người đang gây quá tải cho chuyến tàu.

Giám đốc nhà ga, Atsuji Baku, giải thích: "Người kéo" đặc biệt quan trọng đối với những đám đông, vì một vài hành khách cứng đầu có thể làm chậm toàn bộ hệ thống tàu khi không chịu buông tay và để chuyến tàu được khởi hành.

Đám đông ở Shinjuku sẽ được hướng dẫn bằng loa phóng thanh. Họ xếp thành hàng đôi và chờ hành khách từ trên tàu bước xuống ga. Sau đó, họ di chuyển lên tàu và sẽ được hỗ trở bằng những cú thúc đẩy từ những oshiya nếu cần.

Mặt tối của những chuyến tàu điện ngầm

Trong hoàn cảnh số lượng hành khách rất lớn bị chèn ép quá lâu, việc họ phải chịu đựng đau đớn là điều không thể tránh khỏi.

Các cơ thể bị ép chặt vào nhau đến mức hầu hết mọi người không thể cử động được. Những người thấp bé có nguy cơ bị ngạt thở bởi lớp áo khoác của những hành khách khác. Vì quá đông, việc có thể xuống đúng ga cũng phải đòi hỏi sức mạnh và sự quyết tâm của mỗi người. Nguy cơ hỏa hoạn và sơ tán khẩn cấp trở thành những vấn đề nghiêm trọng.

Vào năm 2012, nhiếp ảnh gia người Hồng Kông Michael Wolf đã tạo ra một bộ ảnh có tên Tokyo Compression. Trong đó anh chụp được biểu hiện bực bội và đau đớn của những hành khách trên tàu khi khuôn mặt của họ bị đè lên cửa sổ. Những bức ảnh này cho thấy tình cảnh bên trong tàu điện ngầm khủng khiếp và gây xấu hổ như thế nào.

Nghề nhồi hành khách lên tàu điện ngầm ở Nhật: Những cánh tay giúp bạn bon chen với đời - Ảnh 2.

Những người bị chèn ép dính sát vào cửa sổ trên tàu điện ngầm.

Mặc dù bây giờ là một hiện tượng của Nhật Bản, nhưng người đẩy khách ở ga tàu điện ngầm là một phát minh của người Mỹ và có nguồn gốc từ thành phố New York vào gần một thế kỷ trước.

Họ không được ưa thích cho lắm vì nổi tiếng với hành động xô đẩy hành khách với thái độ thù địch. Sự thô bạo mà những người này thường làm khi thực hiện công việc đã khiến họ mang biệt danh "những người đóng gói cá mòi".

Một vấn đề nữa sẽ xảy ra trên các chuyến tàu đông đúc. Sau quá trình vật lộn để lên xuống tàu, nhiều người sẽ gặp tình trạng "người đi, đồ ở lại".

Hàng đống giày dép, đồng hồ, ví, túi xách, ghim cà vạt và sách được tìm thấy trong nhà ga Shinjuku, cho thấy hậu quả khốc liệt sau những lần chen lấn vất vả của mọi người ở trên tàu.

Đôi khi chủ sở hữu vội vàng quay lại để tìm đồ, nhưng phần lớn giày phụ nữ không bao giờ được nhận lại. Một người ở nhà ga nói: "Tôi thực sự tự hỏi có bao nhiêu cô gái trong số đó xoay xở để đi làm khi chỉ có một chiếc giày."

https://cafef.vn/nghe-nhoi-hanh-khach-len-tau-dien-ngam-o-nhat-nhung-canh-tay-giup-ban-bon-chen-voi-doi-20220418172537045.chn

Minh Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên