MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người”

24-06-2022 - 18:02 PM | Sống

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người”

Là người thích chinh phục những thử thách, nữ nghệ sĩ piano Lương Tố Như không ngừng học để hoàn thiện bản thân và khám phá những lĩnh vực khác của cuộc sống ngoài âm nhạc như kinh doanh, đầu tư về thời trang, bất động sản và giáo dục. Thế nhưng ở cuối con đường, tình yêu với âm nhạc trong cô vẫn cháy mãnh liệt nhất.

Sau nhiều năm học tập và làm việc ở Pháp với nhiều hoạt động và giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, nghệ sĩ piano Lương Tố Như đã trở về Việt Nam với mong muốn xây dựng một không gian âm nhạc để không chỉ các nghệ sĩ mà tất cả mọi người đều có thể thưởng thức dòng nhạc cổ điển.

Mang theo mình lối sống của một người trẻ hiện đại, nữ nghệ sĩ mong muốn được cống hiến cho cộng đồng từ trái tim tràn ngập yêu thương của mình.

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người” - Ảnh 1.

5 tuổi học organ, 8 tuổi học piano, cơ duyên nào đã dẫn lối chị tiếp xúc với âm nhạc sớm như vậy?

Bố tôi là một người người rất yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển. Ông luôn mong muốn con gái biết chơi đàn và là người đã ủng hộ tôi theo học nghệ thuật một cách bài bản. Ngày ấy lúc tôi mới 8 tuổi, bố tôi từng mong sau này lớn lên tôi sẽ trở thành một nghệ sĩ piano. Mãi đến sau này tôi mới hay biết điều đó.

Theo chị, đặc điểm nào có từ ngày bé là yếu tố để chị trở thành một nghệ sĩ piano sau này?

Từ bé tôi đã được rèn tính kiên trì trong tất cả mọi việc. Cho dù là đi học hay làm bất cứ điều gì đều phải nghiêm túc và theo đuổi đến cùng. Tôi nghĩ muốn trở thành một nghệ sĩ piano cần rất nhiều yếu tố, không phải cứ học chuyên nghiệp thì có thể trở thành nghệ sĩ được. Nhưng mà từ bé tôi có một đức tính là khi gặp khó khăn sẽ không nản lòng mà cứ cố gắng, bình tĩnh và tập luyện. Tôi nghĩ đấy là một trong những đức tính cần để theo piano chuyên nghiệp.

Học nhạc cổ điển thực chất cần phải rèn luyện rất khắc khổ, bây giờ khi nhìn lại, tôi thấy là mình đã có tố chất đấy rồi. Còn để trở thành một nghệ sĩ piano thực thụ thì cần rất nhiều yếu tố như có tố chất về biểu diễn, chịu đựng được áp lực trên sân khấu lớn, phải biết cách tập rất hàn lâm, biết tôn trọng tác phẩm và tác giả…

Điều quan trọng là bản thân người nghệ sĩ cũng phải có một cá tính rất riêng, thể hiện được cái riêng của mình sau khi rất tôn trọng tác phẩm, tác giả.

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người” - Ảnh 2.

Chị và gia đình đã chuẩn bị như nào cho việc sang Anh và sau đó là sang Pháp du học ngành âm nhạc vào năm 14 tuổi?

Tôi rất tin vào duyên và điều này hoàn toàn đến từ cái duyên đó. Hơi tâm linh một chút nhưng mà ngày trước, bố mẹ xem tử vi cho tôi và thấy rằng tôi phải đi nước ngoài từ sớm thì mới tốt được.

Năm 14 tuổi, tôi nhận học bổng toàn phần tại British Council để đi Anh, nắm bắt được cơ hội đó nên tôi đi sang London và sau đó thi được học bổng vào Royal College of Music. Thế nhưng chương trình học tại Anh lúc đó không cho phép tôi học văn hóa tại trường nội trú và học chuyên nghiệp đàn cùng một lúc. Sau đó, khi biết được thông tin về một cuộc thi piano ở Pháp và nhận thấy tại đây có một hệ thống trường mà mình có thể vừa học văn hóa, vừa theo đuổi âm nhạc, thế là tôi quyết tâm thử sức.

Tôi và cả bố mẹ đều thấy rằng học văn hóa rất quan trọng. Bản thân tôi còn là người tò mò, muốn gặp gỡ và tìm hiểu về nhiều lĩnh vực, nhiều nền văn hóa khác nhau. Cũng bởi thế nên tôi không do dự khi lựa chọn dừng việc học ở Anh để sang Pháp.

Đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy đấy là một quyết định đúng đắn, vì khi đã được học ở cả hai nền giáo dục trên, bản thân tôi thấy rằng cá nhân mình, cá tính của mình phù hợp ở Pháp hơn và tôi rất biết ơn những trải nghiệm mà tôi đã có.

Môi trường học tập ở Pháp có ảnh hưởng như thế nào đến con đường âm nhạc của chị?

Người ta thường nói đi du học ở đâu cũng như nhau nhưng tôi nhận thấy hệ thống giáo dục ở Pháp rất đặc biệt. Ở Pháp, thi được vào các trường nhạc của hệ thống giáo dục công là rất khó, tỷ lệ chọi rất cao. Hơn nữa, quan điểm giáo dục của Pháp có nhiều áp lực hơn hẳn so với các nước như Anh, Mỹ, Úc...

Các thầy cô giáo cũng khá nghiêm khắc nhưng cũng vì thế mà hệ thống giáo dục đó lại tạo ra nhiều nhân tài và đây thực sự là đất lý tưởng dành cho những tài năng ưu tú để học tập. Tôi cảm thấy Pháp không phải là nơi dành cho tất cả mọi người, ví dụ những người không hợp với áp lực và quá nhạy cảm. Nhưng nó phù hợp với tôi bởi tôi là người có bản năng mạnh mẽ, thích chinh phục những thách thức.

Trong quãng thời gian học tại đây, tôi được sống trong một môi trường âm nhạc tuyệt vời, được quan tâm và chăm sóc bởi những người thân yêu chứ không phải chỉ một mình nơi đất khách quê người. Tôi cảm thấy thật may mắn khi có người thân đồng hành và chia sẻ với nhau về cuộc sống và cả chuyên môn nữa.

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người” - Ảnh 3.

15 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, chị đã tham gia hàng trăm buổi buổi diễn tại rất nhiều sân khấu khác nhau, giành nhiều giải thưởng trong những cuộc thi piano quốc tế, thu âm cho đài phát thanh Pháp và các công ty sản xuất âm nhạc. Chị có xem đó là thành công rất lớn của bản thân không?

Đối với cá nhân tôi, những cuộc thi, những giải thưởng lớn hay nhỏ, dù nó có đem lại niềm vui và động lực cá nhân, thực sự không có "ý nghĩa" gì cả. Thành tựu của mình chính là sự thật mình đã làm được gì, đã mang lại được điều gì tốt đẹp cho ai, và mình có hài lòng với việc đó hay chưa. Một việc làm thực sự có ý nghĩa đối với tôi chỉ tồn tại khi nó có sức mạnh lan toả.

Tôi không rũ bỏ những lợi ích thực tế của các giải thưởng và sự "cạnh tranh" công bằng đem lại. Tôi khẳng định lại các giải thưởng là một cách chứng minh thực lực của mình trong một thời gian và lĩnh vực nhất định. Đối với một người thi thố khá nhiều từ bé, đó cũng là một động lực để tôi "chứng minh" bản thân với chính mình. Nhưng chắc cũng chính vì thế mà khi lớn lên, tôi hiểu cảm giác luôn phải đi "thi", "so sánh" mình với người khác để "chứng minh" điều gì đó, kể cả chỉ với bản thân, nó thật tồi tệ, nên tôi mới có cái nhìn không tích cực về các cuộc thi nói chung. 

Quan điểm của tôi là luôn ghi nhận giải thưởng của mọi người, nhưng không bao giờ nhìn vào đó để đánh giá năng lực của họ. Ngược lại, khi được gặp những con người thầm lặng không giải thưởng lớn hay bằng cấp hơn người, tôi rất tò mò muốn khám phá vẻ đẹp không phô trương và không cần bị đem lên cân so sánh của họ. Càng sống tôi càng tâm đắc ý tưởng "đừng phán xét một cuốn sách qua tờ bìa của nó".

Gặt hái được nhiều giải thưởng và thành công trong âm nhạc như thế, vậy đã có ai từng gọi chị là thần đồng hay thiên tài âm nhạc hay chưa?

Rất may là không ai gọi tôi như thế. Tôi không nghĩ một người nên được sùng bái hay "bị" gắn với những mỹ từ nào đó. Tôi thường không tán thành tư tưởng gắn mác phạm trù vào cho mỗi cá nhân.

Với tôi, cái gì quá cũng là không tốt, cũng như chơi nhạc vậy, phải để sự tự nhiên làm tất cả mọi thứ, còn nếu mọi người làm quá lên so với khả năng của sự tự nhiên là không nên.

Tôi không "bị" ai gọi là thần đồng hay thiên tài cả, bản thân tôi cũng thấy ngày bé mình học đàn rất chật vật nên không thể gọi là thần đồng hay thiên tài được. Ngay cả khi đã nổi tiếng rồi cũng không "bị" gọi như thế bởi những người xung quanh tôi cũng đều rất giỏi và hiểu biết. Cá nhân tôi rất ngại khi được khen, vì tôi thực sự nghĩ những gì tôi làm ai cũng có thể làm được.

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người” - Ảnh 4.

Trước khi trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng như hiện tại, chị từng gặp những khó khăn gì khi theo đuổi môn nghệ thuật này?

Lúc đầu, tôi từng nghĩ rằng bản thân không hề có năng khiếu với bộ môn này. Bởi ngày bé, tôi học chật vật lắm, mấy tháng mới nhớ nổi nốt nhạc và chơi được bài đơn giản nhất. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc mà sẽ tiếp tục cố gắng tập luyện.

Cứ thế dần dần, âm nhạc đã trở thành một thú vui trong cuộc sống chứ không còn khó khăn như trước nữa. 9 tuổi, tôi vào học tại Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Tại đây, năm nào tôi cũng nhảy cóc lớp. Là một học viên nổi bật, tôi thường xuyên là đại diện được trường cử đi tham gia các cuộc thi và giành về nhiều giải thưởng.

Ngày bé, tôi chẳng sợ gì cả nên lên sân khấu rất tự tin. Nhưng đến giai đoạn năm 15-16 tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy run và sợ sân khấu. Điều này xảy ra với hầu hết các nghệ sĩ biểu diễn. Sau đó, tôi phải biểu diễn nhiều và nhiều hơn nữa. Bởi đó là cách duy nhất cũng là cách tốt nhất để đối mặt và vượt qua nỗi sợ của mình.

Sống trong thế giới âm nhạc, có bao giờ chị thấy mình trở thành nô lệ của nó hay chưa?

Có, ví dụ nổi bật nhất là giai đoạn mà tôi còn trẻ. Mọi người thường cho rằng con đường của một nghệ sĩ piano là phải bằng mọi cách học trường tốt, đạt điểm cao, đi thi đoạt giải, trở thành giáo viên, nghệ sĩ…và tôi đã từng đi theo con đường đó. Đến một ngày, khi những áp lực để thi thố nhiều đến mức khiến tôi mất hết cảm hứng chơi nhạc, tôi chợt nhận ra và tự hỏi tại sao mình phải làm như thế, tại sao phải trở thành nô lệ của con đường mà xã hội đặt ra để có thể trở thành giáo viên hay nghệ sĩ piano?

Thế là từ lúc đó, tôi quyết định không bao giờ chơi đàn để làm nô lệ cho xã hội hay âm nhạc mà chơi đàn chỉ vì tôi đam mê và đi theo con đường mà mình chọn. Đấy là cá tính của tôi. Tôi không nghĩ điều này nên được áp dụng cho tất cả những người khác, vì có những người chịu đựng được và "thích" việc đi theo con đường xã hội đặt ra.

Đến bây giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì quyết định đó, tôi đã tìm ra con đường cho chính mình để làm mình vui, mình hạnh phúc. Tất cả những gì tôi làm đều đến từ ước nguyện cá nhân, và khi đã để sự tự nhiên ngự trị cuộc sống, tôi không còn cảm thấy phải hy sinh bao giờ nữa. Khó khăn trong hạnh phúc, đó cũng là một cái phúc.

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người” - Ảnh 5.

Ý tưởng đưa nhạc cổ điển gần gũi với công chúng hơn bắt nguồn từ đâu và khi nào?

Quay trở về Việt Nam dù đã có cuộc sống ổn định ở Pháp, ngoài việc muốn các con của mình được gần ông bà, được học nói tiếng Việt và được lớn lên trong nền văn hoá Việt Nam, tôi còn mong muốn từ những điều mình thích có thể làm điều ý nghĩa cho xã hội và ý tưởng lan tỏa nhạc cổ điển là một trong số đó.

Ý tưởng này đến một cách rất tự nhiên vì tôi chơi rất nhiều loại nhạc, nhưng nhạc cổ điển là dòng nhạc tôi yêu thích nhất và chơi nó tốt nhất. Do đó, tôi muốn mình làm một điều gì đó từ sở trường của mình để phát huy nó.

Nhạc cổ điển cần như thế để sống, nếu bạn ở trong ngành công nghiệp này thì bạn sẽ hiểu đấy là sứ mệnh của mỗi người, mỗi nghệ sĩ chứ không phải riêng ai. Nếu tôi có nhiều khả năng và nếu khả năng của tôi có thể làm tốt việc đó thì tôi sẽ chẳng ngần ngại để phát triển nó.

Khi bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng này, chị đã gặp phải những khó khăn gì ?

Khó khăn đầu tiên là hầu hết mọi người không hiểu nhạc cổ điển là gì, cho rằng đây là dòng nhạc là hàn lâm, kén người nghe. Khó khăn thứ hai là mọi người không tin tưởng dự án của mình và có những ý nghĩ tiêu cực, điều này đến từ rất nhiều phía.

Từ cái định kiến của xã hội về nhạc cổ điển đến đến chính định kiến của giới nghệ sĩ nhạc cổ điển, họ nghĩ việc nhạc cổ điển hàn lâm, bác học nâng họ lên 1 một tầng cao nhưng điều đó lại khiến cho việc lan tỏa dòng nhạc này đến với mọi người càng khó hơn.

Dù vậy, tôi đang làm với mọi cố gắng, nỗ lực để dự án của mình phát triển và được nhiều người chú ý hơn, từ đó mong khán giả có một cái nhìn khác về nhạc cổ điển. Đương nhiên sẽ có những người không thích, sẽ có những suy nghĩ tiêu cực... nhưng đến bây giờ thì tôi thực sự nghĩ là những điều đó không làm cho tôi khó khăn một chút nào nữa, bởi giờ đây tôi đã đủ sự trưởng thành để hiểu được những cảm xúc của mình và những việc phải làm.

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như: “Với tôi, giải thưởng không quá quan trọng, đến cuối cùng, tôi tự thấy sứ mệnh của mình là lan tỏa âm nhạc cổ điển đến với mọi người” - Ảnh 6.

Thực hiện dự án xây dựng trung tâm trao đổi âm nhạc cổ điển Pháp-Việt và nổi bật là chuỗi hòa nhạc "Như những người bạn - Sống cùng âm nhạc, chị thấy mình đã đi được bao nhiêu của chặng đường trên rồi ạ?

Tất cả mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu thôi. Dự án xây dựng trung tâm trao đổi âm nhạc cổ điển Esprit Musical đang dần được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Qua dự án này, tôi mong muốn tạo ra một phòng hòa nhạc nhỏ có chất lượng thu âm tiêu chuẩn quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của nhạc cổ điển và các nghệ sĩ trẻ trên toàn thế giới.

Tại đây, nghệ sĩ có thể đến thu âm, biểu diễn và giảng dạy, thực hiện các dự án hòa nhạc. Tôi thấy đây chính là sứ mệnh của mình nhằm giúp phát triển dòng nhạc cổ điển, giúp dòng nhạc này đến gần hơn với khán giả.

Từ đó, mọi người sẽ hiểu về nó nhiều hơn, nghe nó nhiều hơn. Như vậy là đã giúp nhạc cổ điển sống với sứ mệnh của nó.

Điểm khác của chuỗi hòa nhạc "Như những người bạn - Sống cùng âm nhạc so với những buổi hòa nhạc khác là gì?

Khác với những buổi biểu diễn của các dàn nhạc lớn trên thế giới, chương trình của họ được xây dựng theo thể loại, tác giả… thì các chương trình của "Như những người bạn - Sống cùng âm nhạc sẽ dựa theo các chủ đề của cuộc sống, các câu hỏi được đưa qua cá tính của người nghệ sĩ, theo cảm nhận của nghệ sĩ về tác phẩm đó. Chúng tôi dành sự ưu tiên cho sự kết nối của nghệ sĩ-khán giả và đặt những câu hỏi về các vấn đề xã hội, cuộc sống.

Những bài nhạc trong buổi hòa nhạc này không quá khó, cũng không quá dài nhưng đặc biệt được chuẩn bị chuyên môn một cách kỹ lưỡng nhất để gửi đến cho khán giả. Khán giả đến nghe chương trình với một cấu trúc đặc biệt, có quyền được thưởng thức thể loại nhạc "hàn lâm" với chất lượng tốt nhất.

Ngoài ra, khán giả tới đây không chỉ để thưởng thức âm nhạc mà còn tham gia bốc thăm trúng thưởng và nhận quà từ nhà tài trợ, giúp kết nối khán giả, nhạc cổ điển và doanh nghiệp lại với nhau.

Qua những dự án của mình, chị có ấp ủ gì về sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển ở Việt Nam trong tương lai không?

Trong buổi biểu diễn mới đây nhất, khán giả đã thấy một Lương Tố Như không váy áo cầu kỳ cùng đôi chân trần thả trên sàn gỗ khi biểu diễn cùng cây đàn piano quen thuộc. Trên thực tế, đó là một sự cố khi đôi giày biểu diễn trước đó của tôi đã bị gãy gót và tôi dùng một đôi giày khác để thay thế. Dù vậy, vì không có được sự thoải mái nên tôi đã quyết định cởi giày ra để có một trạng thái tốt nhất khi chơi nhạc.

Qua đó, tôi muốn lan tỏa thông điệp kết nối âm nhạc với khán giả, bất kể bạn là ai cũng có thể ngồi thưởng thức trong một không gian cổ điển, không câu nệ bất kỳ quy tắc nào cả… Điều này cũng sẽ được thể hiện rõ trong Buổi hòa nhạc Cuộc chạm trán thuộc chuỗi sự kiện âm nhạc cổ điển Như những người bạn – Sống cùng âm nhạc sẽ diễn ra vào thời gian tới, 27/6/2022 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Qua buổi biểu diễn này, tôi muốn phá vỡ những ranh giới cũ để nhạc cổ điển và khán giả xích lại gần nhau hơn.

Cảm ơn chị đã chia sẻ.

https://cafef.vn/nghe-si-piano-luong-to-nhu-voi-toi-giai-thuong-khong-qua-quan-trong-den-cuoi-cung-toi-tu-thay-su-menh-cua-minh-la-lan-toa-am-nhac-co-dien-den-voi-moi-nguoi-20220624102619335.chn

Ánh Lê - Thiết kế: Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên