Nghỉ hưu khi 65 tuổi, tôi bị sốc: cuối cùng nhận ra, tự do hay không do thứ này quyết định, người già cần biết
Chân dung những con người đạp đổ định kiến “Nghỉ hưu = cô đơn + buồn chán” sẽ khiến bạn phải bất ngờ. Cuộc sống mơ ước là đây chứ đâu!
- 14-04-2024Tôi 57 tuổi, nghỉ hưu làm 3 công việc, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng trong 2 năm để mua nhà cho con trai: Tuy vất vả nhưng rất vui, thời đại này chỉ cần không lười biếng là bạn có thể kiếm tiền!
- 08-04-2024Tiết kiệm để nghỉ hưu? Bạn nhất định phải để ý tới 6 khoản chi BẤT NGỜ này!
- 06-04-2024Về hưu được 3 năm, tôi nhận ra số phận con người không thể “né” khỏi 4 chuyện: Trẻ nai lưng đi kiếm tiền, già cả nghỉ hưu chưa chắc được nghỉ ngơi!
Hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ con người sau khi về hưu sẽ chỉ còn được làm bạn với tuổi già, là kéo dài những tháng ngày u tối, buồn tẻ, vô vị. Nhưng chia sẻ của 5 vị khách mời dưới đây chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ về một cuộc sống sau khi về hưu tràn đầy sức sống.
Helen Brown đã làm việc vô cùng chăm chỉ trong suốt sự nghiệp của mình.
Bà làm việc trong ngành khoa học máy tính - một ngành nổi tiếng là khó khăn đối với phụ nữ vào những năm 90 - đồng thời phải chiến đấu với sự mệt mỏi đeo bám của chứng đau nửa đầu. Năm ngoái, căn bệnh của Brown khiến bà phải từ bỏ công việc của mình.
Bà Brown ngậm ngùi: "Cố gắng trở thành một phụ nữ trong thế giới số hóa là không hề dễ dàng." Ở tuổi 60, bà vẫn cảm thấy mình đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và bà cũng rất yêu thích công việc này."Công việc này mang lại giá trị cho cuộc đời của tôi, và giờ đây tôi buộc phải nói lời tạm biệt với nó…"
Đối với nhiều người, nghỉ hưu vẫn đồng nghĩa với sự cô đơn, buồn chán và nói thẳng ra là cái chết từ từ.
Tuy nhiên, năm người thuộc thế hệ Baby Boomer (sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến năm 1964) trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay sẽ chia sẻ những góc nhìn khác biệt với quan niệm có phần lỗi thời đó.
Mặc dù việc thay đổi thói quen sinh hoạt có thể là một thách thức lớn và những lo ngại về sức khỏe luôn thường trực, nhưng họ vẫn cho rằng việc nghỉ hưu là điều tuyệt vời.
Vượt qua rào cản tâm lý
Sau khi quyết định nghỉ hưu, những lưu luyến dành cho công việc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Cảm giác mất đi động lực sống là điều thường gặp ở những người mới nghỉ hưu khi vai trò của họ trong xã hội bị thay đổi quá đột ngột. Theo báo cáo của WHO, khoảng 28% người về hưu bị trầm cảm. Dựa vào đánh giá của 11 nghiên cứu y khoa gần đây về chủ đề này, con số này tương đương với 5% tổng số bệnh nhân bị trầm cảm trên toàn cầu.
Những người về hưu ngoài việc vật lộn thích nghi với lối sống mới thì còn có thêm mối lo ngại rằng tiền tiết kiệm của họ có thể không đủ khi nền kinh tế xảy ra biến động hoặc nguy cơ phát sinh các vấn đề sức khỏe khó có thể lường trước.
Bà Brown cũng cảm thấy vô cùng lạc lõng khi mới bước vào tuổi nghỉ hưu. Nhưng bà ấy đã áp dụng những bài học mà bà đã học được khi chiến đấu với bệnh tật: "Bạn có hai lựa chọn: bỏ cuộc ngay lập tức hoặc chiến đấu đến phút cuối cùng".
Helen Brown đã tạo cho mình một thời gian biểu để tránh việc sa đà vào những làn sóng cảm xúc tiêu cực. Một ngày của bà bắt đầu bằng vài giờ học tại Đại học Mở, sau đó là lớp vẽ màu nước, về nhà tập yoga, làm vườn hoặc dắt chó đi dạo, và cuối cùng là chơi game trên máy tính với chồng vào buổi tối. Bà không chừa lại một khoảng thời gian rảnh nào để mà bận tâm đến những mông lung trăn trở.
Clive Hook, 65 tuổi, cũng trải qua cú sốc ban đầu khi nghỉ hưu vào cuối năm 2019.
Ông Hook đã dành cả sự nghiệp của mình để đi công tác, điều hành các khóa học lãnh đạo cho các công ty lớn. Việc nghỉ hưu đồng nghĩa với việc mất đi tài xế cá nhân, những chuyến đi sang trọng cùng hàng loạt các tiện nghi khác. Mọi thứ sẽ chỉ còn xoay quanh cuộc sống gia đình đơn điệu, nhàm chán. Tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn khi hai vợ chồng ông Brown nghỉ hưu cùng lúc.
Ông nói: "Hai vợ chồng tôi không tìm ra được lý do thực sự để làm bất cứ điều gì. Chúng tôi cứ thế tồn tại qua ngày, đến mức độ không quan tâm hôm nay là thứ mấy trong tuần. Việc đó khiến chúng tôi cảm thấy bản thân mình thật vô dụng."
Rồi một hôm, Clive Brown quyết định khám phá những điều khiến ông cảm thấy cuốn hút, những việc có thể mang lại cho cuộc sống tẻ nhạt của ông chút niềm vui. Ông Hook đã tham gia một dàn hợp xướng và trong năm đó, ông luôn giữ bản thân trong trạng thái bận rộn với các ủy ban hợp xướng, các hoạt động từ thiện và ba lớp học nơi ông học thêm ba thứ ngôn ngữ khác. Ông cũng có những buổi dạy kỹ năng lãnh đạo cho các y tá NHS thay vì các CEO như trước.
"Có một quan niệm sai lầm rằng cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán khi nghỉ hưu", ông Hook nói. "Trên thực tế, cuộc sống luôn luôn bận rộn đến mức tôi có cảm giác như đây là một công việc toàn thời gian."
Nghỉ hưu là để vui chơi
Đối với Jackie Harrison, việc nghỉ hưu đã đáp ứng được những kỳ vọng của bà: "Tôi đã nghĩ rằng đó sẽ là một kỳ nghỉ và nó đã diễn ra như vậy."
Bà Harrison đã làm thủ thư cho đến khi 65 tuổi và vui vẻ nghỉ hưu vào năm 2018. Giờ đây, bà đi du lịch ba lần một năm, đi thăm con cái mỗi cuối tuần, tập thái cực quyền, yoga tại phòng gym hoặc đi bộ trong công viên khoảng hai giờ mỗi ngày.
Bà nói về những người đã nghỉ hưu: "Đó chỉ là sự tự do có thể làm những gì chúng ta muốn và không phải làm những điều chúng ta không muốn".
Sandra Falconer, một giáo viên đã nghỉ hưu ở độ tuổi ngoài 70 cũng đồng tình với quan điểm này.
"Đó là sự tự do. Sự tự do không phải đi họp, không phải chạy đua vào giờ cao điểm."
Bà Falconer cho biết bà vô cùng thích thú khi có thể nói không với bất cứ điều gì bà không còn muốn làm nữa. Bà nghỉ dạy ở tuổi 63 nhưng vẫn tiếp tục làm công việc bán thời gian trong 5 năm. Bà được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson vào năm 2014 nhưng bà vẫn luôn giữ cho mình một phong thái tích cực, hàng ngày chăm chỉ tập thái cực quyền và thường xuyên tham gia các dự án địa phương.
Sandra Falconer, người chưa bao giờ có nhiều thời gian để viết văn với tư cách là một giáo viên, hiện là thành viên của một nhóm sáng tác thơ ca về sự nghèo đói và bất công. Tác phẩm của họ đã lọt vào danh sách rút gọn cho giải thưởng văn học.
Cũng có một số người cho rằng việc nghỉ hưu đã mang lại cho họ không gian để khám phá bản thân theo cách mà họ không có thời gian khi làm việc.
Helen Brown nói: "Nó gần giống như quay trở lại thời thơ ấu một lần nữa và bạn có cơ hội để khám phá thế giới từ đầu". "Bạn sẽ trút bỏ được mọi gánh nặng và căng thẳng khi không phải làm việc nữa."
Chiến đấu chống lại những định kiến và khuôn mẫu của xã hội
Mặc dù đang tận hưởng cuộc sống nhưng 5 vị khách mời đều nhận thấy những quan niệm sai lầm và định kiến về việc nghỉ hưu có thể gây tổn hại đến chất lượng cuộc sống của họ.
Clive Hook than thở: "Ở các nền văn hóa khác, khi bạn già đi đồng nghĩa với việc bạn sẽ khôn ngoan hơn. Trong nền văn hóa của chúng tôi, khi bạn già đi tức là bạn càng trở nên đần độn hơn".
Một số đã từng bị thanh thiếu niên mắng chửi trên đường phố; những người khác cho biết kỹ năng và kiến thức của họ liên tục bị đánh giá thấp hoặc họ cảm thấy như không được tiếp đón bởi các dịch vụ, đặc biệt là không nhận được sự phục vụ chu đáo từ hệ thống y tế.
Kathy Feest, một người thuộc thế hệ Baby Boomer mang trên mình tinh thần cầu tiến và luôn nói "không" với các khuôn mẫu xã hội, đáp lại: "Đừng quan tâm đến những gì họ nói bởi vì quan niệm mà họ có trong đầu đã lỗi thời lâu rồi".
Sandra Falconer tin rằng giới truyền thông và nỗi sợ già đi của chính người dân là nguyên nhân gây ra những định kiến tiêu cực. Điều nguy hiểm là một số người sẽ chỉ ngậm ngùi chấp nhận nhãn hiệu đó; Falconer nói thêm, "Nếu bạn đối xử với ai đó như thể họ vô hình, họ sẽ bắt đầu cảm thấy như thể họ vô hình."
"Tôi chưa bao giờ chấp nhận những khuôn mẫu. Trên thực tế, bên dưới chiếc áo liền quần này, tôi đang mặc một chiếc áo phông mà một trong những cô con gái của tôi mua cho tôi có dòng chữ "Việc cho rằng tôi chỉ là một bà già nhỏ bé là sai lầm lớn nhất của bạn."
Thái độ là chìa khóa để nghỉ hưu thành công
Kathy Feest buộc phải nghỉ hưu ở độ tuổi trẻ hơn dự kiến sau một vụ tai nạn thuyền khiến cột sống của bà bị gãy. Bà khi ấy mới 44 tuổi.
"Tôi chưa sẵn sàng từ bỏ. Tôi còn quá trẻ", Feest nói. Sau khi xây dựng lại cuộc đời, Feest đã tổ chức các khóa học để giúp những người khác tìm lại mục đích sống sau khi nghỉ hưu.
Mọi người thường khẳng định họ không muốn làm gì cả, nhưng Feest nói rằng việc tìm ra mục đích và theo đuổi nó khi nghỉ hưu là điều rất quan trọng. "Bạn thực sự biết. Bạn chỉ đang che đậy nó bằng cách này hay cách khác. Và bạn cho rằng mình không thoát ra được cái mác mọi người gắn cho mình chỉ vì bạn bị viêm xương khớp." Bà luôn khuyên mọi người phải tích cực tìm kiếm những gì họ muốn trong cuộc sống.
"Đó là một quan niệm sai lầm khi cho rằng nghỉ hưu là sự kết thúc của cuộc đời. Thật ra, đó là sự khởi đầu huy hoàng cho một giai đoạn mới của cuộc đời."
Phụ nữ số