Nghị quyết về xử lý nợ xấu bổ sung vào kỳ họp là quá gấp?
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, với trí tuệ, đội ngũ ngân hàng, các nhà doanh nghiệp, các bộ ngành, luật gia, luật sư của chúng ta, chúng ta cần phải phối hợp tháo gỡ, góp phần giải quyết nợ xấu nhanh hơn mà không nhất thiết phải trái với luật hiện hành.
- 22-05-2017Quốc hội đề nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu
- 22-05-2017Một phần lớn nguồn lực đang bị ‘giam’ trong nợ xấu
- 22-05-2017Đã xử lý được hơn 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu
- 22-05-2017Kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém và xử lý triệt để nợ xấu
Sáng nay 23/5, sau khi họp tại hội trường về xây dựng luật và pháp lệnh, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Thành Phố Hồ Chí Minh, có ý kiến về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu. Đại biểu cho rằng Nghị quyết này bổ sung vào kỳ họp là quá gấp, chưa nghiên cứu kỹ.
Theo đại biểu, qua nghiên cứu, đại biểu có các câu hỏi được nêu lên cần giải đáp.
Thứ nhất là về cách tháo gỡ nợ xấu. Hiện nay, luật hiện hành chưa quy định và việc quy định xây dựng làm sao phải không trái với hiến pháp thì sẽ được ủng hộ cao. Nhưng nếu việc đề xuất trái với quy định thì sẽ gây ra sự không đồng tình của cử tri.
“Qua tờ trình chúng tôi thấy cách tháo gỡ cần phải chỉnh lại. Nếu vội thì mình phải tính toán kỹ hơn. Với trí tuệ, đội ngũ ngân hàng, các nhà doanh nghiệp, các bộ ngành, luật gia, luật sư của chúng ta, chúng ta cần phải phối hợp tháo gỡ, góp phần giải quyết nợ xấu nhanh hơn mà không nhất thiết phải trái với luật hiện hành”, đại biểu nêu ý kiến.
Và theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dù rằng nghị quyết và luật có giá trị như nhau nhưng Luật cần ổn định lâu dài, động đến cả trong nước ngoài nước, làm nhà đầu tư và người dân yên tâm để họ thiết kế, xây dựng các hợp đồng trung hạn, dài hạn. Nếu quy định trái hiện hành thì không ổn định.
Dư luận cũng băn khoăn rằng nợ xấu gây tổn thất lớn cho xã hội, nhưng thời gian qua có những quyết định cả phía chủ ngân hàng, cổ đông lẫn cơ quan Nhà nước đã có những quyết định gây tranh cãi. Câu hỏi đặt ra là những chủ trương ấy đã có cơ sở chưa, hợp lý chưa.
“Dư luận cũng lo ngại việc này sẽ làm cho một số người thoát trách nhiệm. Nhà nước phải đi lãnh mấy chục ngàn tỷ và phải chịu trách nhiệm trước dân bằng ngân sách, bằng tiền của dân là không hợp lý. Những tổn thất này cần được đánh giá rõ ràng”, đại biểu Nghĩa nói.
Và đại biểu kết luận, Nghị quyết về xử lý nợ xấu là đúng nhưng làm sao để nhân dân và cử tri đừng hiểu rằng sẽ vô tình làm cho những người có trách nhiệm thoát trách nhiệm vì đã gây ra nợ xấu.