Nghỉ việc ngân hàng lương cao, chàng trai Bắc Ninh biến xơ mướp thành sản phẩm xuất khẩu nghìn đô
Làm trong ngành ngân hàng với mức lương cao, nhưng anh Tạ Quý Tôn (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bỏ việc về quê khởi nghiệp trồng mướp lấy xơ sản xuất các sản phẩm gia dụng hữu ích, chất lượng cao. Mỗi tháng, cơ sở của anh xuất khẩu khoảng 30 nghìn sản phẩm, doanh thu 25.000 - 35.000USD/tháng, tạo việc làm cho 20 lao động.
- 30-08-20223 cuốn sách giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, đọc để thấy cuộc sống đầy viên mãn
- 27-08-2022Tỷ phú Jeff Bezos, Tim Cook có chung một thói quen: Người thành công nào cũng thực hiện mỗi ngày
- 24-08-2022Cơ thể của người uống nước lọc hay người uống trà khỏe mạnh hơn?
Theo anh Tôn, ở nước ta, xơ mướp không có nhiều giá trị về kinh tế nhưng tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, đây lại là đồ gia dụng hữu ích, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong ảnh là vườn mướp 2 héc ta của anh Tôn tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Anh Tôn chia sẻ: "Dự định của tôi đã có từ lâu. Thời gian học tập, làm việc tại Australia, tôi thấy nhiều khách sạn sử dụng các sản phẩm từ xơ mướp làm bông tắm, đai chà lưng... Trong khi đó, Việt Nam trồng rất nhiều mướp, xơ mướp chủ yếu vứt bỏ, có một số ít người dân dùng rửa bát".
Vì vậy, năm 2019, anh quyết định nghỉ việc, về khởi nghiệp làm nông nghiệp. Điều này khiến người trong gia đình phản đối kịch liệt. Hàng xóm, bạn bè thì bảo là “điên, hấp” vì đang yên, đang lành làm việc ở ngân hàng lớn, lương tháng 30 đến 40 triệu đồng lại bỏ về đi trồng mướp lấy xơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. - Ảnh: Công nhân kiểm tra độ già và chất lượng của mướp.
Công nhân bóc vỏ mướp lấy xơ.
Để tạo ra các sản phẩm như bông tắm, đai chà lưng, lót giày và những sản phẩm gia dụng… từ xơ mướp, anh Tôn đầu tư nhiều loại máy móc như máy may, máy ép, máy cắt. Sản phẩm từ xơ mướp đều được anh làm theo phương pháp thủ công , do đó mỗi sản phẩm đều có tính độc đáo riêng. Công ty có 20 lao động trực tiếp sản xuất , mỗi ngày công anh trả cho công nhân từ 250 đến 350 nghìn đồng. Bên cạnh đó, anh liên kết với 80 hộ nông trồng mướp. Diện tích trồng mướp của anh hiện có 50 héc ta, tại các địa phương Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định. - Ảnh: Công nhân ép xơ mướp ra các sản phẩm.
“Sắp tới, tôi triển khai mở rộng vùng trồng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, cố gắng tăng diện tích trồng mướp lên 30 héc ta nữa trong những năm tới. Mỗi tháng xuất khẩu khoảng 100 đến 200 nghìn sản phẩm”, anh Tôn cho biết.
Tùy vào từng sản phẩm mà xơ mướp được cán dày hay mỏng. Với tiêu chí đặt ra là sản phẩm thân thiện môi trường nên khi sản xuất không dùng chất tẩy trắng hoặc ngâm hóa chất. - Ảnh: Công nhân may viền các sản phẩm từ xơ mướp.
“Muốn tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp, độ kết dính, tôi chỉ sử dụng phương pháp may bằng chỉ, sợi đay và vải thay vì sử dụng keo dán nên đảm bảo tính thẩm mỹ và sự mộc mạc của xơ mướp”, anh Tôn cho hay.
Hiện tại, sản phẩm của anh đã nhanh chóng có chỗ đứng nhất định, được cung cấp tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ở châu Âu, với 15 dòng sản phẩm chủ yếu là bộ sản phẩm cho nhà bếp, nhà tắm và đồ dùng cá nhân như lót giày, giày dép đi trong nhà. Mỗi tháng anh xuất khẩu khoảng 30 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt khoảng 25.000 - 35.000 USD/tháng.
Thời gian tới, anh tiếp tục phát triển trên 20 đầu sản phẩm để xuất khẩu và phát triển thêm số sản phẩm cho thị trường trong nước. Hiện các ngành chức năng đang hướng dẫn anh tham gia chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP)”.
“Khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bắc Ninh; xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, mình còn được hỗ trợ triển khai các hình thức tổ chức sản xuất; huy động nguồn lực tài chính, nguồn vốn để thực hiện”, anh Tôn cho biết thêm.
Tiền phong