MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý cao tốc Bắc-Nam: Có tiền nhưng đang bị chậm tiến độ

Nghịch lý cao tốc Bắc-Nam: Có tiền nhưng đang bị chậm tiến độ

“Cao tốc Bắc-Nam đang xảy ra nghịch lý: Tiền có sẵn, là công trình trọng điểm quốc gia, nhân dân mong chờ từng ngày nhưng tiến độ lại đang chậm là không thể chấp nhận được”.

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Ninh Bình diễn ra ngày 30/6.

Hai dự án sẽ hoàn thành trong năm 2021

Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được các địa phương bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành, bàn giao được 638,8/652,86km (đạt 97,8%).

Hiện Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 7 dự án, gồm: 6 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) và 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt). Sản lượng hoàn thành của 7 dự án đạt hơn 6.666 tỷ đồng (đạt 16,6% giá trị hợp đồng).

Còn lại 4 dự án thành phần đang chuẩn bị khởi công xây dựng gồm: 2 dự án đầu tư công (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) và 2 dự án đầu tư PPP (Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Trong 7 dự án đang triển khai thi công, theo kế hoạch, hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn hoàn thành trong năm 2021; ba dự án hoàn thành năm 2022 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây); một dự án hoàn thành năm 2023 (cầu Mỹ Thuận 2) và một dự án hoàn thành năm 2024 (Diễn Châu - Bãi Vọt).

“Tiến độ hoàn thành các dự án cao tốc Bắc - Nam theo kế hoạch đề ra đang bị ảnh hưởng do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thi công như: Công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của các dự án còn chậm, giá thép biến động mạnh…Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp”, Thứ trưởng Thọ nói.

Báo cáo thêm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng tôi đang tập trung toàn lực để chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ. Hàng tuần, hàng tháng, Bộ GTVT đều họp kiểm điểm về tình hình triển khai các dự án. Bất cứ dự án nào chậm tiến độ do lỗi chủ quan, cá nhân liên quan đều bị xử lý. Vừa qua, một giám đốc Ban quản lý dự án thuộc Bộ đã bị xử lý”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, phần mặt bằng chưa bàn giao của dự án chỉ còn lại khoảng 2,2%, nhưng đều là các vị trí “xương” nhất do chậm trễ trong công tác dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương và cơ quan liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam. Cơ quan, đơn vị nào vi phạm phải bị xử lý”, ông Thể kiến nghị.

Khó khăn lớn do chưa “thông” nguồn vật liệu

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tuyến cao tốc Bắc-Nam ngoài dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành đắp nền, nhu cầu của 10 dự án còn lại cần khoảng 53,2 triệu m3. Trong khi đó, 79 mỏ đã cấp phép khai thác hiện nay mới đáp ứng được khoảng 30,4 triệu m3. Khối lượng còn thiếu khoảng 22,8 triệu m3 nằm tại 116 mỏ chưa được cấp phép khai thác.

Theo Thứ trưởng Thọ, Nghị quyết 60 được Chính phủ ban hành ngày 16/6/2021 đã cơ bản tháo gỡ được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu, giảm thời gian cấp phép do không phải đấu giá quyền khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: Lập dự án đầu tư, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường...theo quy định của Luật Khoáng sản.

“Nếu trong tháng 7/2021, không tháo gỡ được các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Ngoài ra, ông Thọ cũng cho biết thêm, mặt bằng của toàn dự án còn khoảng 2,2% chiều dài tuyến chưa bàn giao, nguyên nhân chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư và một số ít vị trí người dân chưa đồng thuận về đơn giá đền bù.

Về nguồn vật liệu phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị bộ, ngành, địa phương liên quan sớm giải quyết khó khăn trong việc cấp phép mỏ vật liệu để các nhà thầu thi công có nguồn đất đắp thi công nền đường.

“Chúng ta cần chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào làm cái gì, trách nhiệm các bên ra sao. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành liên quan cần kiểm tra và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng cao tốc Bắc - Nam để nâng giá đất trục lợi”, ông Thể nói.

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Bắc - Nam

Đánh giá cao sự quyết liệt, sát sao của Bộ GTVT, tuy nhiên, Phó Thủ tướng mong muốn nhận thêm các ý kiến của các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam.

“Thi công chậm tiến độ, sau này các nhà thầu sẽ bị phạt nặng nên có gì cứ nói thẳng, nói thật, không né tránh”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc Thường trực VINACONEX cho biết, tại gói thầu 3-XL cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do đơn vị thi công, nhu cầu đất đắp cần mua khoảng 2,2 triệu m3. Các mỏ đất đắp theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của gói thầu gồm: Bình Minh, Gia Măng, Chính Nghĩa, Cẩm Mỹ mới chỉ có quy hoạch, chưa có mỏ nào được cấp phép.

Đại diện nhà thầu VINACONEX kiến nghị địa phương xem xét rút ngắn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép và xem xét có cơ chế cấp phép có điều kiện để khai thác được ngay.

“Ngay từ khi bắt đầu triển khai gói thầu, chúng tôi đã làm thủ tục ký hợp đồng với tất cả mỏ để làm thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, qua 9 tháng thi công vẫn chưa có mỏ nào được cấp phép. Nhà thầu đã chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu đất tầng phủ tại các mỏ đá, nhưng trữ lượng rất thấp và công suất khai thác chỉ có khoảng 100.000 m3”, ông Mậu nói.

Theo ông Mậu, Nghị quyết 60 của Chính phủ ban hành, nhưng quy định hướng dẫn chỉ giảm được thủ tục tổ chức đấu thầu, còn lại các thủ tục khác vẫn phải thực hiện theo Luật Khoáng sản. Do đó, thủ tục cấp phép mỏ cũng chỉ rút ngắn được khoảng 2 tháng so với tổng thời gian tối thiểu khoảng 8-9 tháng, trong khi thời gian thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam chỉ 2 năm.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Bắc - Nam theo điều a, khoản 2, điều 64, Luật Khoáng sản và cho phép tận thu đất trong trong các dự án cải tạo đất nông nghiệp để sử dụng làm vật liệu đất đắp phục vụ công trình trọng điểm quốc gia”, ông Mậu đề xuất.

Đại diện liên danh nhà thầu thi công gói thầu XL12, cao tốc Mai Sơn - QL45, ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nhà thầu đang tổ chức các mũi thi công hầm Thung Thi và hơn 6km đường trên tuyến. Khó khăn nhất là hạng mục thi công nền đường khi nguồn vật liệu thiếu hụt nghiêm trọng, bởi các mỏ được quy hoạch nhưng công suất không đảm bảo yêu cầu.

“Nghị quyết 60 của Chính phủ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác nhưng khi chúng tôi làm việc với chủ mỏ họ đều từ chối nâng công suất khai thác”, ông Nam nói và cho biết, việc cấp phép các mỏ đất mới trải qua rất nhiều thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài.

Có khó khăn báo cáo để tháo gỡ ngay, không được để chậm tiến độ

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, đầu tư hệ thống đường cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH và đảm bảo ATGT cho người dân.

“Cao tốc Bắc - Nam đang xảy ra nghịch lý: Tiền có, công trình trọng điểm quốc gia, nhân dân mong chờ từng ngày nhưng tiến độ lại đang chậm. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 với rất nhiều cơ chế đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc cho dự án. Những gì Chính phủ đã chỉ đạo mà các bộ, ngành, địa phương liên quan không thực hiện tới đây sẽ cho kiểm tra, xử lý, nhất là lĩnh vực quản lý mỏ đang rất bừa bãi”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, đối với 654km thuộc 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai có nhiều điều kiện thuận lợi: Nguồn vốn ngân sách đã cân đối đủ, mặt bằng đã bàn giao gần 98%…Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận các dự án đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi công tác quản lý mỏ vật liệu còn bất cập, nhà thầu bị chủ mỏ chèn ép giá, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến quá trình thi công.

“Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, các ban quản lý dự án, nhà thầu và các bộ, ngành địa phương liên quan trong thời gian qua đã vào cuộc quyết liệt. Khí thế trên các công trường rất sôi động, máy móc rất nhiều, mặt bằng cũng đã hoàn thành cơ bản”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, những vướng mắc của dự án đều trong tầm tay giải quyết của các bộ, ngành, địa phương.

Thống nhất với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Phó Thủ tướng cho biết, hàng tháng, Chính phủ sẽ họp giao ban kiểm điểm tiến độ thực hiện cao tốc Bắc - Nam. Riêng, Bộ GTVT sẽ họp giao ban hàng tuần về dự án trọng điểm này.

“Đối với phần mặt bằng còn lại của dự án còn vướng mắc, các địa phương có dự án đi qua phải hoàn thành dứt điểm, bàn giao trước 30/7/2021”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 60 của Chính phủ. Chủ tịch UBND các tỉnh cần chỉ đạo giám đốc sở, ngành khẩn trương rà soát để nâng công suất các mỏ đang khai thác. Nếu phát hiện mỏ nào có hiện tượng ép giá nhà thầu, xem xét thu hồi ngay giấy phép khai thác và xử lý theo quy định”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải thành lập ngay 5 đoàn kiểm tra, trước ngày 15/8/2021 phải có báo cáo kết luận về việc xử lý tất cả những vi phạm liên quan đến quản lý mỏ phục vụ công trình trọng điểm này.

“Chúng ta có nhiều mỏ vật liệu, có bộ máy trong tay mà để công trình trọng điểm quốc gia thiếu vật liệu thi công là điều không thể chấp nhận được. Bộ TN&MT phải lập ngay các đoàn kiểm tra, tinh thần là phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết các vướng mắc về việc biến động giá vật liệu (sắt, thép); nguồn vốn tín dụng cho 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam; điều chỉnh chi phí cho tư vấn giao thông đảm bảo phù hợp thực tiễn./.

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên