MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính các cử tri đã ủng hộ ông Trump sẽ mất việc làm và thiệt hại nhiều nhất vì thuế quan, nước Mỹ đang "tự bắn vào chân mình"?

06-07-2018 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

Đối với BMW và rất nhiều hãng sản xuất lớn khác có nhà máy tại khắp các tiểu bang và khu vực, chính sách thuế của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến việc làm của hàng chục nghìn người.

Vào tháng 5 vừa rồi, Tổng thống Trump đã "phàn nàn" về việc có quá nhiều ôtô đến từ các nhãn hiệu xe của Đức chạy trên tuyến đường Fifth Avenue (New York) và đe dọa về mức thuế rất cao đối với các công ty này. Thế nhưng, có một điều bất lợi rằng những chiếc xe này không chỉ sản xuất tại Mỹ, mà số lượng lớn công nhân làm việc tại Mercedes – Benz hay BMW lại là những người ủng hộ ông Trump.

Những năm gần đây, các công ty châu Âu đã đưa các tiểu bang Alabama, South Carolina và Tennessee trở thành trung tâm của các nhà máy sản xuất ôtô. Họ không chỉ sản xuất ôtô cho thị trường Mỹ, mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu. Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Đức đều xây dựng nhà máy tại đó. Volvo Cars, công ty của Thụy Điển đã được Trung Quốc mua lại, vừa bắt đầu các hoạt động sản xuất tại một nhà máy mới ở Nam Carolina vào hồi tháng trước.

Đối với những công nhân làm việc ở các khu vực này, việc ủng hộ ông Trump cũng không thể là lá chắn bảo vệ chính họ.

Thuế quan sẽ ảnh hưởng tới việc làm của hàng chục nghìn người và ngay cả nền kinh tế Mỹ

Ông Trump đã đe dọa mức thuế quan dự kiến là khoảng 20% đối với ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu. Trước khi thực hiện kế hoạch này, một cuộc điều tra đã được triển khai để kiểm tra liệu các mặt hàng nhập khẩu có phải là mối đe dọa với an ninh quốc gia hay không. Các biện pháp hạn chế thương mại đã được đưa ra chỉ trong vòng vài tháng. Và nếu được thông qua thì Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết sẽ có những động thái đáp trả.

Trong bối cảnh đó, tổn thất sẽ leo thang và tiêu tốn 14 tỷ USD từ nền kinh tế Mỹ. Đại sứ của EU tại Washington cho biết, nếu các quốc gia khác "trả đũa" thì mức tổn thất sẽ tăng vọt lên đến gần 300 tỷ USD.

Các nhà sản xuất ôtô, cả trong và ngoài nước, cho rằng những hình phạt như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới nguồn cung cấp của họ, đồng thời gây trở ngại đối với xuất khẩu. Cuối cùng, họ sẽ buộc phải cắt giảm hoạt động tại tất cả các nơi có sự can thiệp sâu rộng của Đảng Cộng hòa.

Ông Trump đã giành được 63% số phiếu bầu tại Spartanburg, S.C., nơi nhà máy lớn nhất của BMW hoạt động. Nhưng Allen Smith, chủ tịch Phòng Thương mại Spartanburg Area, cho biết mức thuế mà tổng thống đưa ra sẽ đe dọa kế sinh nhai của người dân trong khu vực.

Ông Smith nói thêm: "Đối với BMW và rất nhiều hãng sản xuất lớn khác có nhà máy tại khắp tiểu bang và khu vực, chính sách thuế của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến việc làm của hàng chục nghìn người. Tất cả chúng ta đều đồng ý với mục tiêu mang tính tổng thể của tổng thống nhằm cải thiện thương mại vì lợi ích của nước Mỹ. Nhưng nếu quyết định đó gây tổn thất cho việc kinh doanh của người dân Mỹ thì đó lại là điều hoàn toàn sai lầm."

Lời đe dọa áp thuế của sẽ là động thái mới nhất, thể hiện rằng ông Trump sẵn sàng "xa lánh" các đồng minh lâu năm, cùng các công ty của Mỹ, mang "lớp vỏ" là mục đích bảo vệ việc làm trong nước. Trước đó, ông đã quyết định áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada, Mexico và các quốc gia khác. Hôm nay (6/7), mức thuế 34 tỷ USD đối với các mặt hàng từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, mặt trận mới này của cuộc chiến thương mại lại mang đến những rủi ro đáng kể không chỉ cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô mà còn với chính ông Trump và các thành viên Đảng Cộng hòa trên toàn nước Mỹ, rằng chiến tranh thương mại ngày một căng thẳng có thể sẽ đe dọa hàng nghìn nhân sự trong ngành này.

Hầu như tất cả các xe ô tô sản xuất tại Mỹ đều sử dụng các linh kiện nhập khẩu. Không như mức thuế đối với thép và nhôm có mức giá không rõ ràng, giá ôtô sẽ lại hoàn toàn được công khai tại các showroom trong vài tuần. Giá gợi ý bán lẻ sẽ tăng lên hàng trăm, hoặc có thể hàng nghìn USD. Đó là lý do tại sao Ford và General Motors, cùng với các nhà sản xuất ôtô nước ngoài khác cũng đã phản đối gay gắt các biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Chính khu vực "tam giác" của nhà máy BMW tại Spartanburg, khu phức hợp Mercedes Daimler ở Tuscaloosa, Ala và nhà máy của Volkswagen (VW) tại Chattanooga, Tenn sẽ phải chịu những tổn thất về kinh tế nặng nề nhất.

Thực chất thì chính những công ty này có thể giúp giảm thâm hụt thương mại

Từ đầu những năm 1990, khi ngành công nghiệp dệt may tại châu Á ở tình trạng xuống dốc, tại các bang thuộc khu vực Nam Mỹ, một số lượng lớn nhân sự trong ngành sản xuất đều bị sa thải. Sau đó các nhà sản xuất ôtô đều tranh thủ thời cơ để bước vào thị trường này với mức thuế đã được giảm cùng sự khuyến khích của chính phủ nước này. Vào năm 2008, khi VW đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy, giới chức Chattanooga đã cho triển khai 200 máy ủi, máy cắt gỗ và các thiết bị nặng khác để hỗ trợ công ty này xây dựng, sau khi đại diện VW phàn nàn rằng khu đất này quá nhiều cây cỏ mọc dại. Không lâu sau đó, năm 2011, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo thời gian, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã mở rộng hoạt động tại những khu vực này, không chỉ phục vụ thị trường Mỹ mà còn nhiều nơi khác, như Trung Quốc. Năm ngoái, Tập đoàn Daimler đã tạo 900 cơ hội việc làm cho người dân Mỹ, bao gồm cả các công ty xe tải, và hiện đang đầu tư 1 USD để mở rộng hoạt động của nhà máy tại Tuscaloosa để sản xuất xe điện và pin.

Luận điểm của ông Trump đó là các công ty này có thể là mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ, tuy vậy lại khiến nhiều người nghi ngờ.

BMW xuất khẩu 70% số xe mà hãng sản xuất tại Spartanburg, tương đương khoảng 270.000 chiếc, chính việc này đã góp phần làm giảm thâm hụt thương mại mà ông Trump hay nhắc đến. BMW đang có kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 nhân sự tại Spartanburg, có thể tiêu tốn khoản chi phí lên đến 600 nghìn USD. Trong một lá thư của BMW gửi ông Wilbur Ross, thư ký nội các, viết rằng, hậu quả có thể sẽ là "khổi lượng xuất nhập khẩu bị giảm đáng kể và có những tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư và cũng như việc làm tại Mỹ."

Lập luận đó dường như không thể "lay chuyển" ông Trump. Hồi tháng 6, ông phát biểu: "BMW và Mercedes xuất khẩu "hàng triệu" ôtô sang Mỹ và chúng tôi hầu như không đánh thuế".

Các quốc gia trên toàn cầu đều có những mức thuế khác nhau đối với một số dòng ôtô nhất định. Mỹ đã nhập khẩu khoảng 1,2 triệu xe ô tô từ tất cả các thương hiệu của châu Âu vào năm ngoái, cao gấp 5 lần số lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác. Theo đó, mức thuế cũng tương đối thấp, chỉ là 2,5% . Liên minh châu Âu đã áp thuế 10% đối với ôtô nhập khẩu từ Mỹ và các quốc gia khác.

Tuy nhiên, thuế quan đối với các dòng xe lớn hơn lại hoàn toàn khác. Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% đối với dòng xe tải nhẹ và xe van nhập khẩu từ châu Âu, nhằm hạn chế số lượng trên thị trường Mỹ. Đó là một trong những lý do Volkswagen vans lại được sản xuất tại Hanover, Đức.

Các công ty sản xuất linh kiện ôtô cũng chịu thiệt hại

Thuế quan cũng sẽ được áp dụng cho các mặt hàng linh kiện ôtô, lại thêm một điều gây khó dễ cho các công ty sản xuất ôtô trên toàn thế giới, đặc biệt trong trường hợp châu Âu sẽ trả đũa.

Các nhà cung cấp như ZF Friedrichshafen, một công ty của Đức có nhà máy truyền dẫn ở Nam Carolina, cho biết họ sản xuất hầu hết những gì họ cần ngay tại địa phương. Nhưng đôi khi, ZF phải nhập khẩu hoặc xuất khẩu các sản phẩm thích hợp khi thị trường không đủ lớn để xây dựng thêm một khu sản xuất nữa.

Wolf-Henning Scheider, giám đốc điều hành của ZF Friedrichshafen cho biết: "Khả năng rất cao là chúng tôi sẽ phải đối mặt với những tổn thất trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang, bởi chúng tôi vận chuyển các sản phẩm từ Mỹ đến châu Âu và từ châu Âu đến Mỹ."

Những tuần gần đây, các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung cấp linh kiện của họ đã có cuộc gặp với các quan chức cùng nhà lập pháp của cả hai bên để chia sẻ về mối quan tâm của họ. Và các công ty khác nhau, từ GM và Toyota cho đến các nhà cung cấp nhỏ khác cũng đã lên tiếng, việc này rất quan trọng để chuẩn bị cho buổi điều trần công khai về thuế quan vào ngày 19 và 20 tháng 7 tại Washington tới đây.

John Bozzella, chủ tịch của Global Automakers, đại diện cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài hoạt động tại Mỹ cho biết: "Tôi đã hoạt động trong ngành này hơn 20 năm và chưa bao giờ thấy những động thái thống nhất và "đồng lòng" như thế này".

Cho đến nay, phần lớn các quan chức đến từ đảng Cộng hòa đã rút khỏi ngành sản xuất ôtô để tránh những rủi ro mà thuế quan mang lại. Tuy nhiên, mối đe dọa về thuế đối với các ngành công nghiệp mang đến khoảng 5% công việc khu vực tư nhân ở Mỹ cuối cùng cũng có thể thúc giục các nhà lập pháp hành động.

Nhiều người lên tiếng phản đối

Luật được Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee đưa ra sẽ hạn chế quyền lực của tổng thống trong việc áp đặt thuế quan nhằm bảo vệ an ninh quốc gia đã không được thông qua, nhưng vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Thượng nghị sĩ Orrin G. Hatch của Utah, chủ tịch Ủy ban Tài chính, cho biết ông dự định thay đổi luật về thuế quan thông qua ủy ban của mình. Và đại diện bao gồm Jackie Walorski, thành viên đảng Cộng hòa từ Indiana, và Ron Kind, một thành viên đảng Dân chủ đến từ Wisconsin, đã thu thập hơn 70 chữ ký cho một lá thư với nội dung thể hiện mối quan ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của thuế quan đối với ngành công nghiệp sản xuất ôtô.

Bà Ann Wilson, phó chủ tịch cao cấp về các vấn đề của chính phủ đối với Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Xe Hơi Và Các Thiết Bị – Động Cơ nói rằng, nhóm của bà đã gặp các cố vấn kinh tế của ông Trump, các nhân viên tại Bộ Ngân khố và Bộ Thương mại cùng các nhà lập pháp của cả hai bên để truyền đạt về những ảnh hưởng nghiêm trọng mà thuế quan có thể mang đến cho ngành này.

Bà cho biết thêm, nhiều nhà sản xuất phụ tùng ô tô nhỏ hơn, đặc biệt là những nhà sản xuất phải chịu chi phí tăng do thuế thép và nhôm, sẽ không thể "sống sót" trong vòng 3 tháng.

"Những gì đang diễn ra đối với ngành này đó là chi phí tăng cao, số lượng việc làm giảm đi và những gián đoạn đáng kể và cuối cùng có thể dẫn đến sự suy thoái kinh tế."

Tuy vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ thay đổi quyết định.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào cuối tuần trước, khi được hỏi về mức thuế 25% sẽ là mối đe dọa cho tất cả các dòng xe nhập khẩu, ông trả lời: "Thực ra là 20%. Hãy nói với họ là họ cần phải biết rõ về những con số này."

Hương Giang

New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên