Nghịch lý ngành hàng laptop tại Việt Nam: mùa thấp điểm nhưng doanh số tăng dựng đứng, khan hàng, tăng giá
Thông thường, tháng 6 là thời gian thấp điểm của ngành hàng laptop nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua sắm sản phẩm tăng cao để học tập, làm việc online. Nhiều mẫu laptop tăng giá nhưng không có hàng.
- 07-06-2021FPT Shop nhảy vào mảng ‘bán sỉ’ laptop, điện thoại… đón đầu nhu cầu tăng cao giữa dịch Covid-19
- 31-05-2021Laptop siêu nhẹ LG Gram 2021 về Việt Nam, giá từ 34,9 triệu đồng
- 21-05-2021TV, laptop, đồ điện tử có thể tăng giá mạnh
Các nhà bán lẻ đều cho biết thông thường tháng 6 được xem là thời gian thấp điểm, học sinh, sinh viên đang ôn thi, phải đến mùa tựu trường thì doanh số laptop mới tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường hoàn toàn đảo chiều trong mùa thấp điểm năm nay. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mọi người ôn thi, làm việc ở nhà khiến nhu cầu cho ngành hàng laptop tăng đột biến.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop cho biết tháng 6 năm nay ghi nhận mức tăng đột phá gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tính luỹ kế nửa đầu năm 2021, mức độ tăng trưởng đạt 50%.
Các hệ thống bán lẻ khác như Gear VN hay CellphoneS cũng xác nhận doanh số ngành hàng laptop đang tăng mạnh. Một số model đang gặp tình trạng tăng giá nhưng không có hàng để bán.
Nhu cầu học tập, làm việc online tăng cao khiến ngành hàng laptop tăng trưởng mạnh.
Theo ông Thái Lê Tú, Trưởng phòng truyền thông GearVN, ngành hàng laptop của hệ thống này ghi nhận mức tăng trưởng hơn 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mẫu laptop bán chạy tập trung ở phân khúc dưới 30 triệu đồng, nổi bật có thể kể đến các dòng như Acer Nitro 5 và ASUS TUF Gaming. Đây cũng là phân khúc sôi động nhất nhờ sự xuất hiện của các dòng laptop mới sử dụng VGA RTX 3000 series với giá chưa đến 30 triệu đồng.
“Ngoài sự cân nhắc về giá và cấu hình, khách hàng cũng quan tâm nhiều đến tính năng của màn hình. Xu hướng các dòng laptop mới hiện nay là hỗ trợ độ phủ màu rộng, mang lại trải nghiệm màu sắc tốt hơn cho khách hàng. Riêng phân khúc laptop gaming còn bổ sung thêm tần số quét cao, tối ưu cho sự mượt mà khi sử dụng”, ông Tú nói.
Từ đầu năm 2021 đến nay, một số mẫu laptop đến từ các thương hiệu như Asus, Dell, HP... gặp tình trạng khan hàng do thiếu chip. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến cho việc nhập hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
“Nhìn chung laptop ở tất cả phân khúc đều đang thiếu nhưng thiếu nhất là phân khúc văn phòng từ 13,5-16 triệu đồng. Toàn bộ các hãng đều đang rất ít hàng, máy về nhỏ giọt”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS chia sẻ.
Cùng với sự thiếu hụt hàng hoá ở mọi phân khúc, giá của các dòng laptop hiện nay đều tăng. Trong nửa đầu năm 2021, Dell đã đưa ra mức giá mới, tăng 10-100 USD tùy vào từng sản phẩm. Acer cũng tăng giá từ 5-10% cho các sản phẩm của mình. Các thương hiệu khác như HP, Asus cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán sản phẩm laptop.
Nhiều mẫu laptop đang khan hàng, tăng giá tại thị trường Việt Nam.
Ông Thái Lê Tú xác nhận các hãng laptop đều có sản phẩm tăng giá từ 2-5%. Cụ thể, mẫu HP Pavilion 15-eg0071TU 2P1M7PA tăng 600.000 đồng lên 17,9 triệu đồng. HP Pavilion 15 eg0003TX 2D9C5PA cũng tăng 600.000 đồng, lên 18,2 triệu đồng. Acer Aspire 5 A515 56G 51YL đang được bán với giá 19,7 triệu đồng, tăng một triệu đồng so với trước đó.
Dự đoán theo hướng tích cực, đại diện các hệ thống bán lẻ đều cho rằng nhiều khả năng tình hình tăng giá và thiếu hàng của laptop có thể ổn định lại sớm nhất là cuối năm 2021 hoặc đến đầu năm 2022.
“Để có thể giải quyết tình trạng khan hàng phụ thuộc chủ yếu vào việc các quốc gia châu Âu, Châu Mỹ kiểm soát được dịch bệnh, bình ổn lại nhịp sống và nhu cầu sử dụng các thiết bị laptop, Notebook. Ngoài ra, các công xưởng thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ phải bình ổn lại hoạt động sản xuất. Những nhà máy có thể hoạt động công suất tối đa”, ông Nguyễn Lạc Huy nhận định.