MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý ngành khai khoáng Việt Nam: Khai thác nhiều, ngân sách chẳng được bao nhiêu!

Theo tính toán của PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), tỷ trọng số thu từ thuế tài nguyên (trừ dầu thô) những năm qua tuy có xu hướng tăng lên, song vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, xấp xỉ trên 1% trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Đây là thông tin được đưa ra tại Toạ đàm “Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch trong Công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?” diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Ngân sách mất hơn 21.000 tỷ...

Theo đó, Việt Nam hiện là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, đa dạng. Trong 3 thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng về mặt quy mô.

Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc, 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% sản lượng barite trên thế giới; một số mỏ khoáng sản khác cũng được khai thác với số lượng lớn gồm than, dầu thô, khí thiên nhiên, chì, apatite...

Tuy nhiên, hiện ngành khai khoáng đang tồn tại một vấn đề lớn, đấy là nghịch lý khi sản lượng khai thác lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước còn thấp.

Thống kê của tổ chức Pan Nature cho biết, năm 2011, nhà nước thu được khoảng 7.954 tỷ thuế tài nguyên ngoài dầu khí, chiếm khoảng 1,1% ngân sách. Sang đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 6.539 tỷ đồng, chiếm 0,9% ngân sách. Đến 2013, mức này có tăng nhẹ, thành 7.462 tỷ đồng, chiếm 1% ngân sách.

Các chuyên gia đánh giá mức thất thu trong khai thác tài nguyên chiếm khoảng 5 – 25% GDP, mà theo Tổng cục Thống kê thì GDP từ ngành khai khoáng 2014 của Việt Nam là 426.184 tỷ, ước tính năm 2014 ngân sách thất thu từ 21.309 đến 106.546 tỷ đồng.

Muôn hình vạn trạng để né thuế...

Các khoản thu như thuế tài nguyên chủ yếu dựa trên sản lượng, chất lượng, giá bán và thuế suất. Lợi dụng những khe hở từ những yếu tố này, nhiều đơn vị khai thác đã tìm cách tránh, né thuế. Theo các chuyên gia trong ngành, các cách lách luật bao gồm: khai báo sản lượng thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ, trung thực về các kim loại quý hiếm thu hồi được; lập giá bán thấp hơn thực tế; kê khai khống các chi phí; lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế...

Mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc tập đoàn Besra (Canada) là một ví dụ. Thuế suất áp dụng cho 2 mỏ vàng này có chênh lệch lớn nên Besra Việt Nam đã “phù phép” sản lượng vào 2 mỏ này để giảm thiểu số thuế phải nộp.

Mỏ vàng Bồng Miêu được cấp phát cách đây 16 năm, thời điểm mỏ nhận được ưu đãi thuế tài nguyên ở mức 3% , thuế thu nhập doanh nghiệp là 18% và có ưu đãi tuyệt đối: vừa được xuất khẩu, vừa được tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, mỏ vàng Phước Sơn thì có giấy phép cách đây 6 năm, đang phải áp mức thuế tài nguyên là 15% giá trị sản phẩm khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 40% lợi nhuận thu được và chỉ được xuất khẩu chứ không được tiêu thụ trong nước.

Vì vậy, mỏ vàng Phước Sơn đã chuyển vàng sang cho mỏ Bồng Miêu. Sự việc chỉ được phát hiện khi nhà máy vàng Bồng Miêu dừng khai thác để sửa chữa nhưng liên tục xuất hoá đơn bán vàng cho các cửa hàng, doanh nghiệp vàng trong nước với doanh thu lên đến hơn 188 tỷ đồng.

Ngoài những hình thái kể trên, nhiều doanh nghiệp nhỏ cá nhân còn có hiện tượng khai thác lậu, xuất khẩu lậu tài nguyên, gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Theo TS Lê Xuân Trường, có 3 yếu tố kẽ hở khiến cho doanh nghiệp lợi dụng gian lận thuế và các khoản thu khác.

Một là minh bạch hoá trong công nghiệp khai khoáng còn chưa tốt, chưa phát huy được vai trò giám sát của cộng đồng.

Hai là công tác quản lý khai thác khoáng sản của chính quyền địa phương chưa tốt, để khai thác lậu xảy ra nhưng không ngăn chặn được.

Ba bà công tác phối hợp giữac cơ quan thuế địa phương và cơ quan quản lý tài nguyên môi trường còn chưa tốt.

Do đó, TS Trường kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tham gia vào Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI). Bởi, chỉ có minh bạch hoá ngành khai khoáng mới giúp trám đầy các kẽ hở bên trong quản lý thu ngân sách từ khoáng sản, nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước.

Hiện trên thế giới đã có 53 quốc gia tham gia vào EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ và Nauy. Việt Nam cũng đã tiếp cận và xem xét tham gia sáng kiến này từ năm 2007 tuy nhiên vì nhiều lý do cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên