MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý nơi công sở khiến nhiều người vỡ mộng: Không phải cứ chăm chỉ, nhiệt tình, làm việc cả ngày nghỉ là sẽ được thăng chức, tăng lương

23-08-2018 - 10:32 AM | Sống

Những người đi làm hãy nhớ rằng, tiền lương, chức vụ của bạn không phải dành cho sự chăm chỉ, cố gắng mà cho những lợi ích bạn có thể đem lại cho công ty.

Tiền lương bạn được trả không phải dành cho sự nỗ lực, mà cho kết quả và lợi ích công ty nhận được.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi có rất nhiều người có quan niệm sai lệch về công việc mà họ sẽ làm trong tương lai. Để rồi khi thật sự đi làm, họ thường phàn nàn về công việc của mình, đặc biệt là những kì vọng ban đầu của họ dường như không được đáp ứng.

Dưới đây là 5 hiểu lầm phổ biến mà những người trẻ thường mắc phải khi bắt đầu công việc.

1. Nếu tôi đi làm cả kỳ nghỉ của mình, tôi sẽ được thăng chức

Nghịch lý nơi công sở khiến nhiều người vỡ mộng: Không phải cứ chăm chỉ, nhiệt tình, làm việc cả ngày nghỉ là sẽ được thăng chức, tăng lương - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ cho rằng bỏ qua kỳ nghỉ là một cách gây ấn tượng tốt đối với sếp của mình, nhưng theo thống kê, nó lại có tác dụng ngược lại. Theo một nghiên cứu gần đây về việc sử dụng kỳ nghỉ, "chỉ có 23% những người đi làm vào ngày nghỉ được thăng chức so với 27% những người được thăng chức mà không cần phải làm thêm giờ.

Thay vì bỏ qua kỳ nghỉ của bạn, hãy lên lịch trước cho nó và tận hưởng những ngày được rời xa công việc. Việc bạn tách mình khỏi công việc sẽ nói cho sếp của bạn biết rằng bạn là người độc lập và biết cân bằng cuộc sống cá nhân với công việc.

2. Nếu tôi làm việc rất chăm chỉ, tôi sẽ được tăng lương

Nghịch lý nơi công sở khiến nhiều người vỡ mộng: Không phải cứ chăm chỉ, nhiệt tình, làm việc cả ngày nghỉ là sẽ được thăng chức, tăng lương - Ảnh 2.

Mọi người thường giải thích kì vọng này bằng hình ảnh "củ cà rốt và cây gậy" – có nghĩa là trong công việc, người ta sẽ sử dụng phần thưởng và hình phạt để làm động lực. Do đó nhiều người mới đi làm đã nhầm tưởng rằng nếu họ chăm chỉ học sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng – tăng lương, còn ngược lại – họ sẽ bị trừ lương.

Tuy nhiên cách để tăng lương không phải là làm việc chăm chỉ hơn mà là làm việc thông minh hơn: Bạn phải tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty. Và trên hết để được tăng lương, bạn cũng cần một cam kết từ chính nhà tuyển dụng rằng nếu bạn vượt qua mục tiêu ban đầu, bạn sẽ nhận được một sự nâng cấp thích hợp.

3. Nếu tôi giúp đỡ người khác, họ sẽ giúp lại tôi

Trong khi về mặt lí thuyết, con người thường cư xử theo nguyên tắc “có đi có lại” thì tại nơi làm việc bạn sẽ sớm nhận thấy rằng “việc làm tốt chưa chắc đã được đền đáp”. Nếu bạn quá tốt, bạn sẽ có nguy cơ trở thành một "bãi rác", nơi mọi người ném những nhiệm vụ khó khăn mà họ không muốn làm vào.

Chúng tôi không khuyên bạn rằng hãy ngừng tử tế với những người xung quanh, nhưng bạn cần phải khôn ngoan và bình tĩnh khi sử dụng lòng tốt của mình, nhất là ở trong môi trường làm việc đầy tính cạnh tranh. Hãy thử đàm phán, thỏa thuận các điều kiện rõ ràng, trước khi bạn giúp đỡ phần việc của người khác.

4. Nếu tôi cởi mở hơn, mọi người sẽ coi trọng tôi hơn

Nghịch lý nơi công sở khiến nhiều người vỡ mộng: Không phải cứ chăm chỉ, nhiệt tình, làm việc cả ngày nghỉ là sẽ được thăng chức, tăng lương - Ảnh 3.

Chỉ vì bạn đã có một chiếc điện thoại trong túi và một máy tính trên bàn làm việc không có nghĩa là bạn phải có nghĩa vụ trở nên dễ dãi hơn trong việc kết giao thêm bạn.

Một trong những chân lý tuyệt vời của marketing là mọi người thường đánh giá cao các nguồn lực khan hiếm hơn là các nguồn lực phổ thông. Vì vậy nếu lúc nào bạn cũng tỏ ra sẵn sàng và niềm nở, người khác sẽ không còn đánh giá cao thời gian cũng như năng lực của bạn.

5. Nếu tôi từ chối một dự án, sếp sẽ không thích tôi

Nghịch lý nơi công sở khiến nhiều người vỡ mộng: Không phải cứ chăm chỉ, nhiệt tình, làm việc cả ngày nghỉ là sẽ được thăng chức, tăng lương - Ảnh 4.

Hãy nhìn xem, ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ của bạn với sếp của bạn không phải tình cảm yêu ghét mà là sự tôn trọng. Nếu bạn nhận thêm dự án mới khi bạn đã chạy hết 100% công suất, sếp của bạn có thể hài lòng nhưng cũng có thể cho rằng bạn là một kẻ ngốc.

Như với tất cả các tình huống cần xem xét khác, hãy cân nhắc “điều gì là tốt nhất cho công ty”? Rõ ràng làm việc quá sức không đem lại hiệu quả cao, vì vậy trước mỗi nhiệm vụ được giao, bạn cũng nên nghĩ đến quyền được từ chối của mình.

6. Nếu tôi nhiệt tình cung cấp thêm thông tin, khách hàng sẽ mua sản phẩm của tôi

Nghịch lý nơi công sở khiến nhiều người vỡ mộng: Không phải cứ chăm chỉ, nhiệt tình, làm việc cả ngày nghỉ là sẽ được thăng chức, tăng lương - Ảnh 5.

Trái với những gì người ta vẫn nói về "nền kinh tế thông tin", thông tin không có giá trị quá cao trong bán hàng. Bởi vì với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, mọi người đều đã có quá nhiều rồi. Và điều duy nhất làm nên khác biệt cho sản phẩm chính là giá trị mà nó mang lại cho khách hàng. Thời điểm thích hợp để cung cấp thông tin là khi khách hàng yêu cầu.

Đây cũng là lí do vì sao có đến 90% tin nhắn, email tiếp thị thường bị chuyển thẳng vào thùng rác. Khách hàng chỉ thực sự quan tâm đến bản thân họ. Vì vậy, nếu bạn không nói về khách hàng mà cứ tiếp tục quảng cáo suông về sản phẩm, những thông tin mà bạn cung cấp sẽ không có ý nghĩa gì cả.

Minh An

INC

Trở lên trên