MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý ở giáo dục ở Việt Nam cách để sinh viên không bị thất nghiệp trong thời đại số

Giáo dục là chủ đề được lặp lại khá nhiều trong Diễn đàn bền vững Việt Nam (VSF) 2018. Nhiều học giả đánh giá rằng chỉ khi giải được bài toán nhân lực, quốc gia mới phát triển hưng thịnh.

Nghịch lý ở Việt Nam

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Uỷ ban Giáo dục và Kỹ năng, OECD cho biết dù không có điều kiện tốt nhưng sinh viên Việt Nam có kết quả học tập không thua sinh viên các nước phát triển, thậm chí là hơn.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra có sự tương quan giữa kinh tế và giáo dục. Cụ thể, xếp hạng Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA thường tỷ lệ thuận với GDP mỗi quốc gia. Theo đó, quốc gia càng sung túc thì xếp hạng càng cao. Dù vậy, Việt Nam luôn là một trường hợp ngoại lệ.

"So sánh sinh viên Việt Nam với Mỹ thì nhiều sinh viên dù xuất phát điểm thấp nhưng kết quả tốt hơn hẳn. Đây là bức tranh tương phản lớn", ông Andreas nói. Chính bởi vậy, ông đề nghị cần nghiên cứu động lực của những sinh viên này nhằm thúc đẩy năng lực trên.

Dù vậy, ông cũng lưu ý, sinh viên mới chỉ giỏi ở bề mặt lý thuyết. Nghĩa là giáo dục ở trường học là không đủ, để hướng đến tương lai việc làm cần nhiều kỹ năng mềm hơn. Đó là kỹ năng phân tích, tổ chức, tận dụng cơ hội, tổng hoà trí thức. "Những kiến thức này hiếm được cung cấp cho sinh viên ngay trên ghế nhà trường", ông nói.

Đơn cử như ở Singapore, bên cạnh những tri thức cơ bản, sinh viên của họ được tương tác nhiều hơn với bên ngoài. Thông qua đó, những người này có lợi thế hơn khi tham gia vào thị trường lao động.

Trường học là không đủ, nếu không muốn bị bỏ lại

Một vấn đề nữa được ông Andreas lưu ý là giáo dục cần thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu trong thời đại số.

Bởi lẽ kinh tế số hoá đang thay đổi hàng ngày, kiến thức cũng theo đó biến đổi một cách nhanh chóng. Người ta không cần những công ty lớn mà cần một ý tưởng vĩ đại, theo ông Andreas. Do vậy, tư duy của sinh viên, thông qua việc giáo dục, cần được cập nhật cụ thể, không thể mang những kiến thức cũ để "hăm hở" bước vào thời đại cách mạng số.

Hiện, sinh viên ở các quốc gia đang phát triển chưa có đủ các kỹ năng đối diện với thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng. "Họ đang bơi trong một bể kiến thức khổng lồ", ông nói và cho biết cần phải học được cách trích xuất những kiến thức cần thiết phục vụ bản thân.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần phải sáng tạo hơn trong học tập, bởi đó là cách duy nhất để có thể làm việc được trong một thế giới mới đầy mong manh, dễ thay đổi.


Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên