MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý thừa thịt lợn nhưng không thể xuất khẩu

22-10-2017 - 05:39 AM | Thị trường

Xuất khẩu thịt lợn là lời giải cho bài toán đầu ra thị trường chăn nuôi lợn hiện nay của Việt Nam, nhất là sau đợt khủng hoảng thừa thịt lợn kéo dài từ đầu năm 2017 đến nay. Nhiều doanh nghiệp cho biết, sẵn sàng đưa thịt lợn ra thị trường quốc tế nhưng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm, và đây mới là vấn đề then chốt.

Nuôi lợn vẫn hụt hơi vì thua lỗ

Xuất khẩu thịt lợn đã được đề cập đến từ khá lâu, như chìa khóa mở ra hướng phát triển cho ngành chăn nuôi lợn vốn có thế mạnh của Việt Nam. Tuy vậy đến nay, ngoài việc hàng năm xuất khẩu tiểu ngạch bập bõm qua Trung Quốc thì lợn Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận thị trường quốc tế bởi tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).

Ông Nguyễn Văn Thanh, HTX chăn nuôi Hòa Mỹ - Vạn Thái - Ứng Hòa cho biết, trong cơn khủng hoảng thừa thịt lợn vừa qua, quy mô HTX không thể giảm mà còn phải tăng do cõng thêm phần các trang trại chăn nuôi nhỏ không còn khả năng sản xuất, bao nhiêu lợn thịt, lợn nái “dồn” trả lại HTX. Hiện quy mô HTX đã lên tới 3.000 lợn nái trong khi cùng kỳ năm trước là 2.600 con, quy mô lợn thịt cũng tăng từ 16.000 con lên 22.000 con.

Với giá lợn hơi ở mức 26.000 đồng/kg xuất tại trại, HTX vẫn lỗ nặng. Trong khó khăn, HTX phải tự vận động, tìm đường xuất khẩu sang Lào và Campuchia. Con đường này gian nan nhưng HTX phải xuất dưới hình thức lợn choai, kèm thức ăn chăn nuôi, lo vật tư… đến kỳ xuất chuồng bán tại nước sở tại. Với cách này, HTX vẫn bán được với giá 42.000 đồng/kg, thoát lỗ nhưng cũng mới chỉ mở được 20% lượng lợn tồn đọng, còn 80% vẫn phải nhờ tới thị trường trong nước.

Việt Nam đang dư thừa thịt lợn nhưng chưa thể xuất khẩu

Việt Nam đang dư thừa thịt lợn nhưng chưa thể xuất khẩu

Tương tự, ông Hà Văn Minh, chủ trang trại lợn ở huyện Ý Yên (Nam Định) cho hay: Gia đình đang có đàn lợn trên 100 con sắp đến kỳ xuất chuồng nhưng giá lợn vẫn ở mức thấp quá khoảng 27.000 đồng-29.000 đồng/kg. Giá lợn giống tại địa phương đã giảm xuống còn 300.000 đồng - 400.000 đồng/con nhưng không có người mua nên gia đình đã phải bán tống, bán tháo hơn 70% đàn nái. “Sau hơn 1 năm cầm cự hiện giờ gia đình tôi đang nợ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mà chưa biết lấy đâu ra mà trả. Trong làng có đến 70% hộ nuôi lợn phá sản, treo chuồng”, ông Minh cho biết.

Thừa thịt lợn nhưng không thể xuất khẩu

Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 20-10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, những năm gần đây, ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam liên tục phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm. Số liệu thống kê đến 1-4-2017 cho thấy, cả nước có khoảng 28,9 triệu con lợn, sản lượng thịt hơi đạt 2,2 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện nay, cả nước có 910 cơ sở giết mổ tập trung (gồm 611 cơ sở giết mổ gia súc, 130 cơ sở giết mổ gia cầm và 76 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm) nhưng hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không có hệ thống bảo quản mát, pha lọc, cấp đông và kho bảo quản lạnh sản phẩm (chỉ phục vụ giết mổ để bán thịt nóng trên thị trường nội địa).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc hướng đến xuất khẩu là hướng đi để phát triển chăn nuôi một cách bền vững. “Nếu hô hào giảm giá, kêu gọi lòng trắc ẩn của mọi người cũng chỉ giải quyết được vài chục ngàn con lợn, không thấm vào đâu so với hàng triệu con nằm ở các trang trại.

Biện pháp cấp bách hiện nay phải là xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Thị trường đó có thể là các nước gần chúng ta như Philippines, Myanmar... Riêng Philippines năm nào cũng phải nhập khẩu thịt lợn bổ sung”, ông Trần Thanh Nam nhận định. Tuy vậy, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế.

Đại diện Cục Thú y cũng cho rằng, hiện có không ít thị trường đang có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe. Ví dụ đối với thị trường Hàn Quốc, năm 2016 nước này phải nhập khẩu các sản phẩm thịt với tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ USD.

Đối với thịt lợn, nước này yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng (LMLM) và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên Việt Nam chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn.…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, chăn nuôi lợn hiện là lĩnh vực yếu kém nhất trong ngành nông nghiệp, từ triển khai tổ chức sản xuất cho đến chế biến. Cả nước có gần 1.000 lò mổ nhưng rất thiếu chuyên nghiệp, vẫn chủ yếu mổ thủ công, ăn thịt tươi. Về xuất khẩu, 1 năm chỉ bán được 20.000 tấn lợn sữa, rõ ràng khâu tổ chức chế biến và tổ chức thị trường đều chưa tốt.

“Để ngành này phát triển bền vững, hiệu quả, buộc phải khẩn trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói riêng, nuôi lợn nói chung”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Theo Bộ trưởng, chăn nuôi lợn theo chuỗi mặc dù khó, nhưng chắc chắn với điều kiện hiện nay sẽ làm được. Điều quan trọng là hành động thế nào? Phải có sự vào cuộc đồng hành của 3 cấp: Chính phủ; Bộ, ngành; địa phương.

Theo Chi Linh

Công an nhân dân

Trở lên trên