MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý tiền mặt và thanh toán số: Vì sao nhiều quốc gia lớn phải ban hành luật cấm doanh nghiệp từ chối tiền mặt?

Nghịch lý tiền mặt và thanh toán số: Vì sao nhiều quốc gia lớn phải ban hành luật cấm doanh nghiệp từ chối tiền mặt?

Khi các hình thức thanh toán trực tuyến ngày càng thịnh hành, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, nhiều quốc gia đã phải áp dụng quy định cấm các doanh nghiệp từ chối tiền mặt, nhằm "thu hẹp khoảng cách tiếp cận các thiết bị thanh toán điện tử" cho người dân.

Hàng loạt bang tại Hoa Kỳ cấm doanh nghiệp từ chối tiền mặt

Năm ngoái, làn sóng đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt hồi tháng 4/2020, doanh số bán lẻ giảm mạnh 16,4%. Để đối phó với tình hình này, hàng loạt nhà bán lẻ quốc gia này đã áp dụng mô hình trực tuyến. Xu hướng này đã thúc đẩy tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng thanh toán trước ngày càng tăng nhanh.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng gặp một số thách thức nhất định. Cụ thể là ngày càng nhiều bang và thành phố đã áp dụng luật yêu cầu các nhà bán lẻ chấp nhận thanh toán tiền mặt đối với một số giao dịch nhất định. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, luật liên bang không yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán tiền mặt hoặc tiền xu với một số giao dịch cụ thể.

Các nhà bán lẻ có thể áp dụng phương thức thanh toán không giới hạn đối với thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay các hình thức khác như qua Square, Venmo, PayPal hoặc ApplePay, trừ khi bị giới hạn bởi luật bang hoặc luật địa phương.

Trước những lo ngại về việc các doanh nghiệp áp dụng giao dịch không tiền mặt quá nhiều sẽ gây bất lợi cho nhóm người không có khả năng tiếp cận với hệ thống ngân hàng số, một phong trào bảo vệ khả năng thanh toán tiền mặt đang nổi lên tại đây.

Trước năm 2019, trừ tiểu bang Massachusetts, không một thành phố nào cấm các doanh nghiệp từ chối tiền mặt. Tuy nhiên, đến nay, ít nhất 21 thành phố và tiểu bang đã áp dụng, hoặc đang xem xét lệnh cấm doanh nghiệp từ chối giao dịch không dùng tiền mặt. 

Các tiểu bang như Massachusetts, Rhode Island và New Jersey đã ban hành lệnh cấm và ít nhất 10 bang có khả năng sẽ làm tương tự. Berkeley, Philadelphia và San Francisco cũng cấm các nhà bán lẻ từ chối tiền mặt; lệnh cấm của thành phố New York có hiệu lực vào ngày 21/11/2020. Trước đó, vào ngày 1/4/2020, Bộ trưởng Tư pháp bang Massachusetts, bà Maura Healey đã cảnh báo các doanh nghiệp bang này rằng việc các nhà bán lẻ từ chối nhận tiền mặt vẫn là bất hợp pháp.

Trung Quốc sẽ trừng phạt doanh nghiệp từ chối tiền mặt

Cuối năm 2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ kêu gọi chấp nhận tiền mặt trong các hoạt động kinh tế. Đáng chú ý, PBOC còn cảnh báo sẽ trừng phạt những ai từ chối thanh toán bằng tiền mặt.

Tương tự như Hoa Kỳ, động thái này nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận các thiết bị thanh toán điện tử tại Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Trước đó, Chính phủ nước này đã áp dụng chính sách khuyến khích thanh toán trực tuyến thông qua mã vạch hoặc thông qua các ứng dụng thanh toán trung gian như Alipay và Tenpay.

Ngoài ra, PBOC cũng thông tin sẽ điều tra và trừng phạt các doanh nghiệp cũng như cá nhân từ chối nhận tiền mặt, hoặc có những biện pháp phân biệt đối xử đối với thanh toán tiền mặt. Trên thực tế, người cao tuổi là những người bị xu hướng thay đổi này bỏ lại. Một số họ ngày càng gặp nhiều khó khăn để thích ứng với công nghệ mới. Do vậy, PBOC kêu gọi tất cả tổ chức và cá nhân không được phân biệt đối xử hoặc gây khó dễ đối với thanh toán tiền mặt, tạo ra "khoảng cách số hóa".

Việt Nam xem xét áp dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt với tất cả các giao dịch?

Mới đây, Cục Thuế TP. HCM đã công văn kiến nghị Chính phủ xem xét các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Hiện tại, Luật thuế giá trị gia tăng quy định, các giao dịch mua bán hàng hóa giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ và đưa vào chi phí.

Tuy nhiên, khi các phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán ngày càng phổ biến, Cục Thuế TP. HCM cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quy định này cũng sẽ góp phần tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên