Ngoài dao, đây là những vật dụng không được mang lên máy bay: Có cả loại quả quen thuộc
Bên cạnh những vật dụng bị cấm hoàn toàn, có loại quả khi mang lên máy bay sẽ bị nhắc nhở hoặc giữ lại ở cửa an ninh vì "nặng" mùi.
- 04-07-2022“Trend” săn mây trên máy bay: Mãn nhãn nhưng cực nguy hiểm, tiếp viên hàng không cảnh báo
- 18-05-2022Những bí mật "đáng sợ" trên máy bay mà các tiếp viên hàng không không tiết lộ cho hành khách
- 20-04-2022Đi máy bay đừng ăn những món này nếu không muốn bụng dạ 'biểu tình': Chuyên gia khuyến cáo
Mới đây, bức ảnh hành khách mang theo dao nhọn lên máy bay để gọt hoa quả nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Cụ thể, đây là sự việc xảy ra trên chuyến bay VN208 từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM đến sân bay Nội Bài, Hà Nội vào sáng ngày 18/7.
Theo thông tin trên VnExpress, sau khi phát hiện hành khách có mang theo dao lên máy bay, tiếp viên đã lập biên bản và thu giữ vật dụng này ngay lập tức. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã yêu cầu rà soát toàn bộ quy trình kiểm soát an ninh với chuyến bay trên.
Hình ảnh hành khách mang dao lên máy bay để gọt hoa quả nhận được nhiều sự chú ý. (Ảnh: Diễn đàn Hàng không)
Những thứ hành khách mang theo lên máy bay được gọi là hành lý xách tay.
Theo quy định, các loại dao lam, dao rọc giấy, giao có lưỡi (không bao gồm cán dao) dài trên 6cm hoặc tổng chiều dài cán và lưỡi trên 10cm đều không được phép theo trong loại hành lý này. Danh sách bị cấm hoặc hạn chế cũng bao gồm những vật khác như đồ có cồn, chất dễ gây cháy, nổ, đe dọa sự an toàn trên máy bay hay còn cả loại quả quen thuộc: sầu riêng.
Nếu hành khách vi phạm những quy định về hành lý xách tay, có thể bị lập biên bản và xử phạt hành chính từ 7 - 10 triệu đồng.
Những vật dụng bị cấm, hạn chế mang lên máy bay
Vật dụng có khả năng sát thương
Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, hạn chế tối đa rủi ro xảy ra thương vong, mọi hãng hàng không trên thế giới đều cấm hành khách mang theo những vật dụng có khả năng sát thương lên máy bay.
Các vật dụng này có thể kể tới như dụng cụ lao động: búa, cờ lê, mỏ lết, kìm chiều dài trên 10cm; các loại cưa, lưỡi cưa bao gồm cả cưa bằng tay. Hay các đồ vật, dụng cụ đầu tù như gây bóng chày, gậy đánh golf, gậy bi-a; các loại dùi cui...
Các vật dụng có khả năng gây sát thương từ dao, kéo, dụng cụ lao động cho đến dụng cụ thể thao đều bị cấm mang lên máy bay. (Ảnh: Japan.net)
Chân máy ảnh, camera, cán ô có đầu nhọn bịt kim loại cũng được liệt vào danh sách hành lý cấm.
Một số hãng hàng không có dịch vụ vận chuyển dụng cụ thể thao riêng. Nếu hành khách vẫn muốn mang theo, hãy liên hệ nhân viên sân bay hoặc nhân viên hãng để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất.
Đồ vật, chất gây cháy, nổ
Bên cạnh các vật dụng sắc nhọn, có khả năng gây thương vong, các hãng hàng không trên thế giới cũng tuyệt đối cấm các đồ vật, chất gây cháy nổ trên máy bay.
Đó là mìn, đạn, thiết bị nổ quân dụng khác; các loại pháo hoa, pháo bông, pháo sáng, pháo nổ, pháo hiệu, thuốc pháo; các loại xăng, dầu, nhiên liệu nạp cho bật lửa, diêm không an toàn...
Các đồ vật, chất gây cháy nổ cũng tuyệt đối bị cấm. (Ảnh minh họa)
Vũ khí và những vật dễ bị nhầm lẫn là vũ khí
Các loại súng bao gồm cả súng cao su, súng laze; các loại dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu được coi là vũ khí và cũng bị cấm mang lên máy bay.
Ngoài các vũ khí thật kể trên, các vật dụng có hình dáng giống, dễ bị nhầm lẫn là vũ khí như đồ chơi, mô hình cũng sẽ bị kiểm tra ở cửa an ninh và tỉ lệ bị giữ lại là khá cao.
Hóa mĩ phẩm và đồ có cồn
Về cơ bản, các đồ dùng hóa mĩ phẩm rất ít khả năng gây nguy hiểm, mất an toàn cho chuyến bay. Tuy nhiên, chúng sẽ bị giới hạn số lượng mang lên máy bay theo đường xách tay vì một lý do khác. Đó là để hạn chế việc mua bán hàng hóa trốn thuế, đặc biệt là trong những chuyến bay quốc tế.
Hóa mĩ phẩm có thể mang lên máy bay nhưng sẽ bị giới hạn số lượng. (Ảnh minh họa)
Còn đối với đồ có cồn, tùy theo nồng độ mà sẽ bị cấm hoặc hạn chế số lượng.
Đối với chất lỏng, rượu có độ cồn dưới 24%, hành khách có thể mang theo dưới dạng đóng chai, không giới hạn. Với rượu, chất lỏng có nồng độ từ 24 - 70%, giới hạn tối đa 5 lít/người, phải được đựng trong bình chứa của nhà sản xuất, còn nguyên niêm phong và nhãn mác.
Còn với nồng độ cồn trên 70% thì tuyệt đối không được mang lên máy bay.
Chất lỏng có nồng độ cồn dưới 24% là an toàn để mang lên máy bay, còn trên 70% thì không được phép. (Ảnh minh họa)
Thực phẩm nặng mùi
Trên thực tế, việc mang thực phẩm có mùi lên máy bay không bị cấm hoàn toàn, tuy nhiên nó sẽ bị hạn chế và nhắc nhở bởi những nhân viên tại sân bay. Chúng có thể là hải sản khô, nước mắm, thức ăn hỏng bốc mùi hay sầu riêng...
Mùi hương có phần "nặng" và nồng của những loại thực phẩm này vô tình có thể sẽ gây ảnh hưởng tới những hành khách khác và không khí của cả chuyến bay.
Sầu riêng là một trong những loại quả "nặng" mùi bị hạn chế khi mang lên máy bay. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, tốt hơn hết bạn hãy gửi các loại hành lý này theo dạng ký gửi để tránh xảy ra những bất tiện không đáng có. Nếu vẫn muốn mang lên máy bay, hãy đảm bảo đóng gói thật kỹ càng để "khóa" chặt mùi hương của chúng.
Ngoài ra, hành lý xách tay của mỗi hành khách tùy theo hãng hàng không mà sẽ có định lượng khác nhau. Thông thường phổ thông nhất sẽ là từ 7 - 10kg. Bạn và gia đình nên cân nhắc thật kỹ, cân hành lý xách tay trước khi lên máy bay. Bởi nếu vượt quá số cân quy định này, bạn sẽ bị phạt một số tiền ngay tại sân bay đấy!
Trí thức trẻ