MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài mức cước đắt đỏ bậc nhất thế giới, văn hóa taxi tại Nhật Bản còn là "ẩn số" với rất nhiều người

28-04-2018 - 11:35 AM | Sống

Nghề tài xế taxi là một nghề có thu nhập tương đối khá ở Nhật Bản và ấn tượng hơn, trên 50% số tài xế taxi ở quốc gia này đã trên 60 tuổi.

Nhật Bản là quốc gia có cước phí taxi đắt nhất tại châu Á. Giá taxi tại các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto, Nagoya, Hiroshima hay Nagasaki tương đối đồng đều, khoảng từ 500 đến 600 yen cho một cây số (tương đương khoảng 105 - 115 nghìn đồng Việt Nam/cây số đầu tiên, các cây số sau có giảm hơn một chút, khoảng 450 - 500 yen, tương đương 95 - 105 nghìn đồng Việt Nam), gần gấp 2 lần tại New Zealand và gấp 7 lần so với New Delhi, Ấn Độ.

Ở các vùng quê, giá taxi có thể lên đến 650 hoặc 700 yen, tức khoảng 140.000 đồng/cây số. Thế nhưng, chất lượng dịch vụ mà khách đi taxi được hưởng có thể nói là xứng đáng.

Ngoài mức cước đắt đỏ bậc nhất thế giới, văn hóa taxi tại Nhật Bản còn là ẩn số với rất nhiều người - Ảnh 1.

Nhật Bản là quốc gia có cước phí taxi đắt đỏ nhất châu Á.

Văn hóa mẫu mực của giới tài xế

Ưu điểm của taxi ở Nhật là thái độ phục vụ khách. Tài xế ở đây thường mặc áo sơ mi trắng hoặc xanh dương, sơ vin phẳng phiu, tay đeo găng; luôn tỏ thái độ lịch sự như cúi chào, vận chuyển hành lý giúp khách, không cầm tiền trực tiếp mà sử dụng khay đựng tiền.

Ở Nhật, tài xế là người hỏi khách lộ trình đi và tính nhẩm số tiền cước đi xe. Họ sẽ khuyên khách đi tàu điện ngầm cho tiết kiệm nếu cần thiết. Trong nhiều trường hợp, họ không đi đường dài mà chở khách đến ga tàu điện ngầm, hướng dẫn khách vào quầy hỏi thông tin để di chuyển bằng phương tiện này thay vì đi taxi.

Ngoài mức cước đắt đỏ bậc nhất thế giới, văn hóa taxi tại Nhật Bản còn là ẩn số với rất nhiều người - Ảnh 2.

Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, giới tài xế taxi ở Nhật Bản cũng khiến người khác phải ngưỡng mộ.

Khi màn hình tính cước hiển thị số tiền chẵn, chẳng hạn như 1.000 - 2.000 yên, tài xế sẽ tự ngắt đồng hồ để không tính thêm tiền, dù vẫn còn khoảng hơn một trăm mét mới đến nơi. Phần lớn khách đi taxi thường bỏ qua tiền thừa nếu số tiền nhỏ, hoặc lái xe cố tình lờ đi để không phải trả lại khách. Chuyện này sẽ không bao giờ có ở Nhật, khi tài xế nhất định trả lại tiền thừa cho khách bằng mọi cách.

Tuy nhiên, người Nhật rất nguyên tắc và tuân thủ luật pháp trong việc chở khách bằng taxi. Không ai có thể thuyết phục được tài xế chở quá số người theo quy định. Nếu đã đủ 4 người trên một xe, người còn lại sẽ phải đi xe khác.

Điểm độc đáo ở nghề tài xế taxi tại Nhật Bản

Từ lâu, nghề tài xế taxi đã mặc định được dành cho đàn ông, tất nhiên, cũng có nhiều "đả nữ" sẵn sàng dấn thân vào công việc vất vả và có phần nguy hiểm khi phải làm việc đêm khuya này. Tuy nhiên, hiếm có nơi nào trên thế giới như ở Nhật Bản, khi đại đa số tài xế taxi lại là… người già.

Phóng viên Sophie Knight của báo The Guardian (Anh) kể lại trải nghiệm bất ngờ khi chứng kiến nhiều người cao tuổi Nhật làm tài xế taxi. Một trong số họ từng thách cô đoán tuổi. Sophie ước chừng người này khoảng 64 tuổi, nhưng cô đã giật mình khi nghe tài xế tiết lộ: "Tôi 82 tuổi rồi đấy!".

Trong 35 năm qua, độ tuổi trung bình của các tài xế taxi tại Tokyo tăng từ 39,2 tuổi lên 57,9 tuổi và dự kiến còn tiếp tục già hóa. Năm 1978, độ tuổi tài xế taxi trung bình là 53 tuổi; Số lượng tài xế taxi từ 60 trở lên chỉ chiếm 12%. Nhưng đến năm 2011, số lượng tài xế trên 60 tuổi đã tăng tới 51,6%.

Ngoài mức cước đắt đỏ bậc nhất thế giới, văn hóa taxi tại Nhật Bản còn là ẩn số với rất nhiều người - Ảnh 3.

Số tài xế taxi ngoài 60 tuổi đã chiếm hơn 50% tổng số lượng tài xế taxi trên khắp nước Nhật.

Thống kê mới nhất, độ tuổi tài xế taxi trung bình tính trong năm 2016 là 58 tuổi. Nhà báo Kuchikomi của hãng tin Japan Today ghi nhận thực tế rất ít người trẻ muốn làm nghề lái taxi. Theo nguồn tin giấu tên từ một công ty taxi Nhật, "khi tuyển dụng tài xế taxi, số ứng viên trẻ nộp đơn rất ít".

Và cũng có một lý do rất thú vị để lý giải cho việc này, đó là "lòng yêu nghề". Khảo sát năm 2011 do Trung tâm Taxi Tokyo thực hiện đối với 2.594 tài xế taxi mới vào nghề tại Tokyo cho thấy, sức hút lớn nhất để những người làm nghề taxi nói chung và tài xế taxi cao tuổi nói riêng chọn nghề này là vì họ thích được "cầm vô lăng ô tô".

Ngoài ra, lý do khách quan chủ yếu có lẽ là vì bản thân nước Nhật đang đối mặt tình trạng sụt giảm và già hóa dân số. Dự tính, đến năm 2055, số lượng dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng tới 40%. Tuy nhiên, Nhật không muốn mở cửa cho dân nhập cư để trẻ hóa lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Nhật muốn tận dụng chính những công dân còn khả năng làm việc. Ngoài ra, trong bối cảnh giá cả thị trường tăng cao, rất nhiều người cao tuổi về hưu muốn đi làm thêm để trang trải chi phí cuộc sống.

Hiện nay, khi xu hướng đặt xe qua ứng dụng gọi điện thoại Uber ngày càng phổ biến, những người già tại Nhật càng có điều kiện hơn để tham gia làm tài xế taxi.

Cũng vì đặc điểm này mà dù có rất nhiều ưu điểm, "cánh" tài xế taxi ở Nhật Bản cũng có hai nhược điểm. Đó là khả năng ngoại ngữ không tốt và cũng không thực sự rành đường. Rất nhiều trường hợp khi đến nơi tôi mới biết địa điểm tôi cần đến chỉ cách nơi tài xế đỗ xe khoảng 1-2 km mà tài xế đi lòng vòng mãi không đến hoặc phải gọi lên tổng đài hỏi rất lâu mới ra được đường. Tuy nhiên, ngay cả trong việc này người Nhật cũng bộc lộ bản chất tuyệt vời. Khi phát hiện đi nhầm đường, tài xế lập tức sẽ chỉnh lại đồng hồ tính cước về 0 hoặc giảm đi rất nhiều để khách không chịu thiệt.

Tổng hợp từ nhiều nguồn.

Theo ANH VŨ SPIDERUM

Helino

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên