MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoại trừ Vingroup, đa số các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đều sụt giảm doanh thu

08-03-2020 - 10:23 AM | Bất động sản

Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), ngoại trừ Vingroup đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 07% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Theo HoREA, đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Ngoại trừ Vingroup đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 07% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Điều đáng quan ngại là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; có 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng; riêng 2 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.

Hiệp hội nhận thấy hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp. Nhưng, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lý nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…), hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

Về nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta năm 2019 đạt trên 38 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua, trong đó, thị trường bất động sản cả nước chỉ thu hút được 3,88 tỷ USD. Tuy vẫn đứng thứ hai, nhưng giá trị lại giảm gần một nửa so với năm 2018 và chỉ còn chiếm tỷ lệ 10,4% vốn đầu tư đăng ký. Theo HoREA, riêng Tp.HCM đã thu hút nguồn vốn FDI được 8,3 tỷ USD, trong đó, có 2,06 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đứng thứ hai, chiếm 16,4%, tăng gần gấp đôi so với năm 2018.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản ngày 22/2/2020, Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã nhận định: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ. Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách”.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ với ngành gỗ: “Trong thời công nghệ số, không phải công ty lớn thắng bé, mà là công ty hành động nhanh sẽ thắng chậm”

The Phương Nga

Trí thức trẻ

Trở lên trên