Ngọc Mỹ và hành trình thoát khỏi cái mác "ái nữ nhà Alphanam": Bố tôi không bao giờ nói con cứ làm những gì mình thấy thoải mái
Thoát ra khỏi danh xưng “ái nữ tập đoàn Alphanam”, những “chiến tích” CEO Nguyễn Ngọc Mỹ đã đạt được là điều tất cả không thể phủ nhận.
- 11-02-2022Muốn tự do tài chính và nghỉ hưu sớm thì việc đầu tiên trong năm 2022 bạn cần làm là tiết kiệm
- 11-02-2022Cách kiếm tiền và chi tiêu cho đồ hiệu của triệu phú màn ảnh Hàn Son Ye Jin
- 11-02-20223 kỹ năng của người giàu có giúp bạn tích lũy tài sản ngay từ bây giờ, cuộc sống hạnh phúc và sung túc gần ngay trước mắt
Nghe qua về câu chuyện cũng như hành trình vươn tới thành công của Nguyễn Ngọc Mỹ - CEO CTCP Địa ốc Alphanam, chắc hẳn người ta chẳng biết nói gì hơn 2 chữ “thán phục”. Thoát ra khỏi danh xưng “ái nữ tập đoàn Alphanam” , những “chiến tích” nữ CEO sinh năm 1991 này đã đạt được là điều tất cả không thể phủ nhận.
Năm 2005, sau khi hoàn thành chương trình cấp 2, Ngọc Mỹ sang Mỹ du học.
Năm 2011, cô trở thành người đồng sáng lập của Công ty tư vấn thiết kế SDesign
Năm 2015, Ngọc Mỹ về nước kế thừa sự nghiệp kinh doanh tại Alphanam Group và trở thành TGĐ Công ty CP Địa ốc Foodinco.
Năm 2017, cô nằm trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Việt Nam do tạp chí Forbes Vietnam bình chọn.
Năm 2018, Ngọc Mỹ được chọn là một trong những người có tầm ảnh hưởng của du lịch Việt Nam bởi tạp chí Timeout.
Năm 2021, Ngọc Mỹ là người trẻ nhất được xướng tên tại Lễ trao tặng Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông Hồng Vàng”.
Bước sang tuổi 30 - tức lứa tuổi bản lề mà nhiều người vẫn gọi, người ta thấy được ở Ngọc Mỹ độ “chín muồi”, chững chạc mà vẫn năng động. Tuy nhiên, bản thân Mỹ lại cho rằng mình vẫn còn đang trên lộ trình phát triển, giống như bao người khác.
“Lộ trình phát triển và trưởng thành của bất kì ai cũng trải qua nhiều giai đoạn. Tôi không quá khác biệt so với mọi người. Ở vị trí của tôi, rất nhiều người đặt cho tôi những gán mác. Chính bởi vậy, hành trình của tôi không phải là đi tìm chính mình mà phải luôn luôn biết được mình là ai”, Ngọc Mỹ chia sẻ.
Không chỉ là Nguyễn Ngọc Mỹ của Alphanam hay Sylvia Nguyen trên bàn đàm phán với các đối tác quốc tế, với Ngọc Mỹ, dù mang cái tên nào, gắn với danh xưng nào, giữ chức vụ nào thì điều quan trọng nhất phải là những giá trị mình đem lại luôn đồng đều, kiên định.
Về cơ bản, ai cũng có những áp lực của riêng mình, kể cả là người những tưởng đã có mọi thứ trong tay như Ngọc Mỹ. Vấn đề được đặt ra là đứng trước áp lực xã hội, cuộc sống và những người xung quanh đè nặng lên người, lựa chọn của chúng ta ra sao. Với Ngọc Mỹ, đáp án của cô là im lặng làm những việc mình phải làm, quyết không để những danh xưng hay những chiếc “mác” ảnh hưởng đến mình.
Bỏ qua trăn trở, Ngọc Mỹ cho rằng câu chuyện tìm thấy mình là ai sẽ đóng vai trò then chốt, còn các thứ khác như công thức, kỹ năng, lý thuyết… chỉ là những gì bề ngoài mà thôi.
“Câu hỏi ‘Bạn là ai?’ là một câu hỏi không có tuổi. Ngày hôm nay mãi mãi là ngày mình trẻ nhất. Chúng ta đừng đợi để hỏi ‘Mình là ai?’, cũng đừng đợi một độ tuổi để hỏi câu đó mà hãy hỏi hàng ngày. Mỗi ngày hãy viết ra một sứ mệnh, một tầm nhìn mới cho mình. Mỗi ngày điểm lại mình là ai, và mỗi ngày mình là một con người mới. Có như thế, chúng ta mới sống mà không lãng phí phút giây nào”, nữ CEO nói.
Một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến Ngọc Mỹ không nghi ngờ chính là bố cô - ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam. Rất nhiều những bước ngoặt trong cuộc đời Ngọc Mỹ đều có “can thiệp” của phụ huynh, chẳng hạn như việc cho cô đi du học ở một ngôi trường Thiên chúa giáo với các quy định nghiêm ngặt khi cô mới 14 tuổi hay khuyên răn cô với những câu nói như: “Dù con làm gì, ở đâu thì cũng phải làm lãnh đạo”, “Con phải làm thế nào để vẫn chơi được với bạn không thích mình mới giỏi”...
Nhưng sau tất cả, đó chỉ là những cách thức giúp Ngọc Mỹ cứng cáp, mạnh mẽ và đủ khả năng gánh những trọng trách lớn hơn trên vai. Vẫn sẽ có những lúc bố của nữ CEO căn dặn cô bằng câu từ mềm mỏng mà truyền cảm hứng hơn. Bố của Ngọc Mỹ sẽ không bao giờ nói thẳng “Con cứ làm những gì con thấy thoải mái”, thay vào đó ông sẽ cổ vũ cô cứ là chính mình. Bởi khi đó, những thứ xung quanh sẽ tự phải điều chỉnh theo cô.
Đương nhiên, cũng sẽ có thời điểm thứ Ngọc Mỹ làm không được đồng thuận. Đơn cử như quá trình Ngọc Mỹ tham gia Quỹ học bổng Vietseeds, người ta cho rằng Ngọc Mỹ nên tập trung làm việc trước rồi mới cho đi. Ngọc Mỹ lại nghĩ ngược lại.
“Tôi nghĩ là tiền chỉ là một yếu tố rất nhỏ. Cái tôi cho được xã hội không chỉ là tiền mà còn là thời gian, trí tuệ, sự đồng cảm của bản thân với các bạn sinh viên. Thứ tôi luôn mong muốn tìm kiếm là một tiếng nói chung”, cô tâm sự.
Để kiên trì trên hành trình biết mình là ai và tìm tiếng nói chung ấy, đã có lúc Ngọc Mỹ rất… đơn độc. Đáng chú ý là cái đơn độc ở đây lại do Ngọc Mỹ tự lựa chọn. Cô thừa nhận dù lúc nào cũng trong trạng thái ngập lụt việc nhưng khoảng thời gian 5-6 năm trước, Ngọc Mỹ thường làm mọi thứ một mình, tức là hơi cô lập bản thân.
Nữ CEO trẻ tuổi khi ấy luôn ôm quan niệm rằng mình phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn, phải thu mình lại để có thêm nhiều kiến thức trước rồi mới ra ngoài va chạm được. Nhưng đến thời điểm hiện tại, câu chuyện đã khác đi rất nhiều.
“Ngọc Mỹ của hôm nay và Ngọc Mỹ của 5 năm trước khác nhau nhiều nhất có lẽ ở sự cởi mở. Giờ đây, mình biết được rằng cuộc sống là cần phải chia sẻ nhiều hơn, cả về những khó khăn và những gì mình chưa biết. Và vấn đề sinh ra là để tất cả giải quyết cùng nhau chứ không phải mình mình ngồi đó rồi cố gắng giải quyết một mình.
Câu chuyện cởi mở là hướng đi 2 chiều. Những lúc mình cảm thấy chưa sẵn sàng nhưng thực ra thì cứ cho đi chỉ một chút thôi thì cũng sẽ có người cho lại mình. Và ngược lại, đến khi mình mạnh mẽ hơn, mình sẽ tiếp tục truyền năng lượng đó cho người khác”, cô tâm đắc.
Pháp luật và bạn đọc