Ngơi chiến trường, lên "chứng trường": Ai mua "cổ" Iraq?
Ẩn mình sau những bức tường chống bom ở khu vực thượng lưu thành Baghdad, chứng khoán Iraq dường như miễn nhiễm trước những chao đảo trên thị trường quốc tế.
- 14-04-2018Ông Trump không kích Syria sau phiên giao dịch cuối tuần
- 24-03-2018"Công, tội" của Tổng thống Trump với thị trường chứng khoán Mỹ
- 07-04-2017Con rể Tổng thống Trump "gây sốt" với bức ảnh chụp tại Iraq
Cổ phiếu của các công ty được niêm yết trên thị trường cận biên này nằm trong nhóm tăng trưởng tốt nhất thể giới trong Quý I năm nay khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi kinh tế sau khi đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Cuộc chiến kéo dài 3 năm đã phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng Iraq, đẩy nhiều ngành kinh doanh vào tình thế khó khăn.
Trong khi chính phủ bắt tay tái thiết đất nước nhờ tiền viện trợ và vốn nước ngoài, nhà đầu tư đẩy mạnh thu mua cổ phiếu Iraq – từ ngân hàng, công nghiệp, đến viễn thông và khách sạn.
Chỉ số ISX của thị trường chứng khoán Iraq năm nay đã tăng khoảng 10%, dẫn đầu nhóm các thị trường cận biên với mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 0,6%, và nằm trong nhóm 10 thị trường tốt nhất toàn cầu. "Cổ" Iraq vẫn "lên" dù các thị trường khác chao đảo vì lo ngại đã "lên" bao năm nay tất sắp "xuống".
Phải nói là "cổ" Iraq không hưởng lợi từ đợt tăng giá mấy năm qua, thậm chí còn mất khoảng 60% giá trị thị trường trong suốt ba năm qua kể từ khi quân đội IS chiếm đóng 1/3 nước này năm 2014. Cùng lúc đó, nguồn thu lớn nhất của chính phủ Iraq là dầu thô cũng tụt dốc thê thảm.
Grant Felgenhauer, Giám đốc công ty Euphrates Advisors, đơn vị quản lý Quỹ Euprates Iraq, nhận định: "Hiện tại, Iraq giống với những thị trường sơ khai khác – như nước Nga hậu Xô-viết – với điểm chung là sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư". Cũng theo ông Felgenhauer, quỹ này đã đầu tư 130 triệu đô la Mỹ vào thị trường chứng khoán I-rắc và đã lãi 31% trong Quý I năm 2018.
"Cổ phiếu rẻ, cổ đông ngoại ít, chính trị hay bị hiểu lầm, và tiền thu từ dầu mỏ thì sắp tràn vào một thị trường vẫn còn quá nhỏ bé. Đây là "thiên thời"." – ông Felgenhauer nói.
Với vốn hóa thị trường khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, thị trường I-rắc vẫn tương đối nhỏ so với các thị trường cận biên tương tự như Argentina hay Việt Nam, ngay cả khi so sánh với các thị trường trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Kuwait. Chỉ có hơn 100 công ty niêm yết, làm khối lượng giao dịch mỗi ngày chỉ đạt mức 1-2 triệu đô la Mỹ.
Khi an ninh ở Iraq cải thiện và giá dầu ổn định ở mức tương đối cao, nhà đầu tư bắt đầu chú trọng hơn vào nền kinh tế trong nước.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Iraq sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2018, sau khi đã sụt giảm trong năm ngoái. Dự báo tăng trưởng này dựa trên hàng chục tỷ đô la Mỹ mà Iraq nhận được từ các nước đồng minh đã cam kết viện trợ cho quá trình tái thiết và phát triển của nước này. Ngân hàng Thế giới ước tính quá trình này phải tốt cỡ 88 tỷ đô la Mỹ.
Trong một hội nghị đầu tư vào tháng 2 vừa qua, Iraq đã giới thiệu hơn 150 dự án – từ bệnh viện, nhà máy đến sân bay, khu nghỉ dưỡng – nhận về khoản cam kết trị giá 30 tỷ đô la Mỹ dưới dạng viện trợ, đầu tư và cho vay. Thủ tướng Haider al-Abadi hứa sẽ đẩy lùi tham nhũng và quan liêu nhằm thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Ahmed Tabaqchali, Giám đốc Quỹ đầu tư Asia Frontier Capital’S AFC Iraq phát biểu: "Chúng ta đang chập chững bước vào quá trình hồi phục." Ông không nói quỹ mình đầu tư vào thị trường Iraq bao nhiêu.
Giống như hầu hết các thị trường Trung Đông khác, cổ phiếu Iraq do nhà đầu tư trong nước chi phối, và họ thường "lướt sóng" hơn là "đầu tư".
Tuy nhiên, mấy tháng nay vốn ngoại đương đà cải thiện. Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Taha Ahmed al-Rubaye nói: "Số quỹ ngoại đầu tư vào đây tăng lên con số 50 trong năm 2018 so với chỉ 30 năm ngoái, và đang nắm khoảng 20% giá trị thị trường".
Nhà đầu tư ngoại vẫn coi thị trường cận biên như Iraq sẽ tăng trưởng cao hơn so với các thị trường đã phát triển, nhưng vẫn thận trọng với rủi ro đi kèm - từ những qui định đã lỗi thời hoặc mơ hồ đến hệ thống thương mại và ngân hàng không đáng tin cậy.
Iraq cũng phải đối mặt với những rủi ro khác như phiến quân trỗi dậy có thể gây gián đoạn kế hoạch tái thiết. Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Năm này chắc chắn sẽ được theo dõi sát sao.
Suha Najjar, người sáng lập Akkadia Partners, một ngân hàng đầu tư chuyên phục vụ thị trường Iraq cho rằng: "Một nền kinh tế phi dầu mỏ bất ổn" là một vấn đề khác.
Ông Rubaye nói chính phủ đang từng bước cải thiện mức độ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như yêu cầu chỉ định một ngân hàng ký quỹ nhằm đảm bảo cho các giao dịch.
Trong khi đó, một vài cổ phiếu đang lên như diều. Công ty nước ngọt Bát-đa năm nay đã tăng 56%. Công ty viễn thông Asiacell tăng 67% nhờ lấy lại số thuê bao đã mất ở những khu vực trước đây bị IS kiểm soát.
Shwan Ibrahim Taha, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Rabee, một trong những nhà môi giới lớn nhất Iraq nhận định: "Chúng tôi lạc quan với những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán và đối với nền kinh tế".
"Cơ mà thực sự vẫn còn phải cố gắng nhiều", ông nói thêm.