Người bán vé số bật khóc khi lại được mưu sinh sau 4 tháng ở nhà: "Ngoại không sợ đói nữa rồi con ơi"
"Hổng phải ngoại bán giỏi đâu, người ta quen biết, thương ngoại nên mua ủng hộ. Đại lý họ đưa, bán xong ngoại mới gửi tiền chứ đâu còn vốn liếng. Ngoại chờ ngày bán vé số lại lâu lắm rồi, mừng lắm con ơi", cầm xấp vé số trên tay, ngoại Linh (77 tuổi) rưng rưng nước mắt, hạnh phúc.
4 tháng trời đằng đẵng đã qua
Khác với giấc mơ "đổi đời" từ những tấm vé số của người mua, người bán vé số ở Sài Gòn chỉ mong kiếm được chút tiền lời để đắp đổi qua ngày từ những tấm giấy lộn đầy màu sắc. Vì vậy, sau khi xổ số kiến thiết dừng hoạt động kể từ ngày 9/7, nhiều người bán vé số rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi chiếc cần câu cơm đã mất.
Có người may mắn bắt kịp chuyến xe cuối để về quê, có người cố gắng bám trụ, sống lay lắt qua ngày nhờ vào sự hào hiệp, cưu mang của Sài Gòn. Và cũng không ít người đã mãi mãi nằm xuống…
Nhiều người lao động vui mừng khi có thể kiếm sống bằng nghề vé số...
Chiều 22/10, sau bao ngày mòn mỏi chờ đợi, dù thành phố chỉ mới đang xem xét mở lại bán vé số nhưng do các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Bình Dương đã tiến hành quay số nên một số người bán vé số đã tranh thủ quay lại công việc. Được cầm trên tay những tấm vé số để đi bán trở lại sau khi đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin, đảm bảo các công tác phòng dịch khiến không ít người rớt nước mắt.
Hơn 100 ngày gặp lại sau khi thành phố đã nới lỏng giãn cách, vẫn chiếc áo khoác bạc màu, tay cầm xấp vé số ngồi ở một góc đường Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), ngoại Linh nở một nụ cười hiền hậu mời người đi đường.
Ngoại Linh rưng rưng nước mắt với xấp vé số trên tay sau bao ngày chờ đợi
"Ngoại đâu có nghĩ đợt dịch lại kéo dài gần 4 tháng vậy đâu, cũng nhờ nhà nước, mạnh thường quân cho gạo, ăn bậy bạ sống qua ngày chứ ngoại không biết tính sao. May mạnh khỏe là ngoại mừng lắm rồi", ngoại Linh rớm nước mắt.
Dù đã lớn tuổi nhưng vì hoàn cảnh éo le, mấy năm nay, ngoại Linh đều nhờ hơn 200 tờ vé số bán được mỗi ngày để chi trả tiền sinh hoạt phí, thuốc men. Dịch Covid-19 bùng phát, 4 tháng trời đằng đẵng mất đi nguồn thu nhập, cuộc sống của ngoại Linh rơi vào cùng cực.
Năm ngoái, việc nghỉ bán vé số 1 tháng, nhờ có sự hỗ trợ của cộng đồng, ngoại Linh cũng có đủ cơm ăn ngày 3 bữa. Năm nay dịch bệnh kéo dài, người mua cũng vắng đi rất nhiều, nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của ngoại.
"Ngoại không sợ đói nữa rồi con ơi", câu nói đầy xót xa của ngoại Linh
"Buồn lắm chứ, mấy tháng trời ở nhà, ngoại ăn không có bao nhiêu, cũng sợ đói lắm nhưng đau bệnh, không có tiền mua thuốc mua thang mới sợ. Giờ đi bán rồi, ngoại chỉ mong có sức khỏe, sống ngày nào hay ngày đó là mừng lắm rồi", ngoại Linh trầm ngâm.
Mặc dù biết đi bán lén là không đúng khi thành phố vẫn chưa có quyết định chính thức cho quay trở lại hoạt động, nhưng với việc các tỉnh/thành phía Nam phát hành vé số (3 tỉnh quay thưởng vào ngày 22/10, TP.HCM sẽ có kỳ quay thưởng đầu tiên vào ngày 23/10) nên nhiều người bán vé số đã tranh thủ xin "đại lý" cho đi bán lại sau hơn 100 ngày tạm ngưng vì dịch bệnh.
Đưa đôi tay đếm lại xấp vé số, ngoại Linh cười hóm hỉnh: "Nãy giờ bán được nhiều lắm à, hơn 70 tờ rồi đó. Mà hổng phải ngoại bán giỏi đâu hen, toàn người quen không, người ta thương ngoại nên mua, con mai trúng số nhớ quay lại tìm ngoại nghen!".
Những "tấm vé đổi đời" nuôi hi vọng cho rất nhiều người ở Sài Gòn
Vé số "chui" nuôi giấc mơ cơm áo gạo tiền
Cũng giống như ngoại Linh, dù biết chưa có thông báo chính thức cho bán vé số trở lại nhưng ông Lê Thạnh Thời (70 tuổi, quê Quảng Ngãi) vẫn xin đại lý lấy 200 tờ vé để đi bán trở lại. Đẩy chiếc xe lăn trên trên đường 3/2 (quận 10), ông Thời chốc chốc lại dừng lại mời người đi đường.
Ông Thời không may mắn khi gặp khuyết tật ở chân, vé số là nghề duy nhất giúp ông có được cơm ngày 3 bữa
Gần 4 tháng mất đi "cần câu cơm" là khoảng thời gian ám ảnh nhất mà ông Thời chẳng thể nào quên sau nhiều năm lăn lộn ở mảnh đất Sài Gòn. Bị khuyết tật về cơ thể, một con mắt bị mù lòa, 200 tấm vé số mỗi ngày là tất cả những gì ông Thời có để sống và bám trụ. Nhưng rồi đùng một cái, giấc mơ "đổi đời" không còn, ông Thời chỉ biết nương nhờ vào tình thương của người khác.
"Gần 4 tháng rồi, nếu không nhờ có nhà nước cho tiền, mạnh thường quân cho gạo nên ông có ăn, sống qua ngày được. Nay đi bán lại mừng lắm chứ, rất là phấn khởi, ông cũng được tiêm 2 mũi vắc-xin rồi nên an tâm hơn", ông Thời xúc động.
Đôi mắt đỏ hoe của ông Thời khi nhớ lại chuỗi ngày giãn cách
Vì không có nhà cửa ở quê nên với ông Thời, Sài Gòn vẫn là chỗ nương náu của ông trong những năm cuối của cuộc đời. Và vé số - tấm giấy lộn đầy màu sắc kia là hi vọng, là động lực để ông tiếp tục sống.
Trong khi đó, chị Lâm Thị Dạ (quê Sóc Trăng) bật khóc: "Ở nhà hoài đâu có tiền đâu, gạo thì được người ta cho. Lúc nghe tin có vé số để đi bán lại, chị rớt nước mắt, mừng lắm, nghỉ đã mấy tháng rồi".
Ông Quân (82 tuổi) chỉ dám lấy khoảng 100 tờ để bán vì sợ "ế"
Niềm vui sướng của những người bán vé số sau hơn 100 ngày chờ đợi
Có lẽ không chỉ riêng ngoại Linh, ông Thời, chị Dạ… mà với tất cả những người bán vé số dạo ở Sài Gòn, dù chưa chính thức quay trở lại công việc, chỉ tranh thủ "bán chui" sau gần 4 tháng thất nghiệp đã là một điều may mắn.
Dẫu cho, việc mưu sinh chẳng khi nào là dễ dàng, nhất là trong lúc tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng ai nấy đều rất phấn khởi, tiếp tục nuôi hi vọng vào những tấm vé đổi đời…
Sài Gòn đang dần khỏe lại, nhịp sống cũng bắt đầu len lỏi khắp nơi
Hình ảnh của những người bán vé số dạo ở Sài Gòn được chúng tôi ghi lại
Mong rằng chuỗi ngày phía trước, cuộc sống của họ sẽ bớt chông chênh...
Người bán vé số ở Sài Gòn bật khóc sau 4 tháng đằng đẵng ở trong nhà: "Ngoại không sợ đói nữa rồi con ơi"
Doanh nghiệp và tiếp thị