Người chăn nuôi đừng kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, kẻo lỗ nặng!
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện giờ người chăn nuôi không nên quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc mà vội nhận đàn một cách ồ ạt, đó là sai lầm.
- 23-08-2016Vì sao không ai tin thị trường Trung Quốc?
- 16-08-2016Cục Chăn nuôi khuyến cáo không nên quá kỳ vọng thị trường Trung Quốc
- 12-08-2016Loạn thị trường cá tra miền Tây do có “bàn tay” thương lái Trung Quốc
Theo báo cáo của các địa phương trong tuần vừa qua, các thương lái lại tiếp tục việc thu mua lợn mỡ để xuất bán. Tuy nhiên, giá không biến động tăng mạnh như đỉnh điểm tháng 3, tháng 4 vừa qua mà chỉ dao động khoảng 43.000 - 47.000 đồng/kg.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, với mức giá này người chăn nuôi vẫn có lãi và tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bị động và ứ động như những lần trước, người chăn nuôi phải căn cứ vào thị trường và diễn biến của thị trường để quyết định việc sản xuất. Đặc biệt, người dân chăn nuôi không nên quá kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc mà vội nhận đàn một cách ồ ạt, đó là sai lầm.
Bởi lẽ, nếu sản phẩm tồn lại thì giá sẽ xuống sâu, xuống dưới giá thành sản xuất khiến người nuôi lỗ nặng. Theo đó, người dân phải theo dõi thị trường và có sự kết nối với doanh nghiệp khác để cân bằng việc sản xuất, tránh tình trạng chăn nuôi ồ ạt thiếu kế hoạch.
Theo một số dự báo, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc có thể đạt 2 triệu tấn trong năm nay, do nguồn cung thịt lợn nội địa quốc gia này chưa thể phục hồi cho đến năm 2017. Ngoài ra, Trung Quốc, quốc gia có tổng đàn lợn và là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, cũng đang trở thành nước xuất khẩu lớn nhất toàn cầu mặt hàng này.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng trong năm 2015 và đầu 2016 do suy thoái của ngành nuôi lợn nội địa vì giá giảm các năm trước đó và các quy định khắt khe về môi trường khiến hàng triệu hộ nuôi lợn quy mô nhỏ phải bỏ nghề.
"Trước tình hình này, người chăn nuôi phải hết sức tình táo, thận trọng để phát triển việc chăn nuôi có kế hoạch, có trọng tâm. Đối với ngành chăn nuôi, nếu bị ứ đọng thì cực kỳ khó gỡ. Nếu dồn hàng, giá rớt khiến cho người chăn nuôi rơi vào cảnh bán cũng lỗ mà tiếp tục nuôi cũng lỗ", Cục trưởng cho biết.
Tại Đồng Nai hiện giá lợn hơi bán tại trại có giá từ 42.000 - 44.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với vài tuần trước đó do thương lái bắt đầu mua lại lớn cỡ lớn (mỗi con nặng khoảng 120kg) để xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, các chủ trại chăn nuôi vẫn không quá lạc quan vì việc thu mua này luôn diễn ra thất thường trong khi sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn khá chậm. Thêm vào đó, 2 tháng trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng 4-5 lần với tổng mức 10% so với trước khiến người chăn nuôi lo lắng.
Trong khi giá lợn hơi tại Đồng Nai đang có xu hướng tăng nhẹ thì tại các tỉnh ĐBSCL, giá thu mua lợn hơi vẫn diễn ra khá ổn định. Cụ thể là, giá thu mua lợn hơi tại An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu hiện đang ổn định ở mức giá lần lượt là 44.000 đồng/kg, 42.000 đồng/kg, 38.000 - 43.000 đồng/kg.
Một thế giới