MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập

18-09-2018 - 09:03 AM | Bất động sản

Hầu hết các chung cư ở Hà Nội được xây từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang bị xuống cấp. Dù biết nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải ở.

Thành phố Hà Nội hiện có gần 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng. Hầu hết các chung cư được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang bị xuống cấp. Trong đó, hàng chục chung cư xuống cấp ở mức độ D, mức rất nghiêm trọng.

Khu tập thể G6A được thành phố Hà Nội xác định mức độ xuống cấp ở cấp độ D, cấp độ rất nguy hiểm và phải di dời 49 hộ dân ra khỏi chung cư này. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện công tác di dời, vẫn còn 20 hộ dân không chịu chuyển đi. 29 hộ khác đã được chuyển đến lô E, khu đô thị Yên Hòa cách đó không xa.

Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập - Ảnh 1.

Biển cảnh báo nguy hiểm được UBND phường gắn ở các cầu thang.

Lãnh đạo quận Ba Đình cũng tạo điều kiện chuyển con em các hộ dân này đến các trường học gần chỗ ở mới. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn nhất định không chịu di dời. Những hộ dân này đề nghị thành phố lựa chọn một đơn vị độc lập để kiểm định lại. Việc này đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

"UBND phường không đủ khả năng để thẩm định chung cư có nguy hiểm hay không, nhưng quan sát bằng mắt thường, những nhà nào, vị trí nào nguy hiểm, chúng tôi có công văn niêm yết ở các bảng tin và yêu cầu khu dân cư, tổ dân phố nhắc nhở. Đến mùa mưa bão, thời tiết nguy hiểm, chúng tôi thường thông tin qua hệ thống loa truyền thanh, qua bảng tin của tổ dân phố. Bây giờ, nhà nào cũng có 1 bể nước trên nóc mới đủ nước sinh hoạt nên nhà đã cũ lại thêm nguy hiểm"- ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.

Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập - Ảnh 2.

Người dân khóa cửa ra vào cầu thang, ngay bên cạnh biển báo nguy hiểm.

Không chỉ khu G6A, 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đang được các quận của thành phố Hà Nội tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Từ hơn 10 năm trước, thành phố đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn với nhiều nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều vướng mắc. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có hơn 20 chung cư cũ đã và đang được xây dựng mới, chiếm khoảng hơn 1%.

Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và có ý định đầu tư cải tạo chung cư cũ nhưng đều vướng phải nhiều thủ tục, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, do thiếu quy định cụ thể hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ, không quy định phân cấp cho cấp quận, nên không phát huy được sức mạnh tự chủ của các cấp trong việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.

Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập - Ảnh 3.

Cảnh nhếch nhác, bong tróc trong khu tập thể G6A Thành Công.

Nghị định 101 của Chính phủ, ban hành ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ nêu rõ: Sau khi tổ chức kiểm định chất lượng nhà chung cư, Sở Xây dựng có trách nhiệm lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên phạm vi địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố công khai trong thời gian tối thiểu là 30 ngày trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và tại trụ sở UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đồng thời thông báo đến khu dân cư nơi có dự án xây dựng lại nhà chung cư.

Theo quy trình, sau 12 tháng khi Sở Xây dựng tỉnh, thành phố đăng kết quả kiểm định các chung cư cần xây dựng lại, cư dân trong các khu chung cư đó tiến hành họp để lựa chọn nhà đầu tư. Phải có trên 51% các chủ sở hữu căn hộ đồng ý thì thỏa thuận giữa hai bên thì mới được tiến hành. Sau đó 12 tháng, chủ đầu tư không thỏa thuận được với các chủ sở hữu căn hộ thì Sở Xây dựng mới thay mặt cư dân để thẩm định năng lực của nhà đầu tư và cho phép chủ đầu tư tiến hành bước tiếp theo.

Như vậy, khâu tiếp cận của doanh nghiệp với dự án đã mất 2 năm. Đó là chưa kể những vướng mắc khác về giấy tờ nhà, giá đền bù và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khi tiến hành giải tỏa, đền bù.

Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập - Ảnh 4.

Hoạt động đốt vàng mã và nấu nướng bằng bếp than tổ ong ngay ở cầu thang.

.

Ông Nguyễn Văn Chính, Phụ trách Ban Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Toàn Cầu, đơn vị chủ đầu tư công trình cải tạo chung cư 30A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm cho rằng, để thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội cần dựa vào những chính sách của Chính phủ, các Quyết định của UBND thành phố.

Người dân Hà Nội vẫn “cố thủ” trong các chung cư chờ sập - Ảnh 5.

Một số hộ dân trong khu tập thể G6A Thành Công đề nghị kiểm định lại.

"Phải căn cứ vào tình hình thực tế, chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư phải xây dựng một chính sách riêng. Từ kinh nghiệm trong triển khai dự án 30A Lý Thường Kiệt, chúng tôi cho rằng, chính sách riêng để giải tỏa đền bù là các cơ quan, tổ chức và các hộ dân phải được lợi hơn so với chính sách chung"- ông Nguyễn Văn Chính cho biết.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, UBND phường, nơi có các chung cư cũ bị xuống cấp nghiêm trọng phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình để hỗ trợ người dân khi có tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Sẽ rất nguy hiểm cho người dân ở trong những chung cư chờ sập, bởi sự rủi ro đã được dự báo trước.

Theo Thành Chung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên