MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người EQ thấp dễ thất bại trong sự nghiệp và tiền bạc: 3 dấu hiệu "tố cáo"

11-01-2021 - 13:46 PM | Sống

Người EQ thấp dễ thất bại trong sự nghiệp và tiền bạc: 3 dấu hiệu "tố cáo"

Không bao giờ nhượng bộ trong lời nói thực ra là một hành vi rất nguy hiểm. Bề ngoài có vẻ là người chiến thắng nhưng thực chất lại thua trong tâm hồn, bị mọi người lánh xa. Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không dễ để khuất phục người khác nhưng biết thừa nhận thất bại đúng lúc.

Vài ngày trước, tôi thấy một chủ đề trên Internet: "Bạn đã thấy những người ít cảm xúc nhất ở mức độ nào?". Nhiều người đã tham gia vào cuộc thảo luận, một số phàn nàn về trải nghiệm của chính họ, trong khi những người khác lại đưa ra đề xuất.

Ở đây, tôi tóm tắt 3 dấu hiệu của người có EQ thấp khi tổng hợp ý kiến của nhiều người:

Luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói

Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để nhận ra những người luôn đấu tranh đúng sai trong mọi việc, phản bác tất cả những gì người khác nói và không bao giờ nhượng bộ ai. Một người như vậy được đánh giá là có chỉ số EQ thấp.

Tôi nhớ đã nghe một câu chuyện nghề nghiệp như thế này.

Có một sinh viên tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng với thành tích học tập vượt trội. Mỗi lần phát biểu trên lớp, anh luôn có ý kiến riêng và được thầy cô giáo đánh giá cao. Khi đi làm, quản lý cũng luôn dành lời khen ngợi cho thanh niên này.

Tuy nhiên đồng nghiệp lại không thích anh ta, nhất là khi mọi việc cần phối hợp. Không chỉ những người cùng bộ phận mà ở phòng ban khác cũng không sẵn sàng làm việc với thanh niên này. Lý do là anh luôn muốn "trên cơ", thích đè bẹp người khác bởi khả năng hùng biện và chỉ số thông minh của mình. Bất cứ khi nào không đồng ý với người khác, anh ta chỉ biết độc thoại trong khi đối tác chỉ luôn im lặng.

 Người EQ thấp dễ thất bại trong sự nghiệp và tiền bạc: 3 dấu hiệu tố cáo  - Ảnh 1.

Khi một người luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói thì mục đích không chỉ là giao tiếp mà thể hiện bản thân và hạ gục đối phương. Đại đa số những người có thói quen xấu này đều không nhận ra tác hại của nó. Họ cho rằng bản thân "nhanh mồm nhanh miệng" hoặc lanh lợi thông minh khi giành được sự chú ý của người khác. Nhưng trên thực tế, đây là hành vi của người bất lịch sự, không biết lắng nghe và tôn trọng người đối diện.

Không bao giờ nhượng bộ trong lời nói thực ra là một hành vi rất nguy hiểm. Bề ngoài có vẻ là người chiến thắng nhưng thực chất lại thua trong tâm hồn, bị mọi người lánh xa. 

Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ không dễ để khuất phục người khác nhưng biết thừa nhận thất bại đúng lúc.

Thích "chọc ngoáy" vào nỗi đau của người khác

Có một loại người như vậy, việc thích nhất của họ là động đến nỗi đau của người khác để châm biếm, đả kích và tự hưởng thụ "thành quả".

Tôi đã từng trải nghiệm qua sự việc của một người bạn.

Họp lớp đại học, trong lúc hàn huyên tâm sự về công việc một năm qua, Tâm đến khoác vai Tùng và bảo: "Đấy, nếu năm nay cậu mà không phá sản thì chẳng phải lớp mình đã được cậu bao một chuyến du lịch đã đời rồi nhỉ". Không khí lúc này có phần trầm lắng, Tùng thoáng chút bối rối, không nói gì. Chưa dừng lại, Tâm tiếp lời: "Covid đúng là tai hoạ thật, ai ngờ đánh gục được ông chủ với chuỗi nhà hàng nổi tiếng như cậu được chứ. Giá như lúc mới xuất hiện ca nhiễm, cậu xử lý nhanh nhà hàng, có khi gỡ gạc được phần nào". Thật ra, chuyện Tùng kinh doanh khó khăn, chúng tôi đều biết cả, nhưng không ai muốn chọc ngoáy vào nỗi đau của cậu ấy.

Mỗi người đều có những bí mật riêng tư và nỗi đau của mình, trong số đó có những thứ quá nặng nề để tiết lộ cho người khác biết. Và những người dù biết vết sẹo của người khác nhưng vẫn cố chọc ngoáy không chỉ thể hiện EQ thấp mà còn chứng minh bản thân có sự tu dưỡng kém. Người có EQ cao sẽ không "xát muối vào vết thương" của người khác mà quan tâm đến cảm xúc hiện tại của họ.

Những người thông minh về cảm xúc rất chú ý trong cách lựa chọn từ ngữ và phản ứng. Họ hiểu rằng trong một số trường hợp đối phương muốn nói gì không quan trọng. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là sự lắng nghe và chia sẻ của người nghe.

 Người EQ thấp dễ thất bại trong sự nghiệp và tiền bạc: 3 dấu hiệu tố cáo  - Ảnh 2.

Không hiểu ý người khác

Những người thông minh về mặt cảm xúc không đặt mình lên hàng đầu mà thay vào đó, họ nâng cao tầm quan trọng của đối phương. Đây là một thói quen mang tính chiến lược - thậm chí là khôn ngoan.

Bởi vì mọi người quan tâm đến những gì ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của mình. Họ có thể tốt bụng, tử tế, cao quý - thậm chí vị tha. Nhưng suy cho cùng, họ vẫn là con người, và họ sẽ phản ứng theo cách đối phương tác động đến mình. Vì vậy, nếu bạn muốn được người khác tôn trọng, hãy nghĩ xem liệu lời nói và hành động của bạn có thiện chí và tính hợp tác hay không?

Ngược lại, những người có chỉ số EQ thấp thường không hiểu được cảm nhận của người khác. Họ không cảm nhận được chồng/vợ đang giận dữ hoặc khi đồng nghiệp của bạn đang phát cáu. Không những vậy, họ có thể khó chịu khi người khác muốn bạn hiểu về cảm nhận của họ. Nhìn chung, cảm xúc có xu hướng trở nên trầm trọng hơn với những người có EQ thấp.

EQ không phải luôn dễ dàng thay đổi trong một ngày một bữa, nhưng với một chút nỗ lực, hầu như ai cũng có thể cải thiện chỉ số cảm xúc bằng việc huấn luyện, tự xem xét nội tâm và tiếp thu ý kiến của người khác.

Một tin tốt nữa là EQ sẽ tăng tự nhiên theo tuổi tác, dù bạn không muốn cố ý tăng nó đi nữa.



Theo Tống Vân

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên