MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Hàn ám ảnh với chiều cao như thế nào: Con chưa cao đã vội lo trị liệu hormone, bỏ hàng tỷ để kéo chân

31-05-2023 - 13:52 PM | Lifestyle

Với người Hàn Quốc, chiều cao đôi khi có vai trò quan trọng chẳng kém gì danh tiếng, địa vị xã hội và là "tấm vé" cho việc được công nhận.

Bạn sẽ làm gì để cao thêm vài cm? Đối với một số người Hàn Quốc sốt sắng nhất, câu trả lời có thể là chi hàng đống tiền để mua vitamin, sử dụng các loại thuốc thảo dược có chứa gạc hươu và nhân sâm, tiêm hormone tăng trưởng hàng ngày, châm cứu và thậm chí là phẫu thuật.

Dân số Hàn Quốc đã tăng chiều cao với tốc độ đáng kinh ngạc trong thế kỷ qua so với phần còn lại của thế giới. Theo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London, phụ nữ Hàn Quốc đã tăng chiều cao trung bình tận 20,2 cm và nam giới là 15,2 cm từ 1914 đến 2014, trong khi mức tăng trưởng trung bình toàn cầu trong cùng thời kỳ là 7,62 cm.

Chiều cao trung bình của người Hàn Quốc ngày nay là 159,6 cm đối với nữ và 172,5 cm đối với nam, theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng nước này.

Người Hàn ám ảnh với chiều cao như thế nào: Con chưa cao đã vội lo trị liệu hormone, bỏ hàng tỷ để kéo chân - Ảnh 1.

Chiều cao lý tưởng dần trở thành tiêu chuẩn vàng cho ngoại hình tốt ở Hàn Quốc.

Tốc độ tăng trưởng vượt bậc về chiều cao của người Hàn chắc chắn có liên quan đến những cải thiện đáng kể về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng, nhưng điều cũng có thể góp phần, đặc biệt là gần đây, là nỗ lực không ngừng của một bộ phận dân số để trở nên cao hơn.

Viện nghiên cứu thị trường thuốc IQVIA cho biết, thị trường hormone tăng trưởng của Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi sau 4 năm, từ 126,2 tỷ won năm 2018 lên 237,2 tỷ won vào năm 2022. Theo báo cáo của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm vào tháng 1, doanh số bán các loại thực phẩm bổ sung liên quan đến chiều cao đã tăng gấp 10 lần trong cùng kỳ.

Xu hướng muốn được cao hơn không chỉ có ở Hàn Quốc; tuy nhiên, nỗi ám ảnh đặc biệt rõ rệt biểu hiện qua hành động cụ thể.

Chạy đua chiều cao ngay từ khi còn bé

"Cháu thứ hai nhà tôi không thấp nhưng cũng không được cao, vì vậy tôi muốn đến một phòng khám tăng trưởng và nếu có thể, bắt đầu điều trị bằng hormone tăng trưởng cho nó", một bà mẹ hai con họ Noh nói với tờ JoongAng khi cô rời khỏi một phòng khám tăng trưởng ở trung tâm Seoul. "Là cha mẹ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải cố gắng hết sức để giúp con mình thành công".

Lee Hyun-su, cũng ở cùng phòng khám với cậu con trai 9 tuổi của mình, cho biết: "Chỉ có một khoảng thời gian rất hẹp khi mà bọn trẻ vẫn có thể lớn lên, và tôi muốn làm những gì có thể cho nó khi tôi vẫn còn có thể. Theo cô, cậu bé đang thấp hơn 2cm so với chiều cao trung bình của nhóm tuổi.

Người Hàn ám ảnh với chiều cao như thế nào: Con chưa cao đã vội lo trị liệu hormone, bỏ hàng tỷ để kéo chân - Ảnh 2.

Theo Cơ quan Đánh giá và Kiểm soát Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc, 43.618 trẻ em đã đến bệnh viện vì tầm vóc thấp bé vào năm 2021, tăng 22,6% so với năm trước. Kể từ năm 2016, con số này đã tăng gấp đôi. Số lượng trẻ em dự kiến sẽ tăng lên nhiều, bởi còn nhiều ca khác tìm đến các trung tâm tư nhân. Tuy nhiên, không có con số nào cho những cơ sở này vì tư nhân không bắt buộc phải đăng ký với cơ quan trên.

Các phòng khám tăng trưởng theo dõi quỹ đạo tăng trưởng của trẻ và kiểm tra các bất thường về chiều cao hoặc rối loạn tăng trưởng. Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trẻ thấp lùn là tiêm hormone tăng trưởng. Tại các phòng khám dựa trên Đông y, các bác sĩ khuyên dùng thuốc thảo dược và châm cứu.

Việc tiêm hormone tăng trưởng, đặc biệt phổ biến đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ, tiêu tốn khoảng 10 triệu won (gần 180 triệu đồng) mỗi năm và các phương pháp điều trị thường được tiến hành trong khoảng 5 đến 6 năm. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho những trẻ có chiều cao nằm trong nhóm 3% thấp nhất trong độ tuổi của chúng và những trẻ đã được chẩn đoán bị thiếu hụt hormone tăng trưởng hoặc rối loạn tăng trưởng.

Một học sinh lớp 10 họ Hong cho biết em đã phải tiêm từ lúc 10 đến 15 tuổi, "hàng đêm, vào chân, tay và bụng".

Sinh ra hơi nhẹ so với cân nặng khi sinh trung bình, Hong hiện cao 171 cm - chỉ thấp hơn 1 cm so với mức trung bình quốc gia.

Một bà mẹ hai con khác họ Kim sống ở Úc nhưng đến Hàn Quốc hai lần mỗi năm để nhận một lượng lớn thuốc tiêm hormone tăng trưởng cho hai con của cô, hiện ở độ tuổi 9 và 8.

Cô nói: "Các con tôi có tầm vóc thấp bé vô căn, nhưng tôi rất khó tìm được bác sĩ ở Úc kê đơn thuốc tiêm". Tầm vóc thấp vô căn là thuật ngữ cho việc thấp lùn mà không có nguyên nhân cơ bản. Nó lành tính về mặt y tế và không được phân loại là rối loạn tăng trưởng.

Cô nhận ra rằng có rủi ro khi kê nhiều liều như vậy mà không có bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bọn trẻ, đặc biệt là vì việc tiêm thuốc có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như huyết áp cao và đau khớp. Nhưng cô tự làm chứng cho điều kỳ diệu của phương pháp điều trị đối với đứa con đầu lòng của mình, khi em đã cao thêm khoảng 10 cm mỗi năm kể từ lần đầu tiên cô bắt đầu tiêm vào năm 2019.

"Bây giờ thật khó để từ bỏ, đặc biệt là sau khi chứng kiến đứa con thứ hai của tôi, một cậu bé, bị xô đẩy và trêu chọc vì vóc dáng thấp bé ở trường".

Thái độ kỳ thị của xã hội với vóc dáng thấp bé

Định kiến xã hội về chiều cao, còn được gọi là sự phân biệt chiều cao, lần đầu tiên được công khai thừa nhận ở Hàn Quốc vào năm 2009 khi một khách mời nữ trong chương trình trò chuyện của đài KBS "Global Talk Show" (2006-2010) ngang nhiên gọi tất cả đàn ông dưới 1m80 theo tiêu chuẩn của cô là kẻ thất bại. Việc này đã kích động nhiều người đàn ông và hơn 200 người đã đệ đơn đòi bồi thường thiệt hại 4 tỷ won từ đài truyền hình KBS thông qua Ủy ban Trọng tài Báo chí.

Trong một cuộc thăm dò năm 2016 của Opensurvery, hơn 50% trong số 500 người tham gia từ 9 đến 16 tuổi và cha mẹ của họ đã trả lời rằng chiều cao là một phần quan trọng trong cuộc sống của ai đó. Về lý do tại sao nó quan trọng, 38% trả lời để tăng cường sự tự tin; 27,4% vì để được xã hội chấp nhận; 20,9% để hẹn hò với người khác giới; và 13,3% cho một đời sống xã hội vui vẻ.

Trong hai thập kỷ qua, vóc dáng cao lớn ngày càng được củng cố như một đặc điểm lý tưởng. Các thần tượng K-pop được coi là biểu tượng sắc đẹp ngày càng cao hơn mỗi năm, nhiều người cao hơn mức trung bình quốc gia.

JoongAng đã tính toán chiều cao trung bình của 5 nhóm nhạc nữ ra mắt năm ngoái, với chiều cao trung bình là 166,4 cm và 5 nhóm nam, trung bình là 177 cm - cả hai đều cao hơn 3 cm so với chiều cao trung bình của 5 nhóm nữ và 5 nhóm nam ra mắt vào năm 2007.

Người Hàn ám ảnh với chiều cao như thế nào: Con chưa cao đã vội lo trị liệu hormone, bỏ hàng tỷ để kéo chân - Ảnh 3.

Nhóm nhạc nữ H1-KEY trong một sự kiện họp báo tại quận Gangnam, phía nam Seoul, vào tháng 7 năm 2022. Chiều cao trung bình của H1-KEY là 171 cm.

Sự kỳ thị tiêu cực đối với tầm vóc thấp áp dụng mạnh mẽ hơn đối với nam giới. Theo nhiều cộng đồng internet địa phương, những người đàn ông thấp hơn 1m72 được gọi là kijaknam, một thuật ngữ thông tục thường mang tính xúc phạm đối với những người đàn ông thấp.

Mối quan tâm hàng đầu của nhiều người là về việc hẹn hò. "Tôi đã bị từ chối hẹn hò quá nhiều lần vì chiều cao của mình", một bài đăng hồi tháng 3 trong cộng đồng kijaknam của một diễn đàn địa phương cho biết.

"Tôi đặc biệt ý thức về chiều cao của mình vào những buổi hẹn hò và không bao giờ rời khỏi nhà mà không có độn gót vì tôi biết hầu hết các cô gái thích những chàng trai cao hơn họ nhiều", một bài đăng khác từ tháng 2 viết.

"Chiều cao là một yếu tố cố định mà nhiều khách hàng của chúng tôi cân nhắc khi lựa chọn người bạn đời tương lai của họ", một nhân viên của công ty tư vấn hôn nhân Gayeon cho biết. Khách hàng nữ có xu hướng quan tâm đến chiều cao hơn nam giới, nhưng cả khách hàng nam và nữ đều có giới hạn chiều cao rất cụ thể. Chẳng hạn, nam giới muốn một người phù hợp cao ít nhất 160 cm và nữ giới muốn một người cao ít nhất 170 cm.

Phương án tối hậu: Phẫu thuật kéo dài chân

Người Hàn ám ảnh với chiều cao như thế nào: Con chưa cao đã vội lo trị liệu hormone, bỏ hàng tỷ để kéo chân - Ảnh 4.

Áp lực xã hội về chiều cao có thể khiến một số người phải thực hiện các biện pháp quyết liệt và phẫu thuật kéo dài chi - một thủ thuật có nguy cơ cao yêu cầu làm gãy hai xương đùi và sau đó là quá trình phục hồi khó khăn.

"Trường hợp xấu nhất, bệnh nhân có thể không đi lại được nữa", Lee Dong-hoon, bác sĩ phẫu thuật kiêm giám đốc phòng khám chỉnh hình mang tên Viện Tái tạo kéo dài nâng cao Donghoon ở Seongnam, Gyeonggi cho biết.

Thực hiện khoảng 300 ca phẫu thuật kéo dài chi mỗi năm, Lee nói rằng tỷ lệ bệnh nhân mà ông gặp là nam giới ở độ tuổi 20 là khoảng 90%.

"Hầu hết là trong phạm vi 160cm, mặc dù tôi đã gặp những bệnh nhân cao tới 180cm. Anh ta nói rằng anh muốn trở thành người mẫu, và để trở thành người mẫu, anh này cần cao thêm 6 hoặc 7 cm".

Phẫu thuật kéo dài chi, tùy thuộc vào bệnh nhân và ca phẫu thuật cụ thể, chi phí có thể dao động từ 40 triệu won đến 80 triệu won (710 triệu đến 1 tỷ 420 triệu đồng). Phải mất khoảng 7 tháng để hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ Lee cũng khám cho nhiều bệnh nhân từ nước ngoài, bao gồm Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Lee nói: "Tôi muốn nói rằng cứ 5 bệnh nhân mỗi tuần thì có một người là người nước ngoài. Không có nhiều bác sĩ có trình độ trong lĩnh vực này và thường thì mọi người đến phòng khám sau khi trải qua các tác dụng phụ nghiêm trọng của ca phẫu thuật kéo dài chi được thực hiện tại một phòng khám khác".

Phòng khám của Lee là phòng khám chỉnh hình duy nhất của đất nước được Bộ Phúc lợi chứng nhận là nơi "cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế an toàn và tuyệt vời cho bệnh nhân nước ngoài".

Người Hàn ám ảnh với chiều cao như thế nào: Con chưa cao đã vội lo trị liệu hormone, bỏ hàng tỷ để kéo chân - Ảnh 5.

Ảnh chụp x-quang trước và sau khi phẫu thuật tăng chiều cao. Bệnh nhân đã tăng thêm 6,7cm chiều cao bằng cách kéo dài đùi.

Lee cho biết lĩnh vực này vẫn thiếu một hệ thống đào tạo phù hợp và các chuyên gia có kinh nghiệm, và phẫu thuật có rủi ro cao với hàng chục biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu được thực hiện thành công, nó có thể mang lại cho bệnh nhân khoảng 6 cm, và tối đa thêm tới 18 cm.

"Tôi gọi đó là ca phẫu thuật thay đổi cuộc đời vì nó có thể diễn ra rất tồi tệ, nhưng khi ca phẫu thuật thành công, nó thực sự có thể thay đổi cuộc đời của một người", ông nói.

Tại sao phải cố gắng đến thế?

Theo Lim In-sook, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, vẻ đẹp hình thể ở Hàn Quốc ngày nay được coi là một điều có thể đạt được nếu bỏ ra một lượng thời gian, tiền bạc và công sức phù hợp. "Họ dán những bức ảnh trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ lên bảng quảng cáo và chạy quảng cáo khiến mọi người nhận thức rõ hơn về những khiếm khuyết trên cơ thể của họ, tất cả đều dẫn đến quan điểm rằng nếu họ phẫu thuật, họ cũng có thể trở nên đẹp".

Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Lee nói rằng phẫu thuật thẩm mỹ đôi khi có thể là một phương pháp chữa trị thực sự cho những người mà nguyên nhân chính gây căng thẳng là một bộ phận cơ thể hoặc nét mặt nào đó.

Ông nói: "Một số khoa chỉnh hình tại các bệnh viện lớn không thực hiện thủ thuật kéo dài chi vì họ thấy bệnh nhân bị căng thẳng về chiều cao của họ do mắc một vấn đề tâm lý gọi là rối loạn dị dạng cơ thể. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, cho dù họ có nghe bao nhiêu lời khuyên và an ủi rằng 'mọi thứ sẽ tốt hơn', chứng trầm cảm vẫn không biến mất. Đối với những người bị căng thẳng liên quan trực tiếp đến tình trạng lùn của họ, phẫu thuật có thể là một phương pháp chữa trị rõ ràng".

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng việc kéo dài chi là một cuộc phẫu thuật rất nguy hiểm với những tác dụng phụ đáng kể khi nó diễn ra sai cách và thời gian phục hồi mệt mỏi ngay cả khi được thực hiện đúng, vì vậy nó phải được "cân nhắc cẩn thận".

Lim cho biết: "Yêu cầu đối với những gì tạo nên phiên bản 'vẻ đẹp hoàn hảo' của xã hội là vô tận. Thay vì dành quá nhiều thời gian và nguồn lực của chúng ta cho một thứ gì đó sẽ không bao giờ thành hiện thực, điều quan trọng cần nhớ là ngoại hình chỉ là một phần nhỏ trong những gì khiến một người thực sự cảm thấy đẹp".

Nguồn: JoongAng Daily

Theo Vũ Khúc

Tổ Quốc

Trở lên trên