MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người lính già hơn 20 năm dò tìm 'kho báu' ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam

18-12-2021 - 20:29 PM | Xã hội

Người lính già hơn 20 năm dò tìm 'kho báu' ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Lính, một cựu binh gần 20 năm gắn bó với nghề dò tìm kim loại, phế liệu dưới lớp đất, bùn ở khu 'đất vàng' Thủ Thiêm, TP HCM.

Sáng sớm, những chiếc xe ben lần lượt đi ngang khu chòi của ông Nguyễn Văn Lính (hay còn gọi là ông Năm Lính) khiến bụi tung mù trời. Ông tất tả soạn đồ nghề: búa, cuốc, máy dò... rồi di chuyển về khu đổ đất.

Mỗi lần máy dò "tít... tít", ông lại đào xới đống đất đá đổ nát để tìm những mảnh sắt vụn. Gom góp cả ngày ròng, bán được khoảng 300.000 đồng, ông giữ lại 100.000 uống cà phê, số còn lại gửi hết cho vợ. "Vợ tôi là nhất", ông cười.

Chú Năm Lính!

Đó là tên mà những người dân quanh khu vực Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM) gọi ông Lính. Năm 1981, rời chiến trường Campuchia trở về, ông dắt díu vợ con đến khu Thủ Thiêm lập nghiệp. Khi khu vực này giải tỏa cho dự án đô thị mới, vợ con ông chuyển đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) sinh sống.

Trước đợt bùng phát dịch, ngày ngày ông vẫn đi về giữa Nhơn Trạch và Thủ Thiêm.

Vóc dáng nhỏ thó, ông di chuyển nhanh thoăn thoắt giữa bãi đất đá thênh thang. "Mấy tháng giãn cách xã hội vừa rồi mới cực. "Ai ở đâu ở yên đó", tôi dựng một cái chòi ở bãi đất trống để ngủ. Hằng ngày, tôi mò cua, bắt ốc, hái rau... để "sinh tồn". Thi thoảng tôi được cho gạo, rau củ, mắm muối... từ chính quyền địa phương. 

Lúc đó, giãn cách đâu buôn bán được gì. Tôi đành ngồi trong chòi, gọi về cho vợ nói chuyện. Điện thoại hết pin, tôi nằm nghĩ ngợi một hồi rồi cũng thiếp đi. 5 tháng trời trôi qua như thế", ông kể.

Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Lính chở "đồ nghề" đi làm


Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Theo chia sẻ của ông Lính, hiện nay có khoảng 4-5 người cùng làm công việc giống ông ở khu vực Thủ Thiêm


Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Máy dò tìm của ông Lính có thể nhận tín hiệu kim loại sâu 1 mét

Trước khi có máy dò tìm kim loại, ông hoàn toàn tìm bằng "cảm tính". Hơn 20 năm ở đây, ông sẽ nhắm được ngôi nhà nào sẽ có kim loại bên dưới, bãi đất nào sẽ lẫn sắt... Đôi tay chai sần, làn da đen sạm, người lúc nào cũng lấm bùn lầy, áo phủ bụi từ đất đá... nhưng ông chưa bao giờ băn khoăn, trăn trở về cuộc đời mình. "Cứ vui vẻ mà sống. Tôi đâu có lo nghĩ gì", ông nói.

Đói thì ông hái rau, bắt ốc.

Buồn thì ông bầu bạn với những người xung quanh. Đó là ông Tời, người "cắm cọc" nuôi bò trên mảnh đất này cũng ngót nghét chục năm. Trong khu vực đầy đất đá, cỏ dại, rau muống mọc lang đó, ông Tời nuôi thêm đàn chó. Màn đêm buông xuống, cả hai cùng chuyện trò dưới ánh lửa.

Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Ông bắt đầu công việc từ sáng sớm đến khi trời chập choạng tối

Ông Năm Lính có 4 người con, 1 người đã mất vì bệnh, để lại cháu nội cho vợ chồng ông chăm sóc.

"Thấy thương nó lắm. Mỗi lần ông nội về nhà, nó lại loanh quanh cắt móng chân, hỏi thăm. Con tôi đứa nào cũng đã lớn, có việc làm ổn định. Tôi đi làm để lo cho mình, cho vợ, cho cháu, không muốn chung đụng tiền bạc với tụi nhỏ. Tôi sẽ làm công việc này tới khi nào không đi nổi thì thôi", ông Lính chia sẻ. Cạnh căn chòi của ông Lính là quán nước của người em. Hằng ngày, ông sẽ về đó ăn cơm, nghỉ ngơi.

Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Từ khi có máy dò, công việc của ông đỡ vất vả hơn

"Vợ tôi là nhất"

Quãng đường từ TP. Thủ Đức về Nhơn Trạch (Đồng Nai) khoảng 100 km. Mỗi ngày, ông Lính đều chạy ngần ấy cây số để về nhà thăm vợ.

Bán phế liệu được vài trăm nghìn, ông chỉ giữ khoảng 100.000 đồng, còn lại gửi hết cho vợ. "Vợ tôi là nhất. Lúc phải ở lại Thủ Thiêm vì dịch bệnh, tôi nhớ bà ấy lắm, đôi lúc cũng cảm thấy cô đơn. Tôi đưa tiền cho vợ vì không biết tặng quà gì. Trước má tôi cho số tiền bán đất, tôi cũng đưa hết cho bà ấy quản lí. Tôi nghĩ, là đàn ông thì phải biết trân trọng vợ mình.

Tôi ví dụ nha, khi bạn mướn một người giúp việc, bạn về nhà và bỏ cái áo dơ ở đó. Bạn kêu thì người ta mới đem đi giặt. Còn ở với vợ, cô ấy sẽ tự nguyện làm, chăm sóc bạn bằng tình yêu thương. Dù có trái gió, trở trời thì cũng yên tâm", ông nói.

Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Tối đến, ông Năm sẽ đốt lửa lấy hơi ấm, xua muỗi


Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Hộc xe của ông Năm đơn giản vài vỉ thuốc, khẩu trang...

Vợ ông Năm đã nghỉ làm nhiều năm nay. Trước đó, bà từng đi bán cóc, ổi... Dù ở xa nhưng "người phụ nữ hạnh phúc" này hiếm khi phải lo lắng về chồng. Đồng cảm, đầy rẫy thương yêu là cách ông Năm Lính đối xử với vợ và những người xung quanh.

Ông Năm nói: "Ở khu vực Thủ Thiêm này có khoảng 4-5 người nhặt phế liệu giống tôi. Nhiều lúc họ nói với tôi rằng, hôm nay tôi khổ quá, ông Năm nhường cho tôi mớ sắt này nhé. Tôi luôn sẵn sàng. Hay thỉnh thoảng, tôi được người ta cho 50.000 đồng. Chưa kịp xài gì thì thấy thằng nhóc công nhân chạy ra, xin 20.000 đồng ăn sáng vì đói quá. Tôi cũng đưa luôn.

Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Khu vực ông Năm sinh sống nhìn từ trên cao

Tôi nghĩ mình nên nương nhau mà sống, sống phải biết trước biết sau. Trước đó, tôi có một người bạn nhặt phế liệu, dò trúng gần 10 cây vàng. Đời nó cứ tưởng "phất" lên từ đó luôn. Vậy mà vài năm sau, nó lại quay về khu này. Có tiền, nó không biết giữ, xài phung phí nên tiêu tan nhanh chóng".

Người lính già hơn 20 năm dò tìm kho báu ở bán đảo đắt đỏ nhất Việt Nam - Ảnh 9.

Hơn 20 năm trôi qua, Thủ Thiêm trong mắt ông Năm Lính đã "thay da đổi thịt" từng ngày. Những tòa nhà sáng choang mọc lên, con đường thênh thang lấp lánh ánh đèn được dựng xây... Giữa sự đổi thay đó, ông vẫn chọn gắn đời mình trên những bãi đất được đổ đầy gạch đá. Chưa bao giờ băn khoăn, suy nghĩ hay lo lắng về cuộc đời mình, đó là cách ông sống bình yên hàng chục năm qua.

Theo Lan Chi

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên