Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên thiếu vốn tái sản xuất sau thiên tai bất thường
Đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn bất thường vào cuối tháng 3 vừa qua gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung. Tại tỉnh Phú Yên, hàng nghìn lồng, bè nuôi tôm hùm của ngư dân bị sóng cuốn trôi, hư hỏng.
- 19-04-2022Loại tôm "siêu to khổng lồ", đắt hơn cả tôm hùm nhập khẩu, nhà giàu đua nhau săn lùng
- 13-04-2022Không có chuyện tôm hùm giá 199.000 đồng/kg
- 29-03-2022Hết tôm hùm lại đến chuối bị tắc biên quay đầu bán 'giải cứu', giá chỉ 5.000/kg
Mấy tháng trước, gia đình ông Phạm Quốc Mỹ, ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên gom hết vốn liếng 800 triệu đồng vay thêm ngân hàng 600 triệu đồng để mua 15.000 con tôm hùm giống thả nuôi vụ mới. Đến khi chuẩn bị thu hoạch, thương lái chưa kịp thu mua thì xảy ra lốc xoáy, mưa lớn bất thường, toàn bộ lồng bè tôm nuôi bị cuốn trôi ra biển. Ông Phạm Quốc Mỹ cho biết, gia đình tính chuyện thả nuôi trở lại nhưng khoản vay ngân hàng trước chưa trả xong nên rất khó vay mới để tái sản xuất.
“Một số vay ngân hàng, một số vốn tự có. Bây giờ bão thì đi hết rồi, mình không đoán được bất ngờ quá”, ông Phạm Quốc Mỹ nói.
Đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, gần 2.500 lồng tôm hùm nuôi với 600.000 con tôm ở tỉnh Phú Yên đang thời kỳ xuất bán bị sóng đánh dạt bờ hoặc cuốn trôi. Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần. Ông Huỳnh Tấn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, phần lớn các hộ nuôi tôm hùm đều vay vốn ngân hàng. Hiện nay, nhiều hộ gặp khó khăn về vốn để tiếp tục vụ nuôi mới trở lại.
“Huyện đã kiến nghị tỉnh, kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho bà con, để tiếp tục có nguồn vốn hỗ trợ vay ưu đãi cho bà con để tái sản xuất lại”, ông Huỳnh Tấn Khoa cho hay.
Nghề nuôi tôm hùm đã gắn bó với người dân ven biển tỉnh Phú Yên hàng chục năm nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 96.000 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Hiện nay, hạ tầng cơ sở nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Yên còn khá giản đơn, hầu hết không đủ sức chống chịu gió bão.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, về lâu dài, vùng nuôi thủy sản của tỉnh sẽ phải được tính toán lại cho phù hợp để đảm bảo an toàn và có khả năng chống chịu với diễn biến thất thường của thiên tai. Trước mắt, tỉnh Phú Yên làm việc với phía Ngân hàng có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho vay mới để khôi phục nuôi trồng.
“UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp cận với các hộ bị thiệt hại để khoanh nợ, giãn nợ tiếp tục cho vay để phát triển sản xuất. Tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương để có hướng hỗ trợ về kinh phí cũng như các giải pháp để trợ giúp khắc phục thiên tai”, ông Nguyễn Trọng Tùng thông tin./.
VOV