MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời

12-11-2022 - 05:25 AM | Tài chính quốc tế

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời

Không một chút buồn hay thất vọng khi biết những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ mà mình cưu mang dùng tiền được hỗ trợ để làm việc khác, Việt kiều Úc Jimmy Phạm chợt nhận ra rằng cho cần câu quan trọng hơn nhiều so với cho con cá. Đó là động lực để ông vượt khó, thành lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam mang tên KOTO - viết tắt của cụm từ tiếng Anh Know One, Teach One (Biết một, Dạy một).

Tới tham gia phỏng vấn muộn với bộ quần áo vẫn mặc hàng ngày, Jimmy Phạm kể rằng người ông vẫn đang "ê ẩm" sau khi dẫn đám trẻ đi xem phim vào tối hôm trước. Trợ lý của Jimmy Phạm kể rằng ông chưa có gia đình riêng và việc chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ có xuất thân đặc biệt ngốn gần hết thời gian trong tuần của ông.

Jimmy Phạm là người đàn ông mang hai dòng máu Hàn – Việt. Ông sinh ra tại Việt Nam rồi cùng gia đình sang Úc. Sau hơn hai mươi năm, ông trở về quê hương và lập nhà hàng có tên KOTO, kế đến là trung tâm đào tạo. Sau này, KOTO đã chính thức được công nhận, trở thành doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam.

Khách đến nhà hàng của KOTO nằm cạnh Hồ Tây không thể không chú ý đến dòng chữ nằm ngay trên lối ra vào: "Thành tựu tuyệt vời nhất đối với người đã giúp bạn là nhìn thấy bạn tự đứng trên đôi chân của mình và có thể giúp đỡ người khác như họ đã từng. Vì vậy, biết một hãy dạy một".

Và đó dường như cũng chính là những gì ông tâm đắc nhất khi kể cho tôi nghe về hành trình trở thành anh cả của những thanh thiếu niên cơ nhỡ, khó khăn.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 1.

Có những người sẽ giúp đỡ phụ nữ vì họ là phái yếu thường gặp bất lợi trong xã hội. Có những người lại tập trung giúp đỡ các bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Vậy vì sao ông lại chọn đối tượng giúp đỡ là trẻ em, là thanh thiếu niên đường phố?

Vào năm 1996, cuộc gặp gỡ với 4 em nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Việt Nam mình khi ấy còn nhiều khó khăn. Quận 1 cũng không được hiện đại như bây giờ. Công viên trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh toàn trẻ em đường phố. Sau khi dẫn 4 em đi ăn và trò chuyện, tôi ngộ ra nhiều hoàn cảnh mà bản thân tôi không thể nào mặc kệ.

Vì thế, khi trở lại Việt Nam lần nữa, tôi đặt mục tiêu rất rõ ràng là giúp trẻ lang thang. Cứ như vậy suốt 3 năm trời, tôi tìm gặp trẻ em khó khăn để cho tiền và cho các em học tiếng Anh. Khi đó, tôi nghĩ bản thân đã làm được điều thật tuyệt vời.

Nhưng rồi tôi nhận một "cú lừa" khiến mình phải suy nghĩ lại cách thức giúp đỡ các em. Trong một buổi đi ăn cùng các em ở Hà Nội để hỏi thăm tình hình, các em xin lỗi vì đã nói dối tôi. Tiền tôi cho các em thuê nhà thì các em lại dùng để làm việc khác.

Lúc ấy, tôi không giận các em, nhưng tôi cảm thấy bản thân đã thất bại. Vì thế, tôi tiến thêm một bước xa hơn là cho các em "cần câu" thay vì cho "cá". Từ đó, ý tưởng mở tiệm bánh sandwich xuất hiện. Tháng 6/1999 tôi mở KOTO ở Quốc Tử Giám với 9 em đầu tiên.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 2.

Ý tưởng hình thành KOTO có phải là ý định có sẵn ngay từ lúc ông trở về Việt Nam không thưa ông? Nếu không thì điều gì đã dẫn ông đến suy nghĩ thành lập KOTO?

Vào thời của tôi, mọi thứ rất rạch ròi. Việt Nam khi ấy chỉ có tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, không có khái niệm doanh nghiệp xã hội. Tôi đi đăng ký cho KOTO trở thành tổ chức phi chính phủ cũng không được, đăng ký lập doanh nghiệp cũng không xong vì bản thân không có quốc tịch Việt Nam.

Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, tôi bắt đầu đi tìm đối tác. Nhưng khi trình bày với các đối tác mô hình mở nhà hàng, lấy lợi nhuận để nuôi nấng các em thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, họ đều xua tay từ chối. Chính vì khái niệm doanh nghiệp xã hội không được nhiều người biết đến, các đối tác đều sợ "mang tiếng" khi đỡ đầu cho doanh nghiệp của tôi.

Nhưng theo tư duy của tôi, muốn nuôi và đào tạo các em thì phải có tiền. Thứ hai là các em cần môi trường vừa học vừa có thể thực hành. Vì thế, nhà hàng là nơi thiết thực nhất. Tuy nhiên, nếu gửi các em đến nhà hàng khác, mọi người thường đánh giá rập khuôn là các em lười biếng và khó tin tưởng. Như vậy tôi quyết định tự mở cửa hàng. Cứ từng bước từng bước như vậy, tôi đã đi đến quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội KOTO.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 3.

Được biết, ông là nhà sáng lập cũng là Giám đốc điều hành của doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam có tên KOTO, vậy xin ông giải thích thế nào là một doanh nghiệp xã hội?

Khác với các doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xã hội như KOTO sẽ dùng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh để phục vụ xã hội, để đưa vào đào tạo cho các học viên và đáp ứng nơi ăn chốn ở cho các em.

Để so sánh, các doanh nghiệp thương mại sẽ dùng lợi nhuận để đầu tư cho hoạt động kinh doanh, tiếp tục kiếm lời và phát triển công ty. Nhưng doanh nghiệp xã hội đầu tư vào con người. Chúng tôi cần tạo ra lợi nhuận liên tục để phục vụ cho những hoạt động xã hội.

Đã là một doanh nghiệp thì sẽ cần một nguồn vốn để thành lập, vậy thì ông đã xoay xở như thế nào trong những ngày đầu thành lập KOTO?

KOTO bắt đầu từ một tiệm bánh sandwich. Thời điểm thành lập, khoản tiền tiết kiệm của tôi sau 4 năm làm trong ngành du lịch đủ để mua 2 căn nhà ở Long Biên. Nhưng tôi không mua nhà mà dành tiền để lo cho các em. Tôi dành 10.000 USD để mua máy làm bánh, đi chạy vạy khắp nơi để mua công thức và nhiều đồ đạc khác.

Sau 1 năm mở cửa hàng, tôi nhận được tài trợ từ 4 Đại sứ quán để mở trường đào tạo ở Thụy Khuê, Hà Nội. Đại sứ quán Anh tài trợ cho KOTO chiếc bếp 21.000 USD, sau đó là Đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Sĩ và Úc.

Cứ như thế, KOTO dần lớn mạnh và nhà hàng được nhiều khách du lịch biết đến. Sau đó, tôi mở trung tâm đào tạo cho các em để có thể nhận nhiều em hơn.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 4.

Thường thì những ai đã từng ở trong hoàn cảnh cụ thể mới thấu hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của người khác. Có phải vì cũng có câu chuyện của riêng mình mà ông có động lực để giúp đỡ người khác không?

Tôi cùng mẹ và anh chị em đi qua 6 quốc gia khác nhau, từ Singapore cho đến Ả Rập. Đến năm 8 tuổi, gia đình tôi mới chuyển đến Úc. Khi còn trẻ, tôi thường nghĩ rằng bản thân không phải là người có thể mang lại nhiều hy vọng cho gia đình. Tôi thấy mình không có ngoại hình, học lực cũng không phải xuất sắc, lại sống trong gia đình không có điều kiện. Suy nghĩ sau này tôi cũng sẽ chỉ trở thành một "thằng culi" mãi đeo bám tôi.

Nhưng mẹ chính là người có tác động lớn đến cuộc đời tôi. Bà là trẻ mồ côi nhưng là người phụ nữ cực kỳ tuyệt vời. Mặc dù không biết đọc, không biết viết, cũng không có người chồng bên cạnh chia sẻ gánh nặng, bà vẫn nuôi được 6 anh em chúng tôi nên người. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng bản thân có thể vươn lên, thay đổi thành con người mà tôi hằng ao ước.

Khi từng sống trong hoàn cảnh khó khăn, tôi dễ dàng đồng cảm với những người không có gì trong tay. Tôi muốn tiếp xúc với những đứa trẻ "phức tạp" nhất của xã hội, tìm hiểu nguyên nhân và giúp các em thay đổi tư duy. Việc đó giống như đặt ra thử thách cho bản thân và tôi rất thích tìm cách vượt qua thử thách đó.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 5.

Việc tiếp cận các em có nhiều khó khăn không khi đối tượng mà ông tiếp cận là các bạn thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt?

Việc những con người xa lạ từ khắp mọi miền đất nước về chung sống với nhau dưới một mái nhà chưa đến 500m2 là điều vô cùng khó khăn. Nhưng các em ở KOTO chưa bao giờ gây gổ hay đánh nhau. Bởi vì tôi đưa ra 3 quy tắc để các em tuân thủ, bao gồm không đánh người khác, không dùng chất kích thích và không bôi nhọ KOTO, nơi chăm lo cho các em. Ngoài 3 điều đó ra, nếu làm sai, các em sẽ được chỉ bảo.

Các em luôn sợ tôi vì không thể đoán được những "hình phạt" mà tôi sẽ đưa ra. Chẳng hạn như có một em đến từ miền Tây luôn chống đối mẹ nuôi của mình. Tôi đã phạt em ngủ chung với bà ấy. Một tháng sau, em không còn cãi mẹ nuôi nữa.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 6.

Chắc hẳn mỗi một bạn thanh thiếu niên đến với KOTO đều có những câu chuyện, nỗi niềm riêng? Vậy có trường hợp nào khiến ông ấn tượng nhất, xúc động nhất không thưa ông?

Nếu hỏi tôi về những nhà tài trợ hồi 3 năm trước, có lẽ tôi sẽ không nhớ được. Nhưng nếu hỏi tôi thông tin của bất kỳ ai trong số hơn 1.200 em, tôi có thể nói đứa trẻ ấy quê ở đâu, đã lập gia đình chưa và hiện đang làm việc gì.

Khi tôi can thiệp kịp thời và giúp thêm một em có cuộc sống tốt hơn trước đây thì đó đã là thành công. Ví dụ như một đứa trẻ từng lang thang ở Thụy Khuê giờ đã có 2 ngôi nhà ở Hà Nội. Hai vợ chồng đều là cựu học sinh KOTO và hiện có 3 đứa con. Giờ em ấy đã có thể cho con mình có một cuộc sống tốt hơn em trước đây.

Tôi cũng đã xác định ngay từ đầu rằng KOTO được thành lập không phải để dạy nghề. Việc dạy nghề chỉ chiếm 1/3 ý nghĩa của KOTO. Quan trọng là KOTO muốn dạy các em trở thành những người tử tế, người có ích, người biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì cho xã hội.

Vậy nên trong 6 năm gần đây, tôi không còn "cho cần câu để đi câu cá" nữa mà tập trung vào việc thay đổi cả "nghề câu cá". Chúng tôi muốn dạy các em những giá trị cốt lõi để các em hiểu bản thân có trách nhiệm xây dựng xã hội bền vững. Những đứa trẻ ấy không cần trả ơn KOTO, chỉ cần các em đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Trẻ em đường phố thì rất nhiều, vậy KOTO có những tiêu chí nào để nhận các em? Và trong thời gian đó có em nào bỏ cuộc không thưa ông?

KOTO đã có sự thay đổi khá nhiều trong chính sách và quy trình nhận học viên. Đội ngũ tuyển sinh của chúng tôi có 3 tiêu chí để tuyển sinh. Tiêu chí thứ nhất bao gồm mức độ khó khăn ra sao, có vi phạm pháp luật hay có tính bạo lực hay không. Tiêu chí thứ hai là liệu đứa trẻ đó có sống với thái độ cả thế giới đang nợ mình và phải giúp mình hay không. Tiêu chí thứ ba là các em có tinh thần Know One, Teach One hay không. KOTO cũng sẽ có bộ phận để xác minh hoàn cảnh của các em. Điều đó cho thấy quy trình tuyển sinh khá chặt chẽ, không phải ai nộp hồ sơ cũng được nhận.

Bên cạnh đó. chúng tôi cho các em trải nghiệm thử 1 tháng để biết các em có thể thích nghi được và yêu thích môi trường ở KOTO không. Chúng tôi chia chương trình đào tạo thành hai giai đoạn với mốc là 1 năm và 2 năm.

Những em không thể theo được có quyền dừng lại sau 1 năm, nhận được chứng chỉ thông thường và được KOTO hỗ trợ tìm việc làm. Những em có thể thích nghi và học hỏi, KOTO sẽ sát cánh cùng em đến cuối cùng. Như vậy toàn bộ chương trình học sẽ được miễn phí. Các em sẽ được dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng quốc tế.

Nếu bỏ dở khi chưa hết 1 năm hoặc 2 năm, các em sẽ phải bồi thường chi phí KOTO đã hỗ trợ em. Quy định này đưa ra để các em có trách nhiệm hơn và cũng để giảm thiểu trường hợp nghỉ học. Bởi nếu các em thực sự thương gia đình, các em cần chứng minh điều đó.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 7.

Ở KOTO, các em sẽ được đào tạo những gì?

Khi đến KOTO, các em sẽ có tuần định hướng để quan sát, trải nghiệm. Sau đó, các em sẽ quyết định lựa chọn lĩnh vực bao gồm: pha chế, phục vụ và nấu ăn. Các em cũng sẽ được thực hành tại chính các nhà hàng của KOTO.

Ngoài đào tạo chuyên ngành, các em được trang bị nhiều kỹ năng khác như công nghệ thông tin ở mức cơ bản để phục vụ công việc. Thứ hai đó là học tiếng Anh. Thứ ba đó là đào tạo kỹ năng sống vì các bạn là trẻ thiệt thòi.

100% các em tốt nghiệp sẽ làm trong ngành dịch vụ nhà hàng và quầy uống (F&B). Khi ra trường, KOTO sẽ có đối tác để tạo cơ hội làm việc cho các học viên. Sau nhiều năm có thể có một số bạn thay đổi nghề nhưng đó chỉ là thiểu số.

Hiện chúng tôi vẫn đang đi thuê địa điểm để làm trung tâm đào tạo cho các em. VÌ thế, điều mà tôi thao thức và mong mỏi nhất là có thể xây dựng một ngôi trường riêng, rộng rãi hơn, khang trang hơn để tiếp tục sứ mệnh của KOTO.

Trong mỗi buổi lễ tốt nghiệp, nhìn thấy các em trưởng thành và thay đổi, cảm xúc trong ông như thế nào?

Không có lễ tốt nghiệp nào mà tôi không rơi nước mắt. Khi những khóa đầu tiên ra trường, với tư cách là một người anh, tôi thật sự vô cùng tự hào. Tôi muốn đứng trên một ngọn núi cao để hét lên thật lớn rằng tôi tự hào đến nhường nào.

Trong lễ tốt nghiệp gần đây, điều khiến tôi xúc động nhất là khi nghe một người em dân tộc thiểu số phát biểu rằng mẹ em đã rất lo lắng khi để em một mình lên thành phố, nhất là khi em chưa đến Hà Nội bao giờ. Nhưng sau 2 năm, em muốn nhắn nhủ với mẹ rằng: "Con đã trưởng thành và con còn sắp được đi Úc nữa mẹ ơi". Em ấy đã thay đổi tư duy và biết bản thân mới là người làm chủ vận mệnh. Đối với tôi, khoảnh khắc đó không thể mua được bằng tiền.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 8.

Một doanh nghiệp phi lợi nhuận, làm việc giúp ích xã hội là điều tích cực, nhưng có bao giờ ông cảm thấy áp lực hoặc mệt mỏi từ chính công việc này không?

Tôi cảm thấy áp lực gần như mỗi ngày. Khi quyết định đi theo con đường này, không có sách vở nào viết về doanh nghiệp xã hội hay có người hướng dẫn tôi giải quyết những khó khăn. Nhưng như thế lại có cái hay. Tôi lao vào làm, "ăn đòn" rất nhiều và điều đó giúp tôi học hỏi, tích lũy được kinh nghiệm.

Mặc dù nhiều người nghi ngờ rằng KOTO "treo đầu dê, bán thịt chó", hay Jimmy Phạm chỉ là "Việt kiều lắm tiền", tôi để cho mọi người tự đến tận nơi xem cách KOTO hoạt động và nhìn những thành quả mà KOTO vun đắp. Khi ấy, tự khắc họ sẽ thôi hoài nghi về tôi và doanh nghiệp của tôi.

Sau gần 18 năm nỗ lực cố gắng, cuối cùng KOTO được công nhận là doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam. Khi nghe tin này, tôi rất xúc động. Dù tôi làm việc không phải để được công nhận, nhưng quả thực đây là nguồn động viên to lớn đối với tôi. Hiện có hơn 50.000 doanh nghiệp xã hội đang hoạt động và điều đó hứa hẹn mang lại tương lai tươi sáng hơn.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 9.

Nếu được chọn lại, liệu ông có mong muốn sống cá nhân hơn, bớt nặng lòng với cộng đồng hơn không thưa ông?

Tôi vừa mới nghĩ đến điều đó ngày hôm qua. Ai cũng mong muốn có được hạnh phúc riêng của mình, chẳng hạn như mua nhà, tậu xe. Song, mong muốn của tôi giống như việc trồng cây vậy, chờ cho đến khi cái cây đó kết trái.

Đối với tôi, lý tưởng phục vụ cộng đồng giống như câu chuyện về hai anh chàng nọ trên bãi biển. Người đi trước quay đầu lại và thấy bạn mình cầm những con sao biển mắc cạn ném chúng trở lại biển. Nhưng trên bãi biển có cả nghìn con mắc cạn như vậy. Anh nói với người bạn của mình rằng cậu không thể cứu hết cả nghìn con còn lại. Người bạn tiếp tục cầm một con sao biển khác, thả xuống nước và nói: "Ít nhất là tôi cũng có thể mang lại cơ hội sống cho những con mà tôi giúp".

Vì vậy, chúng ta không cần phải đi giải cứu cả thế giới, chỉ cần mỗi người giúp thêm được một người nữa thì xã hội sẽ thay đổi rất nhiều. Đất nước Việt Nam của chúng ta cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Tôi đã dự tính đến năm 2026, tức là tròn 30 năm kể từ khi tôi về Việt Nam, tôi sẽ trao lại KOTO cho người kế nhiệm của mình. Tôi có niềm tin vào người kế nhiệm cũng chính là cựu học sinh của mình. Bạn ấy có sự sáng tạo và có khả năng giúp KOTO phát triển hơn nữa.

Là người từng nhận giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2011 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và giải thưởng Công dân toàn cầu Waislitz, ông có cảm thấy tự hào vì những thành tựu ông và đồng nghiệp đã làm cho xã hội?

Tôi không dành thời gian để ngắm nghía các giải mình đã nhận, vì không hẳn các giải thưởng này là của riêng tôi. Thực tế, chính nhờ những giải thưởng và sự kiện lớn, mọi người sẽ biết đến KOTO nhiều hơn và chúng tôi sẽ có thêm nguồn tài chính để đầu tư và chăm lo cho các em.

Người sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam KOTO: Cuộc gặp gỡ 4 trẻ lang thang thay đổi cả cuộc đời - Ảnh 10.

Vậy với cương vị là nhà sáng lập doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam, ông nghĩ như thế nào về những đóng góp của cá nhân và của KOTO cho sự phát triển chung của quốc gia?

Tôi nghĩ những gì tôi làm trong thời gian qua là chưa đủ. KOTO nên được lan tỏa gấp nhiều lần hiện tại. Những em tốt nghiệp của KOTO đã có thể làm rất nhiều thứ. Các em phát triển bản thân trên con đường đã chọn, phát triển cả lĩnh vực nghề nghiệp của mình như du lịch, khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, có em thậm chí còn sáng lập tổ chức có tên Hope Box để hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo hành. Chính các em đang là những người đóng góp không ngừng nghỉ cho đất nước.

Đối với đất nước, những công dân thành công, đóng thuế đầy đủ sẽ tốt hơn rất nhiều những trường hợp sa vào tệ nạn. KOTO đã giúp các em lựa chọn con đường đúng đắn, trở thành một công dân tích cực và có ích cho xã hội.

Ông có thông điệp, lời động viên gì cho những người cũng đang phụng sự đất nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống không?

Không chỉ là doanh nhân xã hội mà là giới trẻ nói chung, chúng ta nên ngưng suy nghĩ rằng chừng nào mình đủ đầy rồi thì mới làm việc có ích cho xã hội. Chúng ta hãy chung tay với nhau để phát triển một xã hội văn minh. Tôi mong rằng mọi người có thể thay đổi tư duy để kết hợp việc phát triển bản thân và giúp đỡ người khác, giống như tinh thần "Know One, Teach One" vậy. Tôi tin chắc rằng khi làm được như vậy thì Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Khánh Ly, Minh Phương
Hải An

Khánh Ly, Minh Phương

Tổ quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên