Người tham gia giao thông mắc lỗi gì thì được nộp tiền phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông?
Đây là thắc mắc của nhiều người trong những ngày gần đây; bởi vậy, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh sẽ đề cập cụ thể về vấn đề này qua bài viết sau đây để mọi người được biết.
- 01-05-2020Chủ tịch Hà Nội yêu cầu điều tra nghi án gọi người tới 'hỗn chiến' sau va chạm giao thông
- 19-04-2020Bộ Giao thông lên tiếng về đề xuất cho xe khách chạy xuyên tâm Hà Nội
- 26-03-2020Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm nhiều lãnh đạo cấp Vụ
- 06-03-2020Cầu Vĩnh Tuy tê liệt vì tai nạn giao thông
Căn cứ vào khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Như vậy, các trường hợp vi phạm giao thông mà có mức tiền phạt cụ thể không quá 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì người vi phạm được quyền nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông (trừ trường hợp phát hiện lỗi nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ).
Căn cứ vào khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Đồng thời, căn cứ vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ xác định rõ được trường hợp nào người vi phạm có quyền nộp tiền phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông. Đơn cử một số lỗi thường gặp đối với người điều khiển mô tô, ô tô được phép nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông:
1. Người điều khiển mô tô
- Không mang theo giấy phép lái xe.
- Không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
- Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt.
- Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu "Cự ly tối thiểu giữa hai xe".
- Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ.
- Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ.
- Chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù).
- Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
- Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
- Tránh xe không đúng quy định; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều; không nhường đường cho xe đi ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật.
- Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
- Điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép.
- Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường (đối với trường hợp không có tình tiết tăng nặng).
- Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính (đối với trường hợp không có tình tiết tăng nặng).
- Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông (đối với trường hợp không có tình tiết tăng nặng).
- Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật (đối với trường hợp không có tình tiết tăng nặng)…
2. Người điều khiển ô tô
Áp dụng trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ dẫn đến mức tiền phạt cụ thể không quá 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức; bao gồm:
- Không mang theo giấy phép lái xe.
- Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ.
- Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ.
- Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
- Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định…
Lưu ý: Bài viết này nhằm giúp mọi người nếu không may mắc phải các lỗi nêu trên thì nên nộp tiền phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông nhằm tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, mọi người cần chấp hành đúng quy định của pháp luật khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của mình và người khác cũng như tránh phải rủi ro pháp lý (bị xử phạt hành chính như trên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây ra hậu quả lớn).
Tổ quốc