MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng

29-04-2019 - 13:35 PM | Sống

Một thầy giáo dạy trẻ đã hiếm, ấy vậy mà suốt 11 năm qua, anh Nguyễn Xuân Việt (34 tuổi) vẫn cần mẫn dạy học, chăm sóc và mang lại nụ cười cho những đứa trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ ở Đà Nẵng.

Lớp học đặc biệt

"Đố các em, 1 + 1 = mấy?", người thầy giáo trẻ hỏi. "Bằng 1", một cậu học trò lí nhí đáp. "Không 1 + 1 = 2, các em nhớ nha", thầy ân cần nhắc. "Dạ", cả lớp đồng thanh đáp.

Vỗ tay, rồi thầy hỏi tiếp: "1 + 1 = 2, vậy mấy + 1 = 2?". "Dạ 2", một cô bé trả lời. "Là 1 chứ em", nói rồi thầy giáo cười gượng gạo, tiến lại gần xoa đầu cô trò nhỏ động viên.

Đó là những gì lặp đi lặp lại hằng ngày ở lớp học của thầy giáo Nguyễn Xuân Việt (34 tuổi), tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Giờ học của thầy Việt luôn diễn ra theo những cách rất đặc biệt: dỗ dành, năn nỉ, hứa hẹn, thậm chí cả "lên gân"...

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Học sinh của thầy Việt có tới 12 dạng khuyết tật khác nhau: từ bại não, tự kỷ, khiếm thính, khiếm thị, tăng động, đến khuyết tật vận động...

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 2.

"Dạy trẻ khiếm khuyết thì cần phải kiên nhẫn, yêu thương, nhẹ nhàng và xem trò như 1 người bạn...", thầy Việt nói.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ thầy Việt đã thần tượng thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký (người thầy viết chữ bằng chân). Điều đó đã thôi thúc anh nỗ lực, cố gắng trong học tập và cuộc sống với mong ước sau này sẽ có thể giúp đỡ được nhiều mảnh đời khiếm khuyết.

Năm 2004, ngay khi trở thành tân sinh viên của trường ĐH sư phạm Đà Nẵng, thầy Việt đã tình nguyện tham gia dạy học cho các em ở các Trung tâm bảo trợ xã hội. Chứng kiến những đứa trẻ khuyết tật bị thiệt thòi về con chữ, khiến anh rất xúc động và dặn lòng phải làm được điều gì đó để giúp các em.

Nghĩ là làm, năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, Việt 2 lần lặn lội ra Bắc, học thêm 2 khóa học về công tác xã hội ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau đó, anh lại tiếp tục Nam tiến để thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về chăm sóc, trị liệu cho trẻ khuyết tật.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 3.

Thầy yêu quý và chăm sóc học trò như con ruột của mình.

Các em cũng xem thầy Việt như 1 người cha, người bạn của mình...

Thầy Việt cho biết, 2 khóa học này giúp anh có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế để làm tốt công việc dạy cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… Ấy thế mà, ngày đầu tiên nhận công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, thầy giáo trẻ phải mất 2 tháng mới làm quen được với công việc thực tế: Thầy giáo kiêm bảo mẫu.

"Ngày mới về trường, tôi nhận dạy lớp 2 - đây là lớp có học sinh khuyết tật trí tuệ nặng nhất… Hằng ngày, công việc của tôi vừa dạy học và kiêm luôn cả việc vệ sinh cá nhân cho các em. Rồi chuyện học sinh tự làm đau mình và đau cả thầy là chuyện quá bình thường. Đôi khi, tiết học thành công chỉ là 1 giờ mà học sinh không quậy phá", thầy Việt tâm sự.

11 năm nỗ lực gieo chữ cho những mảnh đời khiếm khuyết

Lớp học của thầy Việt thường được tổ chức theo hình thức 1 thầy - 1 trò. Trung bình mỗi ngày, thầy dạy từ 7-8 em ở nhiều độ tuổi khác nhau từ 1-7 tuổi. Mỗi em bị 1 khuyết tật khác nhau, nhưng thầy Việt luôn chủ động nghiên cứu những phương pháp dạy học mới, sáng tạo bài giảng cho phù hợp với bệnh trạng của từng trẻ.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 4.

Không chỉ dạy học, thầy Việt còn đảm nhiệm vai trò bảo mẫu, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 5.

Nhiều em không làm chủ được hành động và tiểu tiện, đại tiện ngay tại lớp, thậm chí đánh cấu cả thầy. Thầy Việt bảo: “Nhiều lúc cũng stress lắm, nhưng dần cũng quen và càng thương các con hơn…”.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 6.

Để trẻ chịu học, thầy Việt phải dỗ dành từng tí.

"Mỗi trẻ có một nhu cầu, năng lực, sở thích khác nhau nên việc dạy các em cũng phải khác nhau. Điều quan trọng là mình phải tạo kết hợp việc học với việc chơi, để trẻ hứng thú thì mới mong có hiệu quả", thầy Việt chia sẻ.

Hôm tôi đến, đúng lúc thầy đang có giờ dạy môn tiếng Việt cho 1 cậu bé lớp 2 bị bệnh tự kỷ. Phòng học chỉ có 2 thầy trò nhưng thầy giáo không vì thế mà "nhẹ việc". Dù đã 6 tuổi nhưng trí óc của cậu bé H. này chỉ như đứa trẻ lên 3.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 7.

Mỗi tiết dạy của thầy Việt chỉ có 1 thầy - 1 trò. Nhờ sự kiên nhẫn và tận tụy với nghề nên hiện nhiều học trò của thầy đã biết đọc, viết…

Thầy Việt chỉ vào từ "quạt", H. gãi đầu: "Không biết", dù cách đó mấy phút cậu bé vừa mới đọc xong. Thầy Việt nhẹ nhàng "mình vừa đọc mà", rồi đưa tay chỉ về phía cái quạt máy, cậu bé suy nghĩ một hồi rồi à lên "quạt". Mỗi tiết học 1 tiếng chỉ để H. ghi nhớ 5 từ đơn giản và phải mất nhiều lần thầy nghỉ giữa chừng cho H. chơi trò tung chai, giữ thăng để "dụ dỗ" em học tiếp.

"H. như hôm nay đã tiến bộ nhiều rồi. Hai năm trước khi được gửi đến trung tâm, H. kích động, la hét, tự cắn vào tay mình, đánh cả bạn và thầy. Sau thời gian giáo dục can thiệp sớm, H. đã có nhiều thay đổi tích cực...", thầy Việt trải lòng.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 8.
Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 9.
Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 10.

Thầy Việt đi khắp nơi xin lốp xe cũ, dụng cụ làm khu vui chơi an toàn nhằm giúp các em năng động hơn.

Ngoài ra, thầy còn kết nối các ban ngành, tạo công ăn việc làm, phát triển định hướng tương lai cho trẻ. Bây giờ, học sinh của thầy Việt đến nay đã có 15 em hòa nhập hoàn toàn, là học sinh khá ở các trường tiểu học, THCS. Nhiều em chọn học và làm nghề. Hàng chục em đã được cải thiện tình trạng khuyết tật từ nghiêm trọng sang nhẹ và đang tiến đến hòa nhập với xã hội.

Người thầy 11 năm gieo chữ, mang lại nụ cười cho trẻ khiếm khuyết và tự kỷ ở Đà Nẵng - Ảnh 11.

"Nhờ thầy Việt mà con trai tôi đã tiến bộ mỗi ngày, giờ cháu đã biết đánh vần. Thầy như là người cha thứ 2 đã sinh ra con tôi 1 lần nữa", chị Lưu Hương (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ.

11 năm nỗ lực gieo những con chữ tròn trịa cho những mảnh đời khiếm khuyết, dù vất vả nhưng chưa bao giờ thầy Việt có ý định từ bỏ hay thấy hối hận về lựa chọn của mình. Điều khiến thầy trăn trở chính là cái nhìn của xã hội với những đứa trẻ khiếm khuyết. Theo thầy, bản thân các em không có lỗi gì cả, nhiều em khuyết tật có những tài năng đặc biệt mà chỉ khi thực sự đồng hành với trẻ ta mới nhận ra những khả năng đó.

"Tôi luôn xem học trò như con và dạy dỗ bằng tất cả tấm lòng của 1 người cha, vì các con đã phải chịu thiệt thòi... Hạnh phúc của tôi là mỗi lần trẻ nhận biết được mặt chữ, phép tính hay lễ phép vòng tay chào người lớn... Tôi yêu công việc này và không bao giờ từ bỏ! Chỉ mong xã hội hãy nhìn các em bằng ánh mắt bình thường, để các em có thể trở thành người bình thường", thầy Việt trải lòng.

Theo Hà Nam

Trí thức trẻ

Trở lên trên