MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội: Không dễ vay tiền

20-11-2017 - 16:00 PM | Bất động sản

Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện tại, lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội là 4,8%. Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ cấp cho vay trong giai đoạn 2016- 2020 là 1.062 tỷ đồng, tuy nhiên do chưa nhận được số tiền này nên ngân hàng cũng chưa thể cho người dân vay vốn.

“Nguồn vốn tiếp theo sẽ như thế nào?”, ông Vũ Văn Phấn, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đặt câu hỏi tại Diễn đàn bàn về nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.

Ông Phấn khẳng định, trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì khó khăn đầu tiên gặp phải là câu chuyện nguồn vốn, dẫn đến thời gian qua, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ không thể đáp ứng được nhu cầu.

Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thì, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc thì hiện có khoảng 2.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và người có công với Cách mạng. Trong đó, hơn 800 tỷ đồng phân bổ cho hỗ trợ nhà ở cho người có công, còn hơn 1.264 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.


Rất nhiều người đang chờ đợi để được vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Rất nhiều người đang chờ đợi để được vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Băn khoăn về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, cá nhân ông cảm thấy, tài chính cho nhà ở xã hội đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam, dường như chủ yếu chỉ huy động từ ngân hàng là chính, từ đó khuyến khích ngân hàng cho vay. Ông Nghĩa cho rằng đây không phải giải pháp dài hạn và lâu bền, gây bức xúc cho ngành ngân hàng vì phải chịu nhiều áp lực lãi suất cho người gửi tiền.

“Tôi nghĩ Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để huy động nguồn vốn khác để hỗ trợ. Có thể thành lập 1 quỹ riêng cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, như kinh nghiệm của Hà Lan”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Vệt Nam cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ trong đó có nguồn vốn, chính sách cho vay...

Tuy nhiên, nhà ở xã hội chỉ tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nếu giải quyết được ở hai thành phố này sẽ giải quyết rất tốt vấn đề này ở các vùng khác của cả nước. Những dự án nhà ở này phải xây dựng ở những vị trí có thể chấp nhận được, không quá xa khu vực trung tâm và phải có biện pháp hỗ trợ về thuế, giá thành...

Theo ông Hà, về việc lập quỹ như quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa cũng đã được bàn bạc nhiều, nhưng với thu nhập ít, chưa đủ ăn mà yêu cầu người dân nộp vào quỹ tiết kiệm là rất khó.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ quan tâm đến bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở tại các khu công nghiệp dành cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ… vẫn chưa được đáp ứng. Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa trên thị trường vẫn còn bất hợp lý. Thị trường đang dư cung trong phân khúc nhà ở cao cấp trong khi lại thiếu nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.

Thiếu nguồn cung, thế nhưng thực tế thời gian qua lại xảy ra nghịch lý một số doanh nghiệp xây nhà xong nhưng không bán được. Nguyên nhân chính là người mua nhà hiện không đủ khả năng tài chính, đặc biệt là những người có nhu nhập thấp.

Ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát (chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội The Vesta- Phú Lãm, Hà Đông) đề xuất cần có cơ chế về tài chính để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được sản phẩm doanh nghiệp làm ra.

“Người thu nhập thấp thường không có nhiều tiền nên họ phải phụ thuộc vào nguồn vay của ngân hàng. Nếu vay với mức lãi suất thương mại thì nhiều người không thể. Bởi vậy, Nhà nước cần hỗ trợ về lãi suất ưu đãi người mua nhà để họ có thể tự tin tiếp cận với sản phẩm giá rẻ”, ông Giang nói.

Theo P.Hoạt

Công an nhân dân

Trở lên trên