Người trẻ Việt vào cửa hàng tiện lợi ăn snack, uống nước ngọt và lướt net
Khảo sát trực tuyến của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me mới công bố cho thấy, số người trẻ Việt chọn vào cửa hàng tiện lợi để ăn uống ngày càng tăng.
- 25-11-2017Thị trường bán lẻ Việt: Cửa hàng tiện lợi 'lên ngôi'
- 23-07-2017Hãng thời trang và cửa hàng tiện lợi quốc tế “ồ ạt” vào Việt Nam
- 26-06-2017Khốc liệt ‘cuộc chiến’ cửa hàng tiện lợi
Khảo sát do Q&Me thực hiện với 500 người trẻ, chủ đề "Những món gì người Việt thường ăn ngay tại khu vực ăn uống bên trong các cửa hàng tiện lợi". Theo đó, có đến 80% lượng khách hàng của các cửa hàng tiện lợi là nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi 16-29. Họ vào để ăn vặt, uống nước và sử dụng các cơ sở vật chất có sẵn như chỗ ngồi có máy lạnh, wifi miễn phí để trò chuyện hoặc chơi game.
Trong đó, món snack, mì ly ăn liền và lẩu là top 3 món được gọi phổ biến nhất tại các cửa hàng tiện lợi. Món snack được mua nhiều nhất không kể thời gian nào trong ngày.
Khảo sát cũng cho thấy, các loại mì do cửa hàng làm, đồ tráng miệng, cơm hộp, đồ rán, hoa quả… cũng được mua nhiều tại các cửa hàng tiện lợi. Buổi trưa là giờ cao điểm người Việt trẻ xếp hàng đến ăn uống tại các cửa hàng tiện lợi. Đa số khách ngồi lại lâu hơn sau khi ăn để lướt điện thoại, tán gẫu, uống cà phê, nước ngọt. Tại các cửa hàng này, nước ngọt và nước lọc được mua nhiều nhất, bia chỉ chiếm 2%.
Speed L, thương hiệu cửa hàng tiện lợi thuộc LOTTE Mart Việt Nam đặt mục tiêu sẽ phát triển cửa hàng tại các trường học, bệnh viện và khu dân cư trong thời gian tới
Khảo sát của Q&Me cũng chỉ ra rằng số cửa hàng tiện lợi Việt Nam tăng đến 21% trong năm nay. Các cửa hàng FamilyMart, VinMart, Circle K và Ministop có độ nhận biết đến hơn 90%. Trong đó, chuỗi cửa hàng FamilyMart và VinMart đạt độ nhận biết về thương hiệu của khách hàng cao nhất, đến 99%. 87% người cho biết đã vào cửa hàng FamilyMart và 84% vào VinMart mua đồ. Circle K có độ nhận biết đạt 93%, trong đó, 76% cho biết đã vào cửa hàng này mua đồ. Ministop nhận biết đạt 92%, nhưng chỉ có 65% từng vào cửa hàng này mua đồ.
Tỷ lệ nhận biết thương hiệu của Bs’Mart đạt 87%, Shop&Go 79%, 7Eleven 71%, GS25 47%. Trong số đó, tỷ lệ người từng vào các cửa hàng này mua hàng lần lượt chiếm 56%, 49%, 29% và 11%.
Báo cáo hồi tháng trước của Nielsen cũng cho thấy kênh bán lẻ hiện đại cửa hàng tiện lợi đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt tại Việt Nam và ngày càng tiếp cận nhiều hơn người tiêu dùng.
Cụ thể, người Việt hiện trung bình mua sắm tại cửa hàng tiện lợi 4,5 lần mỗi tháng. Năm 2010, con số trên chỉ là 1,24 lần. Đây cũng là kênh mua sắm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 8 năm qua.
Theo ông Gaurang Kotak - Trưởng bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam, những cư dân thành thị ngày càng ít thời gian hơn nên buộc họ phải chọn cửa hàng tiện lợi để mua sắm thuận tiện nhất.
Kết quả này cũng trùng khớp với kết quả kinh doanh của 1 đơn vị cung cấp suất ăn tươi cho các hệ thống cửa hàng tiện lợi. Đại diện ban lãnh đạo công ty này từng chia sẻ mặc dù mới bắt đầu phát triển mảng thức ăn tươi từ năm 2017 nhưng doanh số tăng rất ấn tượng và đóng góp đáng kể cho doanh số toàn công ty.
Người lao động