MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Người Việt đứng ra mua bất động sản cho nước ngoài là giao dịch thương mại hay an ninh quốc gia?" và câu trả lời của Bộ trưởng Công an

Bộ Công an sẽ phối hợp quản lý việc người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trong phiên chất vấn sáng 4/6.

Trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề về nguy cơ an ninh quốc gia trước hiện tượng người Việt đứng ra mua bất động sản cho người nước ngoài.

"Việc một số người vì lý do khác nhau đã đứng ra mua bất động sản, nhà đất cho người nước ngoài, tức là người Trung Quốc. Đối với Bộ trưởng đây là dạng giao dịch thương mại hay đó là vấn đề an ninh quốc gia?", ông đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng đưa ra phương án giải quyết.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết quan điểm của Bộ Công an là phát triển quan hệ, tạo điều kiện cho người nước ngoài, các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ cũng kiểm soát những vấn đề liên quan, đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Bộ trưởng nhấn mạnh không coi vấn đề này hoàn toàn là thương mại.

"Chúng tôi không coi đơn thuần là vấn đề thương mại. Mức độ như thế nào, tập trung như thế nào, khu dân cư như nào... để đảm bảo được vấn đề về an ninh quốc gia".

Theo Bộ tưởng Tô Lâm, Bộ Công an sẽ có tính toán các biện pháp đề xuất để phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý việc đứng tên mua bán này.

Trước đó, trong kiến nghị gửi tới Chính phủ, cử tri Đà Nẵng đã phản ánh tình trạng ở các địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia, như bô xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh... và khu vực dọc theo bờ biển của miền Trung.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có sự xem xét cẩn trọng, cảnh giác với thực trạng này để đảm bảo vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia.

Tại văn bản trả lời, Bộ Công an cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, hiện đang triển khai 6.175 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65 tỷ USD. Các dự án của Trung Quốc có ở hầu hết các địa phương, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn, khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh ven biển, biên giới và trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo đánh giá của Bộ, các dự án của Trung Quốc đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, các vùng miền có dự án đầu tư nói riêng, tuy nhiên, một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Với tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung điều tra, nắm tình hình hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, kịp thời phát hiện các vi phạm về hợp đồng, tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, sử dụng lao động trái phép... để đề xuất biện pháp xử lý; nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài tại Việt Nam...

Cũng liên quan đến vấn đề này, đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên