Người Việt ở Kharkov: Xuống hầm trú ẩn khi có còi báo động, vẫn còn Internet để gọi về cho gia đình, mong chờ đàm phán thành công
Mắc kẹt ở thành phố Kharkov khi chiến sự nổ ra, điểm tựa quan trọng với chị Thảo là có thể gọi điện về cho gia đình nơi quê nhà, ngắm nhìn con nhỏ. Giống nhiều người Việt khác đang ở Ukraine, chị Thảo mong chờ đàm phán hòa bình sớm thành công để cuộc sống trở lại bình thường.
- 27-02-2022Có một Ukraine rất đẹp trước khi khói lửa bủa vây
- 27-02-2022Cổ phiếu nhiều nhóm ngành ở châu Á, trong đó có ngân hàng, sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ vụ xung đột Nga - Ukraine?
- 27-02-2022Fitch hạ xếp hạng của Ukraine, tín dụng trái phiếu Nga xuống mức “vô giá trị”
Chị Lương Thị Ngọc Thảo, 29 tuổi, đang sống tại thành phố Kharkov khi chiến sự nổ ra. Chị Thảo cho biết tinh thần của mình và bà con đều đang đang rất lo lắng và mệt mỏi. Chị cùng chồng sang Ukraine đã được 9 năm, sinh sống bằng nghề vận chuyển hàng hóa và đây là biến cố lớn đầu tiên với gia đình họ trên đất Ukraine.
Khi Covid-19 bùng phát, gia đình chị đã về nước và vẫn ở Việt Nam trong suốt hai năm qua. Đến hơn một tháng trước, dịch bệnh phần nào thuyên giảm, vợ chồng chị mới bắt đầu lại công việc của mình.
Được biết, do yêu cầu của công việc, anh chị vừa sang Ukraine từ hôm 21/2, và dự định 26/2 sẽ về nước để đoàn tụ cùng đứa con bé bỏng. Tuy nhiên, xung đột nổ ra ngày 24/2 khiến mọi dự định của anh chị đều dang dở.
Một hầm trú ẩn ở Ukraine.
Trên các hội nhóm dành cho người Việt ở Ukraine, không khó để nhận thấy tâm lý hoang mang bao trùm cộng đồng người Việt Nam. Trước tình hình chiến sự căng thẳng, nhiều người cho biết họ chỉ còn cách duy nhất là trú trong những căn hầm trú ẩn mỗi khi nghe thấy còi báo động hoặc tiếng súng đạn. Tuy nhiên, những căn hầm nhỏ vốn chỉ được thiết kế để đảm bảo tính mạng cho mọi người lại trở nên khá chật chội khi mọi người đều tìm tới.
Chị Thảo cho biết hầm trú ẩn cũng có nhiều loại, có cái cũ cái mới, cái thì nóng, cái thì lạnh. Có nhiều loại hầm rất rộng, lên đến 500 mét vuông cũng có, nhưng so với số người dồn đến khi có tiếng súng đạn thì vẫn trở nên chật chội, ngột ngạt. Chính vì thế, nhiều người xuống hầm khi nghe tiếng nổ, rồi lựa trở ra về nhà nghỉ khi tình hình có vẻ yên ắng hơn.
"Đại đa số mọi người đều không chịu được cảnh ngột ngạt dưới hầm. Cứ thấy tình hình yên ắng là mọi người lại về nhà ngủ cho thoải mái dẫu biết là có nguy hiểm. Rồi nghe thấy tiếng nổ mọi người lại cùng nhau xuống hầm sơ tán", chị Thảo kể.
Tuy nhiên, dù chiến sự căng thẳng nhưng điện và nước vẫn chưa bị cắt. Khi có tiếng súng, mọi người chủ động tắt đèn để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Internet vẫn được duy trì nên mọi người có thể gọi điện thoại về quê nhà, giữ liên lạc với người thân. Trong những giờ phút nguy nan, nhìn thấy con và người thân nơi quê nhà trở thành điều an ủi lớn lao cho chị Thảo.
Trong tâm trạng hoang mang và mệt mỏi, chỉ Thảo cho biết mong muốn của chị cũng như tất cả người dân tại đó không gì hơn ngoài đàm phán hòa bình thành công để kết thúc cảnh sống trong hầm trú ẩn.
Anh Việt, một người Việt khác đang sống ở Ukraine, cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Dù có sự chuẩn bị trước nhưng đồ ăn dự trữ trong gia đình anh đã hết. Trong cảnh bom đạn, anh Việt nói rằng mình rất nhớ quê nhà và mong có thể sớm trở về. Tuy nhiên, những tiếng nổ đã cắt đứt cuộc trò chuyện khi anh Việt cho biết cần đưa gia đình tới nơi trú ẩn.