MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn thu khủng từ thuế bảo vệ môi trường: Riêng Petrolimex và PV Oil nộp hơn 30.000 tỷ mỗi năm, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 2022

20-06-2022 - 08:48 AM | Doanh nghiệp

Nguồn thu khủng từ thuế bảo vệ môi trường: Riêng Petrolimex và PV Oil nộp hơn 30.000 tỷ mỗi năm, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 2022

Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, sau khi được Chính phủ xem xét sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Mức thuế mới được áp dụng đến hết 31/12/2022, từ 1/1/2023, mức thuế sẽ được thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:

- Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

- Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

- Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 01/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.

Đề xuất này được đưa ra sau khi giá xăng dầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử, hiện mức giá bán xăng RON 95-V vùng 2 áp dụng từ 15h ngày 13/6 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 33.620 đồng/lít, dầu diesel là 30.410 đồng/lít, gấp đôi cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 38% so với đầu năm.

Mỗi năm Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 1,1 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 31/12/2022 - Ảnh 1.

Giá xăng đã tăng 38% chỉ trong 6 tháng

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu NSNN bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Hiện thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít và với các mặt hàng dầu là 1.000 đồng/lít, mức thuế này đã giảm một nửa so với thời điểm trước ngày ¼ năm nay, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Cụ thể, từ ngày 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 4.000 đồng/lít còn 2.000 đồng/lít, giúp giá xăng giảm 2.200 đồng/lít. Còn thuế đối với dầu diesel, dầu nhờn, mazut giảm 1.000 đồng/lít, cũng giúp giá bán nhóm mặt hàng này giảm khoảng 1.100 đồng. 

Giá xăng Việt Nam đang ở đâu 

Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, mỗi tháng sẽ có 3 thời điểm điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, trong đó:

Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít) cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá (300 đồng/lít) cộng (+) lợi nhuận định mức (300 đồng/lít) cộng (+) chi phí về thuế (thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng (10%)) cộng (+) phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mặc dù đã giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 1/4/2022 tuy nhiên hiện tại trong cơ cấu giá xăng, riêng 4 mức thuế bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường đã chiếm 27% giá thành, chưa kể các loại phí như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí trích lập quỹ bình ổn ...

Mỗi năm Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 1,1 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 31/12/2022 - Ảnh 2.

Số liệu báo cáo kiểm toán của các đơn vị kinh doanh xăng dầu cho thấy số thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 75-76% tổng số thuế phải đóng trong kỳ. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đơn vị đang nắm khoảng 50% thị phần xăng dầu cả nước năm 2021 thực nộp 33.739 tỷ đồng tiền thuế, trong đó thuế bảo vệ môi trường là gần 25.500 tỷ (hơn 1,1 tỷ USD), năm 2020 Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường gần 28.000 tỷ đồng. Trong khi đó, PVOil cũng đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 7.500 tỷ trong năm 2021.

Mỗi năm Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 1,1 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 31/12/2022 - Ảnh 3.
Mỗi năm Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 1,1 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 31/12/2022 - Ảnh 4.

Do giá xăng tăng cao, hầu hết quỹ bình ổn của các đơn vị kinh doanh xăng dầu đều âm. Quỹ bình ổn của Petrolimex tại thời điểm 13/6/2022 âm 49 tỷ đồng, còn tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) là -1.032,31 tỷ đồng. Lý do là các kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, Bộ Công Thương cho phép các đơn vị kinh doanh xăng dầu không trích lập quỹ bình ổn mà chi thêm để kiềm chế đà tăng của giá xăng.

Mỗi năm Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 1,1 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 31/12/2022 - Ảnh 5.

Trước đó, tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 2/2022 để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu 10 giải pháp nhằm ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Trong đó đáng chú ý, Bộ đề nghị Bộ Tài chính (cụ thể là Cục Quản lý giá) rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu hiện nay nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Công Thương linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường khác nhau để kịp thời bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Giá xăng Việt Nam đang ở đâu trên thế giới

Giá xăng Việt Nam đang thấp thứ 84 trên thế giới, cao hơn giá xăng tại Mỹ, Nhật, Australia, Indonesia, đứng thứ 3 trong Đông Nam Á, giá xăng Việt Nam đắt hơn Malaysia và Indonesia, trong khi rẻ đáng kể so với Thái Lan, Lào, Campuchia và Singapore.

Mỗi năm Petrolimex đóng thuế bảo vệ môi trường hơn 1,1 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đến hết 31/12/2022 - Ảnh 6.
https://cafef.vn/nguon-thu-khung-tu-thue-bao-ve-moi-truong-rieng-petrolimex-va-pv-oil-nop-hon-30000-ty-moi-nam-bo-tai-chinh-de-xuat-giam-them-1000-dong-lit-den-het-2022-20220619095643246.chn

Châu Cao

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên