MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn vốn ADB: lựa chọn mới cho doanh nghiệp tư nhân

Nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ là một lựa chọn mới cho các DN tư nhân Việt Nam nhằm đa dạng nguồn huy động vốn trong điều kiện tiếp cận với nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại vẫn còn khó khăn.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tuần trước, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đã tiết lộ rằng, ADB đã thực hiện nhiều chương trình cho DN tư nhân vay vốn làm ăn ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu ADB cũng thừa nhận rằng chương trình này ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.

Sẵn vốn chờ DN tư nhân vay

Về lý thuyết đối với ADB thì hoàn toàn không có trở ngại nào, nhưng ADB chưa hề nhận được bất cứ yêu cầu vay vốn nào từ phía các DN tư nhân của Việt Nam. Mặc dù chúng tôi rất muốn cho vay, nhưng chưa thấy DN nào hỏi vay cả” – ông Takehiko Nakao chia sẻ.

Việc không có DN Việt Nam nào hỏi vay vốn từ ADB, dù rằng ADB đã chuẩn bị sẵn nguồn tài trợ và rất sẵn sàng cho vay, có lẽ đã gây ngạc nhiên cho ông Takehiko Nakao. Nhưng điều này cũng gây ngạc nhiên với không ít các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp cho rằng không hề biết ADB có chương trình cho DN vay vốn đó, vì từ trước tới nay ADB mới chỉ được biết đến là một trong những nhà tài trợ vốn lớn nhất của Chính phủ Việt Nam.

Mặc dù vậy, với thông tin mà ông Takehiko Nakao cung cấp, các DN cũng sẽ có thêm một lựa chọn mới khi tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và sản xuất trong thời gian tới.

Chiến lược Đối tác Quốc gia mới

ADB đã thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi khôi phục các hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993. Tính tới ngày 31 tháng 12 năm 2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỷ USD vốn vay, 276,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 318,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Hầu hết số vốn đó được tài trợ cho các lĩnh vực nhằm tạo ra sự phát triển bền vững như y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra ADB cũng hỗ trợ Việt Nam và các nước Tiểu vùng sông Mekong để phát triển Hành lang kinh tế Đông-Đông Tây.

Ông Takehiko Nakao cho biết, thời gian tới ADB sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực trên. Ngoài ra, trong thông báo mới nhất của ADB tại Việt Nam, ngân hàng này tuyên bố sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.

Theo Chủ tịch ADB, ngân hàng này sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam mỗi năm khoảng 1 tỷ USD. Đây là một số tiền không hề nhỏ trong bối cảnh Việt Nam đang trong cơn khát vốn để phát triển.

Đồng thời với đó, ADB cũng đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.

Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các DN nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước, nâng cao quản trị DN và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế, và nâng cao hiệu quả chi tiêu công” – ông Takehiko Nakao nói.

Theo Ninh Kiều

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên