Nguồn vốn giá rẻ giảm mạnh tại nhiều ngân hàng
Một trong những nguyên nhân chính là tác động của Covid-19, đặc biệt là khoảng thời gian giãn cách xã hội.
- 31-07-2020Kho bạc nhà nước rút mạnh tiền gửi tại Vietcombank, VietinBank, BIDV
- 16-05-2020Tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng giảm
Tập hợp thống kê của BizLIVE tại 19 ngân hàng đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 cho thấy, lượng tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng đi xuống trong 6 tháng đầu năm.
KienLongBank là một ví dụ. Mặc dù tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tới 10,4% trong 6 tháng đầu năm nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại sụt giảm mạnh tới gần 31%, xuống còn vỏn vẹn hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, cùng tiền gửi ký quỹ trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 4,62% hồi đầu năm xuống còn 2,88% vào cuối tháng 6/2020, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA thấp nhất trong nhóm khảo sát.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại BacABank đã giảm tới 27,4% trong 6 tháng qua, khiến CASA rớt xuống mức rất thấp, chỉ 1,21%.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm SHB (-21%), Eximbank (-18,4%), SeABank (-14,8%)…
Lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm khiến CASA của nhà băng đi xuống. Khảo sát cho thấy có tới 17/19 thành viên ghi nhận CASA sụt giảm trong 6 tháng qua.
Trong đó, SHB là một trong những ngân hàng ghi nhận CASA sụt giảm mạnh trong kỳ qua khi tỷ lệ này chỉ còn 6,95%, so với mức 9,38% hồi đầu năm. Tại LienVietPostBank, CASA cũng giảm 2,28 điểm %, xuống còn 12,27%; SeABank giảm 3,71 điểm %, xuống còn 8,73%.
Ngay cả ba thành viên vốn có thế mạnh về CASA bao gồm MBB, Techcombank và Vietcombank cũng ghi nhận tỷ lệ này đi xuống.
Trong đó, MBB mặc dù vẫn dẫn đầu nhóm khảo sát với CASA đạt 35,61% nhưng đã giảm nhẹ so với mức 38,38% hồi đầu năm. Tương tự, Vietcombank ghi nhận giảm 1,98 điểm % và Techcombank giảm 0,05 điểm %.
Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.
Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Tỷ lệ CASA càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong khi vẫn giữ được lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh trên thị trường.
Đó cũng là lý do vì sao trong vài năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA, khi các thành viên liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền…
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.
Tuy nhiên, như trên, số liệu báo cáo lại cho thấy một thực tế không mấy khả quan trong 6 tháng qua.
Cũng cần lưu ý, lượng tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng suy giảm được đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 trong suốt hơn nửa năm qua, trong đó có khoảng thời gian giãn cách xã hội.
Như BizLIVE từng đề cập ở giai đoạn đó , dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lượng tiền gửi của người dân trên tài khoản thanh toán toàn hệ thống ngân hàng có hiện tượng sụt giảm mạnh cả về tổng giá trị lẫn mức bình quân.
Ở một diễn biến khác, trong kỳ thống kê này, thị trường chứng khoán lại ghi nhận số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tục lập kỷ lục; cùng đó, giá vàng liên tục leo thang trong kỳ cũng là một yếu tố có thể chia sẻ nguồn tiền nhàn rỗi trước đó để ở các ngân hàng thương mại.
BizLIVE