MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ "chưa giàu đã già"

05-10-2017 - 07:37 AM | Xã hội

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng, ngày càng lan rộng và đất nước đang bước vào thời kỳ "già hóa dân số", đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già".

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có 2 nội dung quan trọng được đề cập là công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.

Trên cơ sở các báo cáo, đề án và tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, Tổng Bí thư đề nghị Ban Chấp hành trung ương thảo luận, phân tích, đi đến thống nhất cao nhận định về những kết quả, ưu điểm, thành tích cũng như về những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian qua. "Về quan điểm, định hướng, phải chăng cần nhấn mạnh kết hợp tốt hơn nữa giữa phòng bệnh và chữa bệnh; giữa đầu tư ngân sách nhà nước với tăng cường tự chủ, xã hội hóa; giữa y tế toàn dân với đào tạo các bác sĩ, chuyên gia giỏi, đầu ngành...?" - Tổng Bí thư gợi ý.


Tỉ lệ sinh trung bình của cả nước đã xuống thấp và có xu hướng mất cân đối giới tínhẢnh: Tấn Thạnh

Tỉ lệ sinh trung bình của cả nước đã xuống thấp và có xu hướng mất cân đối giới tínhẢnh: Tấn Thạnh

Đối với công tác dân số, Tổng Bí thư khẳng định đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Trong 25 năm qua, cả nước ta đã kiên trì, kiên quyết thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 khóa VII. Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, phát sinh những vấn đề mới cần kịp thời có định hướng xử lý.

Bí thư bày tỏ lo ngại: "Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Nước ta đang bước vào thời kỳ "già hóa dân số", đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già", bỏ lỡ cơ hội của "thời kỳ dân số vàng". Quản lý dân số, quản lý di cư, nhất là di cư tự do, còn nhiều bất cập. Chất lượng dân số, nhất là chiều cao và thể lực, chậm được cải thiện. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn xảy ra ở một số vùng dân tộc ít người; tỉ lệ người bị khuyết tật trong dân số còn cao...".

Trên cơ sở thống nhất nhận định về tình hình, xu thế phát triển trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị trung ương đi sâu phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công của công tác dân số ở nước ta và tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Từ đó, đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, làm tốt hơn nữa công tác dân số trong trong tình hình mới.

"Phải chăng, trong thời gian tới cần, chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển? Nội hàm cụ thể của các khái niệm đó là gì? Ý nghĩa thực tiễn của nó ra sao? Tập trung phân tích những căn cứ và sự cần thiết, đúng đắn của việc chuyển trọng tâm từ giảm tăng dân số thông qua việc thực hiện triệt để, đồng loạt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con sang kiểm soát quy mô, nâng cao chất lượng dân số bằng chính sách duy trì mức sinh thay thế" - Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Theo Bảo Trân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên