MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy và cơ nhà đầu tư Trung Quốc "đổ bộ" các khu công nghiệp Việt Nam

Làn sóng vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua với đa số nhà đầu tư Trung Quốc được các chuyên gia cho rằng mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu rộng bởi đại dịch COVID-19, cùng với việc Việt Nam đối phó tốt với dịch thì dòng vốn FDI đổ vào BĐS công nghiệp được các chuyên gia đánh giá là "điểm sáng".

Nguy và cơ nhà đầu tư Trung Quốc đổ bộ các khu công nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

BĐS công nghiệp Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư FDI đặc biệt từ Trung Quốc. Ảnh: KCN VSIP Bắc Ninh

Việc các NĐT đến từ Trung Quốc đang chiếm đa số với 9/20 dự án tiêu biểu đầu tư vào các KCN tại 2 miền Bắc và Nam Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đã khẳng định việc đang có dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Xét ở góc độ thu hút đầu tư đơn thuần cũng như đối với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng BĐS công nghiệp tại Việt Nam thì đây là một tín hiệu tốt. Trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa chào đón đầu tư FDI dù là NĐT đến từ quốc gia nào thì doanh nghiệp làm hạ tầng cũng sẽ thu được tiền thuê đất, có dự án là sẽ có vốn đầu tư được giải ngân, qua đó sẽ có đóng góp các loại thuế vào ngân sách.

Tuy nhiên, đằng sau bức tranh thu hút đầu tư được cho là khá tích cực đó các chuyên gia cũng đặt ra không ít băn khoăn khi các NĐT Trung Quốc ngày càng "ưa thích" Việt Nam thời gian qua.

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group cho rằng việc các NĐT Trung Quốc tăng M&A các dự án bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đến từ việc họ đang "xí phần" miếng bánh lớn khi làn sóng chuyển dịch vốn FDI sang Việt Nam đang diễn ra. Khi các ông lớn FDI chuyển sản xuất sang Việt Nam thì các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng trong thế "Tôi lại ở đây và sẵn sàng đón các anh!" trên chính đất Việt Nam.

"Để tránh thua ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng đón bắt cơ hội nếu không cơ hội sẽ trôi qua rất nhanh" - ông Hưng bày tỏ.

Ở một góc độ khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng khả năng lượt thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nhiều hơn nếu tính cả hình thức đầu tư dạng "núp bóng".

Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thì các doanh nghiệp Trung Quốc vốn có quy mô và tiềm lực lớn hơn nhiều lần có thể thông qua việc mua bán, sáp nhập "không thân thiện" để chi phối tiến tới "thâu tóm" các doanh nghiệp trong nước nhằm chi phối thị trường.

Đối với nguy cơ này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng bên cạnh là nước láng giềng và có chi phí thấp, văn hóa đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cũng gần giống nhau thì cơ hội phát triển ở một thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng được xem là khá lớn cho nhà đầu tư Trung Quốc.

Nguy và cơ nhà đầu tư Trung Quốc đổ bộ các khu công nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

Kho hàng 1,8 triệu tấn Nhôm của 1 doanh nghiệp Trung Quốc tại Bà Rịa-Vũng Tàu bị nghi là nhập về Việt Nam để gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O).

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về việc các nhà đầu tư Trung Quốc sau khi mua các BĐS công nghiệp sẽ không rót vốn mở rộng đầu tư, sản xuất mà họ sẽ nhập hàng Trung Quốc về rồi gắn mác hàng Việt để xuất khẩu.

Trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ - Trung hiện nay, Việt Nam sẽ có nguy cơ bị biến thành "cứ điểm" để các doanh nghiệp Trung Quốc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là hiển hiện. Việc này cũng khiến hàng Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,...

Trước những nguy cơ trên TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định trong việc thu hút đầu tư FDI nói chung và đầu tư FDI từ Trung Quốc nói riêng một khi đã cho phép thì không nên phân biệt NĐT đến từ nước nào bởi hiện nay việc một người có hơn 1 quốc tịch là bình thường.

Theo ông Nghiêm việc cần làm trong việc thu hút đầu tư cần nghiên cứu bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc còn có khoảng trống để vừa thu hút được vốn FDI lại vừa tránh được nhưng nguy cơ cho kinh tế và an ninh quốc phòng.

"Quan trọng nhất là việc xây dựng luật pháp và các chế tài liên quan cần chặt chẽ, khoa học và toàn diện, vừa thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội" - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên