MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC: Vì sao có đến 3 lần đổi tội danh với BS Hoàng Công Lương?

04-01-2019 - 20:44 PM | Xã hội

Nếu không có tình tiết nào của vụ án thay đổi mà Cơ quan điều tra thay đổi tội danh thì ít nhiều phải đặt ra dấu hỏi về sự "bình thường hay không" về năng lực của cán bộ điều tra.

Trong vụ án 9 bệnh nhân thiệt mạng khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã phải 3 lần ra quyết định thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương tội từ tội "Vi phạm quy định khám chữa bệnh", sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Và sau khi hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hòa Bình quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì Cơ quan cảnh sát điều tra lại quyết định thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương thành tội “Vô ý làm chết người” theo điều 98 Bộ luật hình sự 1999.

Lý do Cơ quan điều tra đưa ra là: “Hoàng Công Lương là bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập; có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận nhân tạo trong ca chạy lọc thận ngày 29/5/2017 tại Đơn nguyên lọc thận máu.

Về ý thức chủ quan, Hoàng Công Lương không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nêu trên. Mặc dù, với trình độ được đào tạo, kiến thức của bản thân, vai trò của bác sĩ điều trị, cũng như sự an toàn của người bệnh thì Hoàng Công Lương phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cơ quan điều tra liên tục thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương là vi phạm tố tụng và cũng không đúng với hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương.

Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng có không ít đại biểu chất vấn các cơ quan tiến hành tố tụng về vụ án này. Khi xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đã phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, vì cho rằng vụ án còn lọt người phạm tội.

 Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC: Vì sao có đến 3 lần đổi tội danh với BS Hoàng Công Lương? - Ảnh 1.

Bs. Hoàng Công Lương

Sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì ngày 4/7/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố thêm 2 bị can là ông Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình và ông Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đồng thời thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với bác sĩ sĩ Hoàng Công Lương từ tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội "Vô ý làm chết người" theo điều 98 Bộ luật hình sự 1999.

Sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, không chỉ có bản thân bác sĩ Lương, mà dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình.

Trước hết, cần khẳng định rằng, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì việc Cơ quan điều tra thay đổi tội danh nhiều lần đối với bị can là không vi phạm.

Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung, nếu có các tình tiết mới mà trước đó Cơ quan điều tra chưa phát hiện hoặc có những tình tiết mới làm thay đổi tính chất của hành vi phạm tội thì việc thay đổi tội danh đối với bị can là bình thường được Bộ luật tố tụng hình sự cho phép.

Nhưng nếu các tình tiết của vụ án không có tình tiết nào thay đổi, mà Cơ quan cảnh sát điều tra thay đổi tội danh thì ít nhiều cũng phải đặt ra dấu hỏi về sự "bình thường hay không" về năng lực của cán bộ điều tra.

Về nội dung, đối với cả ba tội danh mà Cơ quan điều tra khởi tố, thay đổi đối với bác sĩ Hoàng Công Lương đều là tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý.

Tức là:

- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (về lý luận gọi là "vô ý vì quá tự tin")

- Hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (về lý luận gọi là "vô ý vì cẩu thả").

Căn cứ vào hành vi phạm tội cụ thể do vô ý mà người phạm tội thực hiện, nhà làm luật quy định nhiều tội danh khác nhau như: Tội "vô ý làm chết người"; "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; tội "vô ý làm lộ bí mật Nhà nước"; tội "vi phạm quy định khám chữa bệnh". v.v…

Riêng đối với tội "vô ý làm chết người", về lý luận cũng như thực tiễn thì, "vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra".

Như vậy, người phạm tội phải có hành vi tác động vào cơ thể của nạn nhân nhưng không mong muốn, cũng không bỏ mặc cho người mà mình có hành vi tác động bị chết như: đẩy ngã, bắn nhầm, cho uống nước, ăn cơm…

Còn đối với hành vi vô ý làm chết người của nhân viên y tế thường là tiêm nhầm, cho uống nhầm thuốc hoặc truyền dịch cho bệnh nhân.

Về lý luận, nếu chỉ căn cứ vào hành vi thì, người phạm tội vô ý làm chết người cũng có những hành động tương tự hành vi của tội giết người, chỉ khác ở chỗ thái độ tâm lý của người phạm tội đối với cái chết của nạn nhân là không mong muốn, không bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra.

Nếu không có sự tác động đến thân thể nạn nhân thì không phải là hành vi khách quan của tội vô ý làm chết người.

Căn cứ vào diễn biến sự việc, trong vụ 9 bệnh nhân thiệt mạng khi chạy thận thì bác sĩ Hoàng Công Lương không có hành động nào tác động vào cơ thể của các nạn nhân, mà nguyên nhân dẫn đến 9 người tử vong là do Đơn nguyên lọc máu (thuộc khoa Hồi sức tích cực) không có kỹ sư, kỹ thuật viên và không ai được phân công nhiệm vụ để kiểm tra chất lượng nước, dịch lọc nước trong và sau khi lọc máu.

Hàng ngày, để phục vụ chạy thận cho bệnh nhân, điều dưỡng viên nào của đơn nguyên đến trước sẽ vào phòng xử lý nước bật công tắc vận hành hệ thống RO. Sau khi bệnh nhân được thăm khám, bác sĩ sẽ ra y lệnh chạy lọc thận khi thấy chỉ số sinh tồn của họ đảm bảo đủ điều kiện.

Nếu cho rằng, bác sĩ Lương có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian sửa chữa và là bác sĩ duy nhất trong ba người được phân công điều trị cho bệnh nhân ở đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh chạy thận; ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại trong đơn nguyên để tiến hành lọc máu cho các bệnh nhân trong ca điều trị là chưa phù hợp với hành vi khách quan của của tội "vô ý làm chết người".

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án chỉ được trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung không quá 02 lần.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, sau khi đã xét hỏi và tranh tụng, nếu Hội đồng xét xử xét thấy việc điều tra chưa đầy đủ thì vẫn có quyền trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung; nếu xét thấy việc điều tra bổ sung là không cần thiết hay không thể điều tra được nữa thì có quyền tuyên bố bác sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội như Viện kiểm sát truy tố.

Theo Đinh Văn Quế Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên