Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và hàng loạt cựu giám đốc sở bị kiểm điểm
Để xảy ra những sai sót trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2011-2016, 8 cá nhân nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở cùng nguyên các Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa qua nhiều thời kỳ bị kiểm điểm.
Ngày 25/8, nguồn tin Tiền Phong cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức theo Kết luận 404/KL-TTCP ngày 26/3/2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2011-2016.
Theo đó, tại cuộc họp đã tiến hành kiểm điểm 8 cá nhân nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở cùng nguyên các Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa thời kỳ 2006-2016.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức kiểm điểm đối với ông Lê Tuấn Quốc (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Nguyễn Phước Lễ (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, ông Vũ Ngọc Thảo (nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải), ông Nguyễn Thanh Giang (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo), ông Cao Xuân Tiều (nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các ông Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Chí Lợi, Trần Vinh Quang (đều là nguyên Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa giai đoạn 2006-2016).
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 404/KL-TTCP chỉ ra nhiều sai phạm của 8 cá nhân này trong công tác giao đất, cho thuê đất , chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chậm đôn đốc và chậm phê duyệt phương án trồng rừng và thay thế đối với các chủ đầu tư có sử dụng đất rừng để thực hiện dự án đầu tư, vi phạm Khoản 5 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành các quyết định về giá đất vi phạm Luật Đất Đai gây thất thoát hàng chục tỷ đồng ngân sách.
Đối với các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trước ngày 1/7/2013 (thời điểm Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT Ngày 6/5/2013 có hiệu lực thi hành), nhưng đến ngày 30/9/2015 UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa yêu cầu các chủ đầu tư lập phương án, chưa có quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế để chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Kết luận thanh tra cũng nêu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra thường xuyên, chưa kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư có vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Điều 64 Luật Đất Đai 2013.
Việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ở các huyện Xuyên Mộc, Tân Thành, Đất Đỏ và TP.Vũng Tàu bị buông lỏng trong thời gian dài, để các hộ gia đình và cá nhân lấn chiếm nhưng không được kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành các quyết định về giá đất vi phạm Luật Đất Đai gây thất thoát hàng chục tỷ đồng ngân sách. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu vẫn còn sai phạm, chỉ định thầu chưa đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; còn để xảy ra nhiều sai phạm trong lập thẩm định và phê duyệt dự toán của một số công trình xây dựng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước…
Kết luận 404/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ cũng nêu cụ thể, tổng số tiền sai phạm về tài chính đất đai , bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời kỳ 2011-2016 cần được xử lý hoặc truy thu về cho ngân sách Nhà nước là hơn 1.729 tỷ đồng. Trong đó, sai phạm về tài chính đất đai là hơn 1.666 tỷ đồng, sai phạm tại Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh là hơn 2 tỷ đồng, sai phạm về đầu tư xây dựng cơ bản là hơn 60 tỷ đồng.
Với những sai phạm kể trên, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có liên quan chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm nêu ở phần kết luận.
Tiền Phong