MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chương trình phục hồi kinh tế phải linh hoạt

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời Nhadautu.vn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời Nhadautu.vn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Do tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường do đó mọi kế hoạch, chương trình nên rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Là một nền kinh tế có độ mở vào loại hàng đầu thế giới, sự phát triển của nước ta không thể không tính đến những biến động trên hoàn cầu.Trong những năm gần đây, tình hình quốc tế diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp về nhiều mặt trong đó có sự ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có cuộc trao đổi với Nhadautu.vn về dịch chuyển mới của thế giới và phương thức ứng phó của các nước trong đó có Việt Nam.

Thưa ông, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới con người cũng như nền kinh tế thế giới. Ông đánh giá thế nào về sự dịch chuyển thời gian qua?

Ông Vũ Khoan: Trong những thập niên gần đây, bên cạnh những mối đe dọa truyền thống liên quan tới xung đột, chiến tranh thế giới còn phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa phi truyền thống, trong đó hai năm qua nổi lên đại dịch COVID-19 và những hiện tượng cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu.

Đại dịch COVID-19 thật sự là một trong những thảm họa y tế lớn nhất trong lịch sử loài người, làm cho trên 250 triệu người lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của trên 5 triệu người, tác động sâu rộng cả về vật chất lẫn tinh thần đối với mọi quốc gia không phân biệt lớn - nhỏ, giầu - nghèo.

Đồng thời, những biểu hiện thiên tai cực đoan do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra tiếp tục hoành hành đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của con người. Hiện nay, hầu hết các nước buộc phải chuyển từ mô hình Zero COVID sang mô hình "sống chung" với nó để phục hồi kinh tế.

Quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực và sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch và cả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; quy mô, vào quy mô và mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và cả văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung và trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung nói riêng.

Tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này nếu tính rằng, thế giới đã buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với chúng kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD.

Hơn nữa kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau: trong khi một số sản phẩm, nổi lên là nhiên liệu, năng lượng gia tăng tạo nên nguy cơ lạm phát lớn lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do "cầu" giảm vì thu nhập của của phần lớn các tầng lớp dân cư thuyên giảm đáng kể.

Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần…

Rơi vào đúng thời điểm Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các mối đe dọa phi truyền thống nói trên vô hình chung càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ…

Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn, lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới. Các chuối sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ tửng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lường mới.

Đại dịch COVID-19 cũng đặt ra những cơ hội và thách thức quản trị cho các Chính phủ?

Ông Vũ Khoan: Dù sao đi nữa thì trước mắt và trong những thập kỷ tới, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ tiếp diễn như dòng chảy chủ yếu.

Hiện, các nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra rất nhiều dự báo về thời điểm Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành siêu cường hàng đầu. Tuy nhiên, sức mạnh vật chất giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách đáng kể về GDP tính theo đầu người, vị trí đồng tiền, trình độ nhiều lĩnh vực chủ yếu về khoa học công nghệ, kể cả những ngành then chốt, vai trò trong các thể chế toàn cầu, ảnh hưởng văn hóa…

Cục diện trên đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, nước ta vừa đứng trước nhiều cơ hội đáng kể, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ.

Một trong những thuận lợi cơ bản là uy tín và vị thế của nước ta trong thế giới ngày nay đã được nâng cao đáng kể, các nước lớn nhỏ đều coi trọng.

Bất luận tình hình diễn biến ra sao ta vẫn kiên trì quan điểm lấy lợi ích quốc gia - dân tộc là cao nhất, kiên trì chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, không chọn bên mà chọn lẽ phải; đó là độc lập cho mọi dân tộc, chủ quyền đối với mọi quốc gia, hòa bình cho mọi dân tộc, hợp tác xây dựng vì sự phát triển.

Đại hội Đảng XIII đã đặt ra những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo nguyên Phó Thủ tướng có cần thay đổi chiến lược này hay không?

Ông Vũ Khoan: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lĩnh vực kinh tế được thể hiện chủ yếu ở ba báo cáo: Báo cáo chính trị; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tôi cho rằng cả ba báo cáo có nhiều điểm mới, nổi bật cả về nội dung và cách trình bày, được khái quát trong các phần về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và về hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước đại dịch, nước ta cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt. Chương trình tổng thể theo hướng này dường như đang được tích cực soạn thảo.

Do tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường do đó mọi kế hoạch, chương trình nên rất linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc.

Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội đang được soạn thảo sẽ mang tính tổng thể; cách tiếp cận như vậy hết sức thỏa đáng. Hy vọng rằng lĩnh vực "xã hội" theo nghĩa rộng sẽ được đề cập đậm nét hơn bình thường vì tác động của các mối đe dọa phi truyền thồng đối với lĩnh vực này rất nặng nề và lâu dài có thể ảnh hưởng ngược lại về chính trị an ninh và kinh tế - tài chính.

Việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương rất cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người. Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này.

Các mối đe dọa phi truyền thống đồng thời cũng bộc lộ rõ thêm những điểm yếu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có tình trạng các đại đô thị và cả các khu công nghiệp tập trung lớn chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vùng đang diễn ra hiện nay cần tính đến điều này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!



Theo Thắng Quang

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên