MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng bắt tay doanh nghiệp

02-05-2019 - 13:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Kết nối ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) tại 3 TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai nhằm "bơm" vốn cho DN tập trung vào sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ổn định lãi suất

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết NHNN đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách để ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên NH ở mức thấp tạo điều kiện ổn định lãi suất. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng được điều chỉnh giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lên lãi suất cho các tổ chức tín dụng.

Nhà băng bắt tay doanh nghiệp - Ảnh 1.

Khoảng 195.000 doanh nghiệp được các ngân hàng thương mại cam kết cho vay mới gần 2,5 triệu tỉ đồng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ DN, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản ổn định" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2019, sau đề nghị của Thống đốc Lê Minh Hưng, 4 NH thương mại quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên. Hiện lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn, 9%-11%/năm đối với trung - dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ các lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 6,5%/năm.

Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khoảng 2,8% so với cuối năm ngoái, nguồn vốn được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Đáng lưu ý, cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong năm 2018, tín dụng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 61,19% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 21,41%. Riêng tín dụng đối với DN nhỏ và vừa đến cuối năm 2018 đạt 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm trước, chiếm tỉ trọng khoảng 18% (có gần 200.000 DN còn dư nợ).

195.000 doanh nghiệp được hỗ trợ

Từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, TP triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối NH - DN. Hơn 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với DN, qua đó tháo gỡ khó khăn cho gần 195.000 DN với tổng số tiền các NH thương mại cam kết cho vay mới gần 2,5 triệu tỉ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng triển khai nhiều hình thức giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh như gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ của khách hàng... với dư nợ trên 150.000 tỉ đồng.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết quãng thời gian từ 2008-2012 là giai đoạn khó khăn của các DN. Thời điểm đó, DN cần vốn nhưng không dễ tiếp cận, NH không dám giải ngân mà chỉ tập trung thu nợ. Giữa NH và DN niềm tin suy giảm nghiêm trọng, thậm chí một số thương hiệu lớn của TP có nguy cơ rời khỏi thị trường vì thiếu vốn duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

"Đúng vào thời điểm đó, sáng kiến kết nối giữa NH và DN ra đời đã làm thay đổi câu chuyện. Lần đầu tiên, NHNN và chính quyền địa phương tham gia vào hỗ trợ DN vay vốn. Sáng kiến đặc biệt này giúp kéo NH và DN gần nhau hơn, tạo niềm tin cho nhau, một phần thông qua NHNN, chính quyền địa phương. Hiệu quả đem lại của chương trình kết nối là rất lớn" - ông Trần Việt Anh kể lại.

Rất nhiều DN nhỏ và vừa tham gia ký kết ở các chương trình kết nối, sau đó phát triển ổn định nhờ nguồn vốn được bổ sung kịp thời, trả được nợ gốc, lãi vay. Các DN thực hiện nghiêm túc cam kết khi vay vốn, tạo ra sự tăng trưởng ổn định. Nhiều lãnh đạo NH thương mại đã chủ động gặp gỡ, chia sẻ khó khăn với DN, "ngồi" cùng DN và có sự gắn kết tạo nên những điển hình tiêu biểu của phong trào này.

Là khách hàng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Củ Chi, chủ trại cá giống Nguyễn Trung Hiếu (ngụ TP HCM) cho biết anh từng có thời gian rất khó khăn khi không có vốn để kinh doanh, phải vay mượn bạn bè khắp nơi; thậm chí anh phải bán toàn bộ số vàng lúc cưới vợ để có vốn làm ăn. Và trong một lần tham dự buổi gặp mặt tại chương trình hỗ trợ chuyển đổi kinh tế vật nuôi cây trồng có sự bảo trợ của ngành NH, anh Hiếu đã nhận được hỗ trợ cho vay vốn từ BIDV.

"Đến nay, cơ sở đã đạt tổng đàn cá lăng khoảng 18 tấn, 2 cơ sở ươm giống và nhiều kênh vệ tinh ươm gia công ở các tỉnh miền Tây, tổng số vốn đầu tư lên đến 7 tỉ đồng. Trong tương lai, tôi sẽ phát triển cơ sở của mình với quy mô lớn hơn nữa để trở thành một trung tâm sản xuất giống cá lăng lớn nhất khu vực miền Đông" - anh Hiếu chia sẻ.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết bà đã có hơn 50 năm trong ngành nông nghiệp và Ba Huân phát triển như ngày hôm nay cũng một phần nhờ NH đồng hành.

Nhiều chính sách tiếp tục được triển khai

Nhiều DN cho rằng ngành NH cần có cơ chế thoáng hơn trong quy định tài sản thế chấp, thủ tục xét duyệt vay vốn nhanh hơn, thuận lợi hơn. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng cải cách thủ tục hành chính trước hết cần đặt ra với NH thương mại, đặc biệt là câu chuyện quan hệ tín dụng. Các NH thương mại cần nghiên cứu giải pháp để hồ sơ nhanh chóng thuận lợi và vẫn bảo đảm an toàn, yêu cầu tối thiểu để cho vay không mất vốn. Đồng thời, cần công khai minh bạch lãi suất, các loại phí, công bố thời gian xét duyệt cho vay để từng DN biết và chia sẻ.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa vay vốn tổ chức tín dụng thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa.

Tín dụng đặc thù cho lĩnh vực ưu tiên

Lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất - kinh doanh của DN. NHNN cũng sẽ có các giải pháp hỗ trợ NH thương mại mở rộng tín dụng hiệu quả, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên