Nhà cao tầng - giải pháp tất yếu của không gian đô thị hiện đại
Cao ốc, nhà cao tầng hiện đang là niềm kiêu hãnh ở Singapore, Hồng Kông,…thì ở Việt Nam lại được xem là tác nhân gây ra tắc đường, ngập lụt… Nhưng thực tế cho thấy, nếu chuyển dân số từ nhà thấp tầng lên nhà cao tầng, diện tích còn lại dành để làm trường học, công viên, các tiện ích xanh hay làm đường… mới là giải pháp tối ưu.
Tại Hội thảo quốc tế "Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam" vừa diễn ra sáng 5-6, nhiều ý kiến đặt ra về việc nhà cao tầng đang tác động thế nào đến hạ tầng đô thị.
Hội thảo đã quy tụ hàng chục chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Anh; Tây Ban Nha; Singapore; Hongkong; Hàn Quốc và rất nhiều chuyên gia uy tín Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chủ đề hội thảo đã được báo cáo và xin chỉ đạo của Thủ tướng. "Sau Hội thảo, chúng tôi sẽ tập hợp các y kiến để báo cáo Thủ tướng", ông Chính nói.
Câu trả lời của nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, cho rằng nhà cao tầng là nhân tố tất yếu để xây dựng các thành phố hiện đại, đô thị thông minh của thế giới, nhưng vấn đề là phát triển cao ốc có đi đôi với phát triển hạ tầng hay không lại là câu chuyện cần bàn tới.
Nhà cao tầng mang lại không gian sống tốt hơn
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Đỗ Dũng, vấn đề xây dựng cao ốc không đồng nghĩa với mật độ dân số cao. Ông khẳng định chính những ngôi nhà phố, nhà thấp tầng san sát ở đô thị lớn như Hà Nội hay Tp.HCM mới đang chiếm phần lớn diện tích, mật độ không hề thấp, không còn chỗ để xây dựng đường sá, công viên, khu vui chơi giải trí…
Để chứng minh điều đó, KTS Dũng đưa ra ví dụ rất cụ thể, với cùng một khu đất rộng khoảng 1ha, nếu xây các căn nhà thấp tầng san sát với diện tích trung bình 80m2, mật độ xây dựng chiếm khoảng 80% diện tích đất, thì chúng ta có khoảng 100 ngôi nhà. Giả sử trung bình mỗi hộ gia đình trung bình có 4 người, thì khu đất này có mật độ dân cư vào khoảng 400 người/ha.
Tuy nhiên, nếu xây nhà cao tầng cho 400 người trên khu đất 1ha này thì chỉ cần tới 1 tòa chung cư cao 25 tầng, và chỉ chiếm diện tích đất khoảng 1.150m2, tương đương hơn 10% diện tích khu đất. Mỗi căn hộ có diện tích 200m2 cho một hộ gia đình thay vì nhà thấp tầng 80m2. Diện tích đất còn lại đến hơn 9.000m2 đất, chúng ta sẽ dành để mở rộng đường sá, thiết kế sân vườn cảnh quan, bãi đỗ xe, và các tiện ích khác…
Từ ví dụ này, rõ ràng có thể thấy nhà cao tầng mang lại không gian sống tốt hơn nhà thấp tầng, giải quyết được các vấn đề đô thị hiện nay.
Thực tế, các chuyên gia chỉ ra ở các đô thị lớn tại Việt Nam, thực trạng phát đô thị gắn với phát triển hạ tầng đang có vấn đề, đây là mấu chốt gây ra những vấn đề nhức nhối về nạn kẹt xe, ngập úng,…chứ không phải do cao ốc.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, phát triển nhà cao tầng là xu thế tất yếu của các đô thị hiện đại, cao ốc không có lỗi trong việc gây tắc đường, ngập úng...việc thiếu hạ tầng kết nối với việc phát triển đô thị mới là mấu chốt vấn đề nhức nhối này.
Cao hay thấp tầng – hãy để thị trường quyết định
PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, đặt vấn đề cả xã hội đang quan tâm đến vấn đề cao ốc bức tử giao thông. Vậy điều đó có phải như vậy không?
Ông khẳng định nhà cao tầng đang đóng góp không nhỏ vào bộ mặt cảnh quan đô thị, thay đổi diện mạo đô thị, thậm chí thay đổi cả nhận thức của người dân,… Vấn đề ở đây là chúng ta đã có các quy hoạch, có cả quy định về mật độ, kế hoạch sử dụng đất…nhưng chúng ta có tuân thủ quy hoạch hay không, lại là chuyện khác. Ông cho rằng nếu chúng ta tuân thủ quy hoạch thì tình trạng này khó có thể xảy ra, mà vấn đề ở đây là quản lý chưa tốt, chứ không phải cao ốc có lỗi.
Thực tế, nhiều chuyên gia đã chỉ ra thực trạng này từ 2 khu đô thị mẫu được công nhận thời điểm trước đây là KĐT mới Linh Đàm (Hà Nội) và KĐT mới Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM). Đến nay thì thực trạng hạ tầng ở 2 khu đô thị này là hoàn toàn trái ngược nhau. Tại Linh Đàm thì chúng ta đã thấy được quá tải về hạ tầng còn ở Phú Mỹ Hưng thì vẫn đang là đô thị kiểu mẫu đúng nghĩa của nó. Theo các chuyên gia thì điểm khác biệt, đó là Phú Mỹ Hưng từ trước đến nay không điều chỉnh quy hoạch, còn ngược lại là Linh Đàm.
Do đó, theo PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, để phát triển cao ốc ở đô thị thì chúng ta phải đánh giá, rà soát lại, đặc biệt là ở khu nội đô, cần phải phát triển cao ốc song song với hạ tầng xung quanh.
Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đồng ý nhà cao tầng không có lỗi, mà vấn đề ở đây là chúng ta chưa có sự đồng bộ về hạ tầng. Hiện tại, Hà Nội vẫn đang đi xe máy, ô tô…có tới 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ô tô đang lưu hành, trong khi hệ tống metro line thì vẫn chưa có, đáng lẽ Hà Nội phải có metro từ 10 năm trước.
Chỉ ra bất cập này, KTS Nguyễn Đỗ Dũng, cho rằng đây là câu chuyện khó hiểu ở Việt Nam. Ví dụ có dự án nằm xa nhà ga và các trạm phương tiên công cộng, xa đường lớn thì quy mô rất lớn và xây bất chất quy hoạch đã có, trong khi có những dự án ngay sát nhà ga lại chẳng tận dụng để kết nối mà cũng chẳng cho tăng mật độ dân số lên. Đó là một sự vô lý đang làm cản bước quá trình phát triển đô thị bền vững của chúng ta.
Chính vì thế, vấn đề ở đây cần bàn tới, đó là không phải là câu chuyện xây nhà cao hay nhà thấp mà là quy hoạch có đồng bộ không. Còn với mật độ đó, người ta xây dưới hình thức gì thì hãy để thị trường quyết định.