Nhà cao tầng mọc lên đến đâu hạ tầng quá tải đến đó, TPHCM đang nghẹt thở
Các cao ốc mọc lên chi chít, hạ tầng oằn mình gánh chịu với nạn kẹt xe, tắc đường là tình trạng không hề hiếm tại nhiều cung đường tại TPHCM.
- 02-10-2016Xây cầu Nguyễn Khoái 1.250 tỷ, giảm kẹt xe cho Nam Sài Gòn
- 23-09-2016Kẹt xe kinh hoàng: Vì sao Cầu Tó ‘thất thủ’?
- 06-09-2016Gần 2.000 tỉ đồng xóa kẹt xe cửa ngõ đông bắc TP.HCM
Mới đây, tại phiên chất vấn kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu yêu cầu Sở Xây dựng làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng, đặc biệt là trung tâm thương mại tại nội đô có hay không tính tới việc kẹt xe, ùn tắc. Bà Châu lấy dẫn chứng cụ thể về dự án Saigon Center và Saigon Square tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi (quận 1) và cho biết giờ đây khu vực này liên tục có kẹt xe vì lượng người đến đây mua sắm, làm việc tăng cao.
Theo một số đại biểu HĐND, khi thành phố quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh, chỉ một hai con đường chính được chú trọng đầu tư nâng cấp mở rộng, nhưng hàng trăm dự án chung cư cao tầng với hàng chục nghìn người sinh sống đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông nội ngoại khu.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, ở ngay khu vực trung tâm TP.HCM đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Phạm Ngọc Thạch (quận 3) dài khoảng 1km đã có đến 18 cao ốc. Trong đó có nhiều cao ốc vừa đưa vào khai thác với quy mô trên 20 tầng (chưa kể tầng hầm, lửng).
Tương tự, đường Hai Bà Trưng chỉ đoạn ngắn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Du (quận 1) cũng có 10 cao ốc cũ, mới và chưa kể đến bốn cao ốc khác đang xây dựng. Trong đó, đặc biệt là khu phức hợp Kumho Asiana Plaza vừa có khoảng 270 căn hộ vừa là trung tâm thương mại và có cả văn phòng cho thuê.
Tình trạng các dự án nhà ở cao tầng chen nhau mọc lên không chỉ diễn ra tại quận 1 mà một số khu vực tập trung phát triển khu đô thị vệ tinh cũng đang trong tình trạng tương tự.
Điển hình như tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 nối Nhà Bè, chỉ với chiều dài chưa tới 3km nhưng đã phải oằn mình "cõng" hơn 50 dự án nhà ở cao cấp, trong đó có một số dự án gần 8.000 căn hộ. Theo khảo sát, xung quanh khu vực cầu Rạch Đĩa hiện có 5 dự án chuẩn bị khởi công xây dựng, trong tương lai sẽ cho ra thị trường gần 30.000 căn hộ cao cấp. Trong khi đó, tuyến đường này thuộc dạng độc đạo kết nối khu đô thị cảng Hiệp Phước với trung tâm thành phố.
Cũng tại quận 7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được cho là dự án dân cư hiện đại kiểu mẫu của cả nước, với tuyến đường Nguyễn Văn Linh rợp bóng cây xanh. Tuy nhiên, với tốc độ lưu thông các loại xe container hạng nặng đang làm cho cư dân đang sinh sống trong khu vực này hàng ngày lo lắng. Mỗi ngày, xe tải chạy ra vào cảng Hiệp Phước từ đường Nguyễn Văn Linh ra cầu Phú Mỹ tạo nên mật độ giao thông dày đặc, bụi tung mịt mù, đêm ngủ tiếng xe container vẫn bóp còi inh ỏi.
Một "điểm đen" giao thông khác tuyến đường Mai Chí Thọ thuộc quận 2- con đường kết nối với trung tâm TP.HCM thông qua hầm vượt sông Sài Gòn. Khảo sát cho thấy trong khoảng cách chưa đến 1km đã có 30 dự án cao tầng đã và đang xây dựng.
Song song đó, nhức nhối nhất là "điểm đen" kẹt xe tại nút giao thông Mỹ Thủy. Tại nút giao thông này hiện đang chịu áp lực rất lớn bởi hàng ngày có hơn cả nghìn lượt xe các loại di chuyển qua đây. Trong đó chủ yếu là xe tải, container phía Đông và Tây Bắc TP.HCM theo hướng Xa lộ Hà Nội về đường Đồng Văn Cống qua nút giao Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái. Điều này khiến không ít dự án từng được kỳ vọng rất hoành tráng, nhưng hiện tại đang lâm vào cảnh "sống dở, chết dở".
Trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dân số thành phố khoảng 10 triệu người, trong đó dân số tại khu vực nội thành sẽ 7-7,4 triệu người và dân số ngoại thành khoảng 2,6-3 triệu người. Số khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người.
Các chuyên gia cho rằng không gian TP.HCM hiện không phát triển được thêm được vì có các khu bảo tồn, hệ thống sông rạch, do vậy phải cố gắng giữ dân số trong khoảng 10 triệu dân. TP.HCM hiện đang “cầu cứu” đến quy hoạch của cả vùng, phát triển các vùng để kéo giãn dân ra khỏi thành phố, còn nếu dân số vượt mức 10 triệu thì TP.HCM sẽ không chịu nổi, sẽ bị kẹt xe mãi mãi.
Những cung đường oằn mình "cõng" hàng chục dự án cao tầng
Tuyến đường nối quận 4 với quận 1 luôn ở trong tình trạng quá tải do kẹt xe triền miên. Hai bên con đường này là hàng loạt dự án chung cư cao tầng
Ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, điểm đen kẹt xe và rất nguy hiểm cho người đi đường do lượng lưu thông xe container khá lớn.
Một dự án với gần 6.000 căn hộ sắp được tung ra thị trường ngay tại "điểm đen" kẹt xe ở trung tâm thành phố.
Cầu Rạch Đĩa luôn gồng mình "chịu đựng" lượng giao thông quá lớn, phía trước là hàng chục dự án cao tầng.
Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hàng loạt dự án khu dân cư quy mô lớn đang ồ ạt "mọc" lên.
Khu đô thị PHú Mỹ Hưng cũng đang trong tình trạng các tuyến đường oằn mình cõng cả chục dự án.
Trong lòng khu đô thị hiện đại bậc nhất TP.HCM Phú Mỹ Hưng là những "mạng nhện" xe container đang cày nát các tuyến đường.
Nhiều người dân cho biết, sinh sống ngay tại các dự án chung cư cao cấp, nhưng mở mắt ra là nhìn thấy xe container. Đường xá luôn bị xuống cấp do những loại xe tải hạng nặng này cày nát ngày đêm.
Ngay sau khi xuống khỏi chân cầu Phú Mỹ (quận 7), là những "mạng nhện" xe container. Nhiều người dân cho biết họ phải nín thở để đi qua đây khi muốn về được nhà vì vô cùng nguy hiểm khi đi song hành cùng những cỗ xe "tử thần".
Người dân đang sinh sống tại những khu chung cư cao tầng này cho biết, hàng đêm cảm giác cả toà nhà run bần bậc khi có những đoàn nhiều xe container chạy bên dưới.