MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư Ấn Độ chịu cảnh trăm dâu đổ đầu tằm, niềm tin vào "tài sản ảo" lung lay dữ dội

07-06-2022 - 14:41 PM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư Ấn Độ chịu cảnh trăm dâu đổ đầu tằm, niềm tin vào "tài sản ảo" lung lay dữ dội

Những mất mát trên thị trường tiền số cộng với quy định mới về thuế của nhà chức trách Ấn Độ đã khiến các nhà đầu tư ở quốc gia tỷ dân cảm thấy không còn mặn mà với hình thức đầu tư này.

Nhà đầu tư Ấn Độ nắm giữ TerraUSD và Luna đã nhận được đã nhận được token mới, được gọi là Luna 2.0 thông qua phương thức "airdrop" (phân phát). Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định họ có thể bị áp thuế tới 30% trên giá trị token nhận được và theo đó sẽ không bù đắp được bất kỳ khoản lỗ nào ở đợt sụt giảm trước đó.

Theo quy định thuế mới ở Ấn Độ - có hiệu lực từ ngày ¼, thu nhập từ việc "chuyển nhượng" "tài sản kỹ thuật số" sẽ bị áp mức thuế cố định là 30%, nhưng không đề cập rõ ràng phương thức airdrop sẽ bị đánh thuế như thế nào. Jay Sayta – luật sư ngành công nghệ và game, cùng Manhar Garegrat – giám đốc điều hành chính sách của sàn CoinDCX, cho biết các token nhà đầu tư nhận được thông qua phương thức trên có thể được coi là thu nhập và cũng phải chịu thuế.

Sayta cho hay: "Từ ngữ được sử dụng trong luật này không rõ ràng, trong đó có cả định nghĩa về tài sản kỹ thuật số và định nghĩa ‘chuyển nhượng’. Bởi vậy nhà đầu tư có thể bị áp mức thuế khá cao."

Trái lại, Anush Bhasin – nhà sáng lập công ty tư vấn thuế tài sản tiền số Quagmire Consulting, cho rằng các đợt airdrop của Luna 2.0 có thể phù hợp hơn với định nghĩa hiện có về "quà tặng". Do đó, mức thuế cố định 30% sẽ không được áp dụng.

Theo Rajagopal Menon – phó chủ tịch của WazirX thuộc sở hữu của Binance, sàn này có hơn 160.000 nhà đầu tư nắm giữ Luna từ ngày 9/5 đến 15/5, con số này tăng 77%. Hiện tại, không rõ bao nhiêu nhà đầu tư nắm giữ UST.

Menon cho biết: "Sự gia tăng này có thể có nguyên nhân là lượng người mua tăng đột biến sau ngày 9/5, trong đó tỷ lệ người mua/người bán là 5:1. Ngày 11 và 12/5, Luna chứng kiến khối lượng bán ra cao nhất là 53 triệu USDT."

Dù đợt airdrop của Luna 2.0 được coi là thu nhập hay quà tặng, thì các chuyên gia trao đổi với Bloomberg cho biết rằng, theo quy định mới, việc áp thuế sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Đầu tiên là ở thời điện nhận airdrop, thuế quà tặng hoặc thuế cố định 30% sẽ được tính dựa trên giá trị của token ở thời điểm đó. Thứ hai là nếu token được bán ra, mức thuế 30% sẽ được áp dụng dựa trên tiền lãi.

Meyyappan Nagappan – đứng đầu bộ phận thuế kỹ thuật số tại Nishith Desai Associates, cho biết: "Có thể, nhà đầu tư nhận được số token trị giá 50.000 rupee, nếu được coi là quà tặng thì họ sẽ phải trả thuế. Nhưng vào thời điểm họ bán số token đó, nếu giá giảm thì họ còn phải chịu lỗ và phải đóng thuế nhiều hơn cả những gì họ nhận lại. Đây là trường hợp tồi tệ nhất mà nhà đầu tư Luna 2.0 phải đối mặt."

Nhìn chung, chính phủ Ấn Độ từ lâu đã không có thái độ ôn hòa với tiền số. Quy định thuế được công bố vào năm nay không cho phép tiền số đứng "cùng hạng" với cổ phiếu và trái phiếu. Bởi vậy, giao dịch tiền số không được chính phủ kiểm soát khiến nhà đầu tư không thể chuyển tiền vào tài khoản bằng đồng rupee.

Airdrop là phương thức phân phối token trực tiếp đến ví của nhà đầu tư và có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Đây là công cụ phổ biến đối với các dự án tiền số mới phát triển nhằm thu hút nhà đầu tư bằng cách phân phối token miễn phí và thưởng cho người dùng. Ở trường hợp của Terra, người ủng hộ Terraform Labs đã sử dụng một đợt airdrop để bồi thường cho nhà đầu tư và hồi sinh dự án của mình sau vụ sụp đổ.

Rajat cho biết, các dự án toàn cầu sẽ không ngừng tung ra các đợt airdrop nhưng họ sẽ gặp nhiều khó khăn ở Ấn Độ khiến các nhà đầu tư có thể sẽ mất rất nhiều tiền. Ông nói: "Airdrop đã giúp các dự án tiền số thu hút nhiều nhà đầu tư và cũng tạo tiếng vang lớn. Đôi khi, họ có thể phải đóng khoản tiền thuế rất lớn."

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/nha-dau-tu-an-do-chiu-canh-tram-dau-do-dau-tam-niem-tin-vao-tai-san-ao-lung-lay-du-doi-20220606153503608.chn

Vu Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên