MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư cần "lắng nghe" yếu tố vĩ mô khi quyết định mua cổ phiếu, ngành xuất khẩu sẽ là điểm sáng trong nửa cuối năm 2021

Nhà đầu tư cần "lắng nghe" yếu tố vĩ mô khi quyết định mua cổ phiếu, ngành xuất khẩu sẽ là điểm sáng trong nửa cuối năm 2021

Ông Lê Quý Hải cũng đưa ra khuyến nghị cho nhà đầu tư trước khi xuống tiền vào các thương vụ niêm yết trái phiếu lãi suất cao.

Buổi thảo luận tư vấn đầu tư mới đây của CTCK SSI đã đưa ra một số nhận định nhằm giúp nhà đầu tư có thể lựa chọn chiến lược đúng đắn với danh mục của mình dựa trên những đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2021.

Theo ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI, các vấn đề vĩ mô chắc chắn sẽ mang tầm ý nghĩa rộng hơn, bao quát hơn với các nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên lại không hề thừa thãi. Nhà đầu tư T+3 hay phái sinh, nếu hiểu rõ mình đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế, sẽ đưa ra được triển vọng mạnh lên hay yếu đi trong tương lai, từ đó ra được những quyết định đầu tư phù hợp, tránh rơi vào thua lỗ.

Cùng quan điểm, Ông Lê Quý Hải, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI cho rằng, một trong những thói quen không tốt của nhà đầu tư đó là dễ dàng bỏ qua các yếu tố vĩ mô khi thị trường đang ở trong tăng trưởng mạnh, chỉ suy nghĩ mình đã lựa chọn đúng mã cổ phiếu tăng giá. Chỉ khi thị trường rơi vào cú điều chỉnh giảm, sự quan tâm mới quay về tình hình vĩ mô và các dự báo nền kinh tế thời gian sắp tới.

"Cần bác bỏ các định kiến sai lầm về vĩ mô"

Ngoài việc bỏ qua thông tin vĩ mô, các định kiến trong đầu tư cho rằng số liệu vĩ mô của Việt Nam công bố không chính xác, thiếu tin cậy cũng cần được xóa bỏ. Ông Hưng nhấn mạnh, các con số được Việt Nam công bố mang tính cập nhật cao đồng thời có sự điều chỉnh sau đó có ý nghĩa rất hiệu quả, giúp đưa ra hàng loạt các dự báo ngành đồng thời là ước tính về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Quan niệm “đồng hồ Tây luôn đúng” theo ông Hưng cũng cần xem xét lại. Nhà đầu tư thường tin ngay và chạy theo những thông tin, động thái của báo chí, tổ chức nước ngoài. Tuy vậy, những đánh giá, nhận xét của khối ngoại chỉ nên mang tính chất tham khảo, đôi lúc sẽ không hợp với thực tế của Việt Nam. “Để hiểu về Việt Nam và nắm bắt các các tin tức vĩ mô thì điều cần thiết là cần biết tiếng Việt - điều này rất quan trọng để có thể nhanh chóng nắm được các thông tin, ảnh hưởng trực tiếp cho hoạt động đầu tư” - ông Hưng khẳng định.

Ông Hải khuyến nghị nhà đầu tư, cần có thói quen tiếp cận đầu tư một cách có hệ thống, bài bản, cần lắng nghe các yếu tố kinh tế vĩ mô tổng quan, sau đó lựa chọn ngành kinh doanh quan tâm và cuối cùng là đánh giá nội tại các mã cổ phiếu của doanh nghiệp, tránh rơi vào bẫy "bull trap" của thị trường.

Triển vọng TTCK nửa cuối năm 2021, đầu tư công là điểm sáng, ngành xuất khẩu bước vào "mùa vụ chính"

Nhận định về yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK trong hiện tại, ông Hải cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 căng thẳng sẽ gây tâm lý lo ngại về cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế và các ngành nghề liên quan.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng mới đây đã đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay khiến bức tranh lợi nhuận nhóm "cổ phiếu vua" sẽ bớt lạc qua đi trong tổng thể năm 2021. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận hướng ngược lại, khi dòng tiền được thêm vào nền kinh tế cũng sẽ kích thích tình hình vĩ mô trở nên ổn định và tăng trưởng vững chắc hơn.

Về triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021, ông Hải đánh giá thanh khoản tiếp tục được kỳ vọng duy trì mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng và lãi suất ở mức thấp. Bên cạnh đó, yếu tố chính sách tài khóa sẽ có không gian lớn hơn trong năm nay, giúp dòng tiền vẫn giữ sự tích cực. Lạm phát về tổng thể sẽ vẫn đảm bảo thấp hơn đề ra của chính phủ (4%), do vậy không gian của chính sách tiền tệ vẫn khá rõ ràng.

Liên quan đầu tư công, giải ngân trong 6 tháng đầu vẫn khá thấp, do đó thời gian tiếp theo đây, đầu tư công được kỳ vọng là điểm sáng giúp mở rộng hơn nữa triển vọng tăng trưởng quý 3 và cả năm.

Nhận định về các ngành triển vọng trong nửa cuối năm 2021, với mũi nhọn là đầu tư công, các ngành nhận tác động rõ ràng và mạnh nhất là BĐS, xây dựng, năng lượng. Ngoài ra, ngành hoạt động trong lĩnh vực thầu thi công, logistic, tài chính - chứng khoán, ngân hàng cũng sẽ nhận những lực kéo tích cực.

Tuy nhiên, ông Hưng có đưa ra đánh giá riêng với một số nhóm ngành trong khoảng thời gian ngắn hạn 1-2 tháng. Theo đó, nhóm Ngân hàng dưới áp lực giảm lãi suất và tác động dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không thực sự có chính sách mới từ phía NHNN nhằm giúp đỡ thì sẽ gặp khá nhiều vấn đề trong hoạt động vào thời gian tới đây.

Chiều ngược lại, nhóm các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu thì đang trong giai đoạn bước vào "mùa vụ chính". Hiện gần như không có thông tin tiêu cực về xuất khẩu, các chính sách thuế quan vẫn ổn định, do đó kỳ vọng nhóm ngành liên quan xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi quá trình mở cửa thế giới tăng mạnh trong 1-2 quý tiếp theo.

Đầu tư trái phiếu: "Một khi đã bỏ tiền thì phải biết mình đang mua cái gì"

Làn sóng phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm huy động vốn của hàng loạt các doanh nghiệp gần đây cũng đã thu hút không ít sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy vậy, ông Hải khuyến nghị nhà đầu tư cần lưu ý trước khi thực sự xuống tiền.

Theo đó, các tổ chức phát hành trước đây thường mang TSCĐ ra đảm bảo khoản huy động trái phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK thăng hoa, thị giá cổ phiếu tăng cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chính phần cổ phiếu này để làm khoản đảm bảo cho các đợt niêm yết trái phiếu. Nhà đầu tư cần lưu ý vấn đề này.

Lãi suất cao đồng nghĩa với rủi ro cao, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều các yếu tố trước khi xuống tiền như sự uy tín của doanh nghiệp phát hành, của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu; khung pháp lý, tài sản đảm bảo, thanh khoản của tài sản đảm bảo... Phải xác định, một khi đã bỏ tiền thì phải biết mình đang mua cái gì.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên